Bài học 'sống còn' từ cuộc chiến giành lại thương hiệu Vinamit tại Trung Quốc

(PLVN) - Được coi là doanh nghiệp “bắc cầu” tiêu chuẩn hữu cơ (organic) tại thị trường tỷ dân, Vinamit đã phải mất 3 năm để tuân thủ 500 tiêu chuẩn mới chính thức có tấm vé thông hành đưa sản phẩm organic của mình vào Trung Quốc. Tuy nhiên, chắc ít người biết chỉ vài năm trước, Vinamit từng phải rất long đong trong việc giành lại thành công thương hiệu Đức Thành ở chính thị trường đông dân nhất thế giới này.
Sản phẩm Vinamit trong một siêu thị ở Trung Quốc.
Sản phẩm Vinamit trong một siêu thị ở Trung Quốc.

Nguy cơ đi tù nếu không “đòi” được thương hiệu 

“Đức Thành” vốn là thương hiệu của Công ty CP Vinamit Việt Nam từ ngày đầu thành lập (1991) và cũng là thương hiệu phổ biến của Vinamit tại thị trường Trung Quốc. Từ năm 1997, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Vinamit - ông Nguyễn Lâm Viên bắt đầu đưa sản phẩm mít sấy khô với thương hiệu Đức Thành sang Trung Quốc.

Vinamit đã thực hiện đầy đủ việc đăng ký bảo hộ bản quyền thương hiệu nhưng lại chỉ đăng ký sở hữu thương hiệu tiếng Việt mà không đăng ký sở hữu thương hiệu bằng tiếng Hoa, nên ngay lập tức bị chính nhà phân phối của mình đi đăng ký độc quyền thương hiệu Đức Thành bằng tiếng Hoa. Nhà phân phối này đã khống chế thị trường của sản phẩm Đức Thành và nhanh chóng cho ra một sản phẩm tương tự. 

Đến năm 2007, khi đối tác được cấp bằng chứng nhận độc quyền thương hiệu Đức Thành thì ông Viên mới phát hiện ra sơ hở chết người trên, trong khi luật pháp nước sở tại yêu cầu phải đăng ký tên bản địa đi kèm với thương hiệu gốc mới được bảo hộ đầy đủ. Điều đáng buồn là từ vị trí người chủ thương hiệu, một đơn vị làm ăn chân chính, ông Viên và Vinamit trở thành người ăn cắp hoặc kẻ làm giả thương hiệu. 

Hậu quả, toàn bộ hàng hóa mang nhãn hiệu Vinamit đều bị hệ thống siêu thị của Trung Quốc từ chối nhận bán vì không hợp pháp, nguy cơ bị đánh bật khỏi thị trường nước này. Lãnh đạo Công ty thậm chí còn đối diện với nguy cơ bị bắt bất cứ lúc nào khi pháp luật Trung Quốc quy định tội làm giả thương hiệu có thể sẽ bị ngồi tù 5 năm. 

Sau 3 năm tìm hiểu, tranh đấu quyết liệt, đến năm 2010, Công ty mới phát hiện ra chủ doanh nghiệp làm giả nhãn hiệu của mình chính là ông Xie Hong Yi, một thương nhân Trung Quốc, khách hàng từng mua sản phẩm Vinamit. 

Từ đây, Vinamit bắt đầu theo đuổi vụ kiện đòi lại thương hiệu Đức Thành với ông Xie Hong Yi. Sau thời gian dài nộp hồ sơ khiếu kiện đến Cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc, cuối cùng Cục này cũng đưa ra phán quyết: Thương hiệu Đức Thành là của Vinamit và yêu cầu người được cấp quyền sở hữu thương hiệu trước đó là ông Xie Hong Yi phải trả lại thương hiệu Đức Thành cho Vinamit.

Tuy nhiên, phán quyết đó không những không được Xie Hong Yi thực thi mà người này còn kiện ngược Vinamit ra Tòa án thương mại Bắc Kinh (Trung Quốc). Tới cuối năm 2012, Tòa án Thương mại Bắc Kinh tuyên Công ty CP Vinamit đã thắng kiện trong vụ tranh chấp thương hiệu Đức Thành với ông Xie Hong Yi. 

Ông Nguyễn Lâm Viên.
Ông Nguyễn Lâm Viên.

Theo Vinamit, trong bản quyết định của Tòa án nhân dân cấp trung thứ nhất thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) ghi rõ: “Ông Xie Hong Yi - một thương nhân Trung Quốc có lẽ biết được Công ty Vinamit đã có thương hiệu nổi tiếng và đã đăng ký trước, tạo nên hành vi bất chính là tranh giành đăng ký thương hiệu.

Điều này đã vi phạm Điều thứ 31 trong Luật Thương hiệu có quy định “sử dụng thủ đoạn bất chính tranh giành đăng ký các thương hiệu đã có tiếng tăm nhất định của người khác”, theo quy định phải thu hồi lại thương hiệu trên”.

Tưởng vụ việc đến đó là ngã ngũ và khép lại hơn 4 năm đeo đuổi vụ kiện nhọc nhằn, nào ngờ Xie Hong Yi tiếp tục đâm đơn lên tòa “kêu oan” và phiên tòa phúc thẩm được mở vào cuối tháng 4/2013. 

Bài học nhớ đời trên con đường kinh doanh của ông Viên được đúc rút từ chính cuộc chiến giành lại thương hiệu này là: Nếu không thận trọng và tính toán kỹ lưỡng trong việc quản trị mối quan hệ với đối tác khi xuất khẩu sản phẩm thì rất dễ biến đối tác trở thành kẻ thù và mình sẽ bị nguy hiểm, nhất là khi đối tác phân phối các sản phẩm với doanh số chục triệu USD mỗi năm, ông Viên chia sẻ. 

Dù phải tốn nhiều công sức và chi phí lớn tới mức…không tưởng, chưa kể bỏ lỡ hàng loạt cơ hội kinh doanh, song cuối cùng thì cuộc chiến cũng kết thúc có hậu với Vinamit. Thế nhưng, không phải trường hợp nào cũng được như vậy.

“Không nên xem nhẹ việc đăng ký bản quyền thương hiệu, dù là thương hiệu nhánh, vì chi phí này thấp hơn so với hành trình ròng rã để đòi lại. Nhưng khi đã phải tham chiến để giành lại thương hiệu thì động lực chiến đấu không chỉ là giá trị tài chính mà là giá trị của “đứa con tinh thần của mình”, Chủ tịch Vinamit đúc rút.

“Bắc cầu” organic vào Trung Quốc

Sau cuộc chiến giành lại thương hiệu Vinamit tại thị trường Trung Quốc, Vinamit bắt đầu lấn sân sang nông nghiệp hữu cơ khi đầu tư vùng nguyên liệu rộng 200 ha tại Bình Dương. Lý do của hướng đi này là sản phẩm của Vinamit khi vào thị trường Trung Quốc vẫn chịu nhiều bất lợi dù là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch. Đơn cử, vì thiếu chứng nhận của Chính phủ Trung Quốc nên Vinamit phải bán hàng với giá thấp. 

Thiếu giấy chứng nhận cũng là nguyên nhân khiến sản phẩm của Vinamit bị hàng giả cạnh tranh gay gắt mà cuộc chiến giành thương hiệu nói trên là minh chứng rõ nét. Bởi thế, năm 2017, nhận thấy nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nông sản hữu cơ của thị trường Trung Quốc rất lớn, ông Viên đã quyết tâm thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật để chờ ngày được cấp giấy chứng nhận. “Sản phẩm của Vinamit sẽ được Chính phủ giám sát hiệu quả hơn khi có giấy chứng nhận”, ông Viên nói.

Đáng nói là Vinamit đã có giấy chứng nhận Canh tác hữu cơ, Chế biến hữu cơ và Nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Organic) và Liên minh châu Âu (EU). Ấy vậy, tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu lại chưa đủ để trở thành tấm vé thông hành đưa sản phẩm organic của Vinamit vào thị trường Trung Quốc vốn là thị trường chủ lực của Vinamit.

Vinamit đã vất vả suốt 3 năm theo đuổi các tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc. Ông Viên phải trực tiếp làm thủ tục giấy tờ và phải liên tục di chuyển để tiết kiệm thời gian cấp giấy chứng nhận. Đến đầu năm 2019, Vinamit mới được thị trường Trung Quốc chấp nhận cấp giấy chứng nhận xuất khẩu với 2 sản phẩm là mít tươi và mít sấy. “Để đạt tiêu chuẩn hữu cơ vào thị trường Trung Quốc còn khó hơn các tiêu chuẩn của thị trường Mỹ và châu Âu”, ông Viên nhận định.

Ông Viên cho biết, khi có giấy thông hành, sản phẩm hữu cơ của Vinamit bán tại Trung Quốc sẽ tăng thêm khoảng 20% giá trị. Hiện các sản phẩm này đang có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn của Trung Quốc cũng như được quảng cáo rộng rãi trên trang thương mại điện tử Alibaba.

Theo ông Viên, chứng nhận organic cho hệ thống sản phẩm của Vinamit sẽ mở rộng cánh cửa để đưa các mặt hàng nông sản Việt Nam đàng hoàng bước vào các thị trường Bắc Mỹ, Nhật và EU, nơi có yêu cầu cao hơn, nghiêm ngặt hơn về các tiêu chuẩn sức khỏe, dinh dưỡng và môi trường. Vì vậy, cùng với thị trường Trung Quốc, ông chủ của Vinamit cũng đang có những kế hoạch cụ thể để chinh phục thị trường tiếp theo là Mỹ.

Bởi Công ty áp dụng công nghệ mới - sấy lạnh chân không - cung cấp sản phẩm không thuốc tăng trưởng, bảo vệ thực vật xuất khẩu thị trường Mỹ mà giá trị đã cao hơn khoảng 5 - 10 lần so với giá bán thông thường hiện nay. “Nhiều người mong muốn sử dụng sản phẩm hữu cơ, nhưng chúng ta chưa chứng minh thuyết phục họ về sự khác biệt với sản phẩm hóa học. Đây là điều mà chúng tôi sẽ làm” - Chủ tịch Vinamit đặt mục tiêu.

Đọc thêm