Hà Tĩnh: Giảm thiệt hại về người nhờ chủ động sơ tán dân, nhắn tin báo bão
Sau một năm điêu đứng vì sự cố môi trường biển, tỉnh này tiếp tục căng mình đối phó với 3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là siêu bão số 10 với sức gió giật cấp 14 – 15 tàn phá một vùng phía Nam Hà Tĩnh. Tuy nhiên, nhờ công tác ứng phó chủ động, Hà Tĩnh được đánh giá đã giảm tối đa thiệt hại trong bão lũ.
Giữa tháng 7/2017, cơn bão “trái mùa” số 2 đổ bộ, ngay sau đó là bão số 4. Hơn một tháng sau, siêu bão số 10 được ví như “bom B52” càn quét vùng tâm bão Kỳ Anh. Thiệt hại tính riêng cơn bão này đã “thổi bay” 6600 tỷ đồng, con số còn lớn hơn tổng thu ngân sách 6032 tỷ đồng của cả tỉnh trong 9 tháng đầu năm (theo Báo cáo tình hình KT-XH 9 tháng đầu năm 2017 của Hà Tĩnh). Nhưng một kết quả đáng mừng, Hà Tĩnh không để xảy ra thiệt hại về người trong mưa bão (2 người tử vong do khắc phục sau bão).
Chia sẻ với PLVN, ông Trần Duy Chiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết: “Trong những năm gần đây, Hà Tĩnh liên tiếp phải hứng chịu những trận bão, lũ, hạn hán, xâm mặn chưa từng có trong lịch sử, gây nên những tổn thất nặng nề về nhiều mặt đối với sản xuất và đời sống. Vì vậy, khi có thông báo tình hình bão lũ xảy ra trên địa bàn, Hà Tĩnh luôn sẵn sàng thực hiện các phương án ứng cứu, người dân cũng có ý thức chủ động phòng chống rất tích cực, nhất là trong cơn bão số 10 vừa qua và áp thấp nhiệt đới thường xuyên diễn ra trên địa bàn”.
Hà Tĩnh trong tâm bão số 10 |
Nhìn lại siêu bão số 10, với phương châm “Tính mạng, đời sống người dân là trên hết”, 2 ngày trước bão, tất cả tàu thuyền của tỉnh Hà Tĩnh đã được kết nối liên lạc, chỉ đạo vào nơi tránh trú an toàn. UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ đập điều tiết đón lũ, nhờ vậy, đảm bảo được an toàn 100% hồ đập và vùng hạ du; huy động, chỉ đạo các lực lượng giúp dân gặt lúa, thu hoạch nông sản trước khi bão đổ bộ.
Ngay sau lệnh tập trung sơ tán dân, đảm bảo an toàn tính mạng người dân của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh được phát đi, cuộc “di dân” ra khỏi vùng nguy hiểm đã triển khai một cách khẩn trương, đưa hàng ngàn người dân đến nơi tránh trú an toàn.
Đặc biệt, tỉnh liên kết với các nhà mạng nhắn tin cho các thuê bao thông báo tình hình bão, lũ, áp thấp nhiệt đới; ban hành lệnh cấm biển, cấm các tàu thuyền ra khơi và tổ chức neo đậu tránh trú bão an toàn, triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho khách nghỉ tại các điểm du lịch. Khi bắt đầu có tin áp thấp gần bờ, Chi cục đã nhận được công điện nên đã chủ động thông báo cho các hồ đập xả lũ ngay từ ngày 7 - 8/10.
Dù không tránh khỏi thiệt hại do thiên tai nhưng so với những năm trước thì từ 2016 đến nay Hà Tĩnh đã chủ động tình hình đối phó với mưa lũ, hạn chế tối đa thiệt hại về người trong bão.
Nghệ An: Tổn thất nặng do chủ quan?
Tại tỉnh Nghệ An, ngay từ khi bão số 2 – cơn bão “trái mùa” đổ bộ vào tháng 7, hàng nghìn cây lớn trong thành phố bị bão đốn ngã ngổn ngang trước sự ngỡ ngàng của người dân.
Hàng nghìn cây lâu năm tại TP Vinh bị bão số 2 quật đổ |
Trả lời báo chí, đại diện Công ty CP Công viên cây xanh TP Vinh thừa nhận đơn vị chủ quan trong công tác phòng chống bão. Mặc dù dự báo bão số 2 sẽ đổ bộ đất liền các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh từ vài ngày trước, nhưng đến chiều sát ngày bão vào, công ty này mới cho nhân viên đi tỉa chặt các cành cây có nguy cơ bị đổ. Lý do theo lãnh đạo công ty vì “từ trước đến giờ, làm gì có trận bão nào đổ bộ vào TP Vinh thời điểm này. Theo kinh nghiệm cha ông thì đến tháng 8 âm lịch mới đến mùa mưa bão”.
Cũng trong đợt bão này, chiếc tàu vận thải chở than và 13 thuyền viên mang số hiệu VTB 26 bị chìm khi đang neo đậu ở khu vực biển Hòn Ngư (Cửa Lò, Nghệ An). Nỗ lực của các cơ quan chức năng cứu sống được 9 người, còn lại 2 người chết, 2 mất tích. Vụ chìm tàu chưa rõ nguyên nhân lúc đó đã khiến Nghệ An thành “điểm nóng” chú ý trong bão số 2.
Đến siêu bão số 10 tháng 9/2017, Nghệ An không phải tâm bão nhưng có đến 4 người chết (1 người trong bão, 3 người sau bão).
Đặc biệt, đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua, Nghệ An tiếp tục thiệt hại nặng nề cả về người và của với 9 người chết (số liệu cập nhật ngày 14/10). Nhiều tuyến phố “thành sông”. Giữa trung tâm thành phố, nhiều nhà ngập lụt phải sơ tán. Cả khu vực chợ Vinh rộng lớn với gần 1.500 hộ kinh doanh cũng “thất thủ”, hàng tỷ đồng tiền hàng thiệt hại đáng tiếc.
Tiểu thương chợ Vinh cho rằng không nhận được cảnh báo đầy đủ |
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Sỹ Hưng - Chi cục Thủy lợi Nghệ An, khẳng định, công tác cảnh báo về tin nhắn, công điện đã được Văn phòng và các đơn vị phối hợp làm rất đầy đủ. Tin nhắn đã được Văn phòng nhắn tin về các chủ tịch huyện, thị xã, xã phường nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét…
Tuy nhiên, theo các tiểu thương tại đây, ngoài thông tin trên truyền hình và báo chí, họ không nhận được cảnh báo trực tiếp nào từ cơ quan chức năng, kể cả ban quản lý chợ. Hiện nhiều tiểu thương tại chợ Vinh đang “truy” trách nhiệm trong việc cảnh báo về áp thấp, khiến người dân không biết để di dời hàng hóa, dẫn đến thiệt hại lớn.
Đối với tình trạng ngập lụt trong thành phố, chính quyền địa phương cũng đang tìm nguyên nhân để tìm cách khắc phục. Trong đó một số nguyên nhân đã được “điểm danh” như 3 máy bơm trục trặc kỹ thuật vào đúng ngày mưa lớn, ảnh hưởng đến tiêu thoát nước cho nội đô; hệ thống mương thoát nước lâu ngày không nạo vét; một số công trình xây dựng dở dang.