Bài học tái thiết bền vững cho ngành Du lịch

(PLVN) - Sau bão Yagi, các địa phương nổi tiếng miền Bắc Việt Nam với cảnh đẹp tự nhiên và các điểm đến du lịch hấp dẫn như Hà Nội, Hạ Long, Sa Pa… đều đứng trước nhiều thách thức trong việc khôi phục các hoạt động du lịch. Thiên tai luôn là một yếu tố khó lường, không chỉ để lại những thiệt hại nghiêm trọng về hạ tầng và kinh tế, mà còn tạo ra nhiều mối lo ngại cho ngành Du lịch trong thời gian sắp tới.
Quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan sau bão. (Ảnh: Bộ VHTT&DL)

Dồn lực phục hồi, nhanh chóng đón khách trở lại

Bão Yagi đã để lại hậu quả nghiêm trọng đối với ngành Du lịch miền Bắc Việt Nam. Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và các tỉnh Bắc Bộ chịu ảnh hưởng nặng nề. Đường sá bị hư hại, cầu cống sụp đổ, hàng loạt cơ sở lưu trú, điểm du lịch, phương tiện du lịch bị hư hại hoặc phá huỷ.

Quảng Ninh, nơi chịu thiệt hại lớn nhất, đã ghi nhận con số tổn thất lên tới 23.700 tỷ đồng. Các cơ sở lưu trú từ 4 - 5 sao đến các nhà nghỉ đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô. Nhiều nhà hàng sử dụng vật liệu khung thép, mái tôn tại thành phố Hạ Long bị sập hoặc hư hỏng nặng. Bão Yagi cũng gây thiệt hại lớn cho các tàu du lịch tại cảng Tuần Châu và vịnh Hạ Long, với 27 tàu du lịch, 4 tàu chuyển tải bị đắm. Nhiều điểm tham quan nổi tiếng như Cung Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh, Bảo tàng Quảng Ninh, khu vui chơi Sunworld cũng chịu tổn thất nghiêm trọng về cơ sở vật chất. Nhiều tour du lịch biển phải phải tạm ngừng hoạt động. Hàng trăm du khách quốc tế đã hủy bỏ kế hoạch du lịch do ảnh hưởng của bão.

Tại Lào Cai, lũ quét cuốn trôi nhiều đoạn đường và gây khó khăn cho các hoạt động du lịch khám phá và trekking tại đây. Mưa lớn và sạt lở đất buộc hoạt động du lịch tại Sa Pa phải tạm dừng để đảm bảo an toàn cho du khách. Thủ đô Hà Nội cũng không tránh khỏi ảnh hưởng khi nhiều điểm du lịch bị hư hại cảnh quan do cây cối gãy đổ và các hạng mục nhỏ bị hỏng. Các tour du lịch mùa lúa chín vốn sôi động vào thời điểm này cũng phải hoãn hoặc hủy bỏ.

Nền kinh tế du lịch vốn là nguồn thu chính của nhiều địa phương miền Bắc đã bị gián đoạn. Sau bão, ngành Du lịch miền Bắc đứng trước “bài toán” khó khăn trong việc tái thiết cơ sở hạ tầng và thu hút khách du lịch trở lại. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP, đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để khắc phục hậu quả do bão số 3. Trong đó, các biện pháp hỗ trợ ngành Du lịch bao gồm nghiên cứu áp dụng giá điện ưu đãi cho cơ sở lưu trú, giảm tiền thuê đất, thuế dịch vụ, hỗ trợ lãi suất vay vốn để các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi hoạt động.

Đồng thời, chính quyền các địa phương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp khôi phục hạ tầng, đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn cho du khách. Các con đường liên tỉnh và quốc lộ bị hư hại đã được ưu tiên sửa chữa, trong đó có tuyến đường dẫn đến Vịnh Hạ Long và các tuyến đường quan trọng đi vào vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang. Những cây cầu tạm thời được xây dựng lại để đảm bảo người dân và du khách có thể di chuyển an toàn. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch và người dân cũng tích cực tham gia vào quá trình tái thiết. Các khu nghỉ dưỡng nhanh chóng tiến hành vệ sinh, sửa chữa để sớm đón khách trở lại. Nhiều khu vực du lịch khuyến khích du khách quay lại bằng các chương trình khuyến mại, giảm giá để khôi phục niềm tin của khách hàng.

Bão Yagi gây thiệt hại nặng nề cho du lịch. (Ảnh: crystalbay.com)

Điển hình tại Sa Pa, các điểm du lịch như Sun World Fansipan Legend, thác Bạc và thung lũng Tả Phìn đã mở cửa lại từ giữa tháng 9. Sở Du lịch địa phương chủ động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm du lịch thiện nguyện, khuyến khích du khách tham gia hỗ trợ các bản làng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Đây là hình thức du lịch kết hợp trải nghiệm và đóng góp xã hội, giúp cải thiện cuộc sống của người dân địa phương và tái thiết sau thảm họa.

Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, cũng đang khôi phục các tàu du lịch và các điểm tham quan nổi tiếng như hang Đầu Gỗ, động Thiên Cung, hang Sửng Sốt… Dù gặp nhiều khó khăn trong việc sửa chữa tàu bị đắm, các doanh nghiệp tại Hạ Long đã nhanh chóng khắc phục được phần lớn thiệt hại và sẵn sàng đón du khách trở lại. Các hợp tác xã du lịch như Vạn Chài còn đưa ra định hướng áp dụng công nghệ số để cải thiện hoạt động kinh doanh.

Các ứng dụng đặt phòng trực tuyến và công nghệ thực tế ảo (VR) đang được triển khai để thu hút khách hàng quốc tế và mở rộng thị trường du lịch. Quảng Ninh vẫn giữ vững mục tiêu đón 19 triệu lượt khách du lịch trong năm 2024, với kỳ vọng đạt doanh thu du lịch 46.460 tỷ đồng. Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm lãi suất, giảm giá điện nước và thuế dịch vụ đang được triển khai để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tư duy bền vững để “đi đường dài”

Bão Yagi là “lời cảnh tỉnh” cho ngành Du lịch trong việc chuẩn bị đối phó với thiên tai trong tương lai. Dù thời tiết đã dần ổn định và các hoạt động du lịch được phục hồi, ngành Du lịch miền Bắc vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ như vùng núi cao và ven sông suối vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, khiến du khách e ngại.

Trạng thái “bình thường mới” này đồng nghĩa với việc du lịch không chỉ tập trung vào việc khôi phục mà còn phải thích nghi với những thay đổi trong cách quản lý và tổ chức du lịch, đặc biệt trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là thách thức nhưng ngành Du lịch miền Bắc cũng có thể tận dụng cơ hội này để cải thiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ du lịch theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, tạo nên các điểm đến hấp dẫn hơn. Những bài học từ bão Yagi còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong việc xây dựng lại cuộc sống.

Không chỉ là vấn đề riêng tại miền Bắc, biến đổi khí hậu đã và đang gây ra nhiều thách thức lớn đối với toàn ngành Du lịch Việt Nam những năm qua. Với đường bờ biển dài hơn 3.200km, các điểm đến ven biển như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng… thường là những địa điểm chịu ảnh hưởng nặng nề từ hiện tượng nước biển dâng, bão lớn và lũ lụt. Các cơn bão nhiệt đới xảy ra thường xuyên hơn, gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng du lịch, phá hủy các bãi biển, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh du lịch.

Tại các điểm đến miền núi như Sa Pa, Hà Giang và Đà Lạt, hiện tượng lũ quét và sạt lở đất ngày càng xảy ra nhiều hơn. Nhiệt độ ngày càng tăng làm thay đổi hệ sinh thái và môi trường tự nhiên, ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch sinh thái vốn là điểm nhấn của các địa phương này. Việc không ứng phó kịp thời với các thách thức trên có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, từ sự suy giảm chất lượng dịch vụ, tổn thất kinh tế cho các doanh nghiệp lữ hành, đến việc giảm lượng khách du lịch đến Việt Nam.

Nhiều điểm du lịch miền Bắc đón khách trở lại sau bão. (Ảnh: Báo đầu tư)

Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong du lịch hiện đang là xu hướng chiến lược và tất yếu, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của ngành Du lịch. Điển hình, các khu du lịch sinh thái như Cát Bà, Phong Nha - Kẻ Bàng, Cúc Phương đã và đang triển khai các mô hình du lịch thân thiện với môi trường, giúp du khách trải nghiệm thiên nhiên một cách bền vững và ý thức hơn về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, nhiều khu du lịch đã chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch dựa vào thiên nhiên, như các tour trekking, camping, kayaking với các biện pháp giảm thiểu rác thải và sử dụng năng lượng tái tạo.

Việc sử dụng các hệ thống cảnh báo sớm về thiên tai, dự báo thời tiết, quản lý rủi ro đã được triển khai tại nhiều khu du lịch để giảm thiểu thiệt hại. Ví dụ, một số khu nghỉ dưỡng ven biển tại Đà Nẵng và Nha Trang đã thiết lập các hệ thống cảnh báo lũ lụt và bão để đảm bảo an toàn cho du khách và nhân viên.

Các biện pháp tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo cũng được khuyến khích tại các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch. Nhiều khách sạn, resort tại Phú Quốc, Quy Nhơn, Hạ Long đã bắt đầu chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời và hệ thống quản lý nước thải hiện đại để giảm thiểu tác động môi trường.

Nhiều điểm đến di sản thiên nhiên và văn hóa đã được UNESCO công nhận, như Vịnh Hạ Long, Tràng An và Hội An, cũng đang thực hiện các biện pháp bảo vệ và phục hồi môi trường nhằm bảo đảm sự tồn tại lâu dài của các di sản này trong bối cảnh biến đổi khí hậu, như giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ hệ sinh thái biển, nâng cao nhận thức cộng đồng.

Đọc thêm