Trước đó, vào ngày 28/7/2018, Báo PLVN đăng tải bài viết: “Thủ đoạn mới của những đối tượng ăn cắp tài nguyên khoáng sản: bãi sông bị “rút ruột” được “hoàn thổ” bằng rác “lậu””, phản ánh tình trạng UBND xã Minh Tân buông lỏng quản lý, có nhiều vấn đề khuất tất, mờ ám trong việc ký kết nhiều hợp đồng kinh tế giao đất bãi sông cho ông Đỗ Văn Tăng (Giám đốc Công ty Thương mại vận tải Thành Đạt, địa chỉ tại Cụm công nghiệp Ba Hàng, xã Nam Đồng, TP Hải Dương) thuê hàng chục nghìn mét vuông đất bãi sông và mặc nhiên để ông Tăng liên tục có hành vi khai thác, chuyển chở đất trái phép. Chưa dừng lại, tại đây còn phát hiện tình trạng chôn hàng trăm khối rác thải trái phép nhiều năm khiến người dân vô cùng bức xúc.
Để tìm hiểu rõ báo PLVN đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng phòng TN&MT huyện Nam Sách. Ông Mạnh cho biết, khu vực đất bãi sông mà xã Minh Tân cho ông Đỗ Văn Tăng thuê trước đây được quy hoạch làm lò gạch thủ công và một số hộ dân được cấp phép khai thác đất để làm gạch.
Nhưng cuối năm 2016, đầu năm 2017, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương về xóa bỏ lò gạch thủ công, các lò gạch trên địa bàn huyện Nam Sách cũng như ở xã Minh Tân đã được xóa bỏ, trong đó có trường hợp của ông Tăng. Sau khi xóa bỏ diện tích lò gạch thủ công, thực hiện thanh lý hợp đồng cho các hộ dân, diện tích đất bãi màu ngoài đê được giao lại cho UBND xã quản lý.
Trường hợp tại xã Minh Tân, do chưa có quy hoạch mới nên hiện trạng đất trên vẫn là đất sản xuất vật liệu xây dựng. Bây giờ tận dụng trồng cây, nuôi trồng thủy sản vẫn phù hợp và xã hoàn toàn đủ thẩm quyền, điều kiện để khoán thầu cho các hộ dân có nhu cầu sử dụng theo quy định Luật Đất đai với thời hạn khoán là 5 năm. Tuy nhiên, việc để các hộ dân vận chuyển, khai thác đất và chôn rác thải là chưa đúng với quy định. Sau khi phát hiện sự việc, Phòng TN&MT huyện đã xuống kiểm tra.
Qua xác minh, số rác thải trên được chôn lấp từ những năm 2003, ngay chính thời điểm khoán thầu cho các hộ dân làm gạch thủ công. Phòng TN&MT huyện sau đó đã yêu cầu xã phải vận chuyển, xử lý số rác thải chôn trái phép trên. Đến nay, lượng rác đã được xử lý và không còn nữa.
Ông Mạnh cho hay, đối với tình trạng khai thác đất trái phép của ông Tăng, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện cũng đã phát hiện nhiều lần và tiến hành lập biên bản xử phạt. Lần gần đây nhất, trực tiếp ông Mạnh xuống xử lý và còn giữ một số xe tô tô đang xúc đất vận chuyển đi.
“Huyện đã có chỉ đạo trong các cuộc giao ban hàng tháng, có tổ kiểm tra liên ngành và yêu cầu xã phải thường xuyên kiểm tra, giám sát. Tình trạng đào đất trái phép vẫn còn tồn tại một phần là do xã đã quản lý không sát sao, chặt chẽ. Nếu tiếp tục tái diễn, chúng tôi sẽ xuống làm việc với xã, yêu cầu về mặt chỉ đạo nhằm ngăn chặn nghiêm tình trạng đào đất trái phép trên”, ông Mạnh nói.
Căn cứ vào khoản 3 Điều 132 Luật Đất đai 2013, đối với diện tích đất chưa sử dụng vào các mục đích quy định tại khoản 2 Điều này thì UBND cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá để cho thuê. Thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá 5 năm.
Nhưng đối chiếu với hợp đồng được ký ngày 20/4/2017 mà ông Nguyễn Đức Tuyển, Chủ tịch UBND xã Minh Tân ký với ông Đỗ Văn Tăng thì đây lại là một hợp đồng kinh tế về việc “giao thầu đất khai thác sản xuất gạch nung… Chuyển sang mục đích nuôi trồng thủy sản và trồng cây hoa màu hàng năm” mà không hề thông qua hình thức đấu giá nào.
Chưa hết, ông Tăng cũng không phải là người ở địa phương (ông Tăng có địa chỉ tại khu Bến Hàn, xã An Châu, TP Hải Dương) và đơn đề nghị của ông Tăng là xin thuê đất sản xuất kinh doanh chứ không phải để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Trong khi vấn đề hợp đồng giữa UBND xã Minh Tân và ông Tăng còn nhiều bất cập, theo ghi nhận của phóng viên vào những ngày gần đây, khu đất bãi được UBND xã Minh Tân cho ông Đỗ Văn Tăng thuê đã bị đào xới, múc đất tan hoang, thay đổi hoàn toàn hiện trạng so với cách đây khoảng một tháng. Nếu một tháng trước, khu đất vẫn còn nhiều đống đất cao ngồn ngộn, ao còn có bờ đất to, chắc chắn thì nay các đống đất đã được múc hết, hạ cấp bằng phẳng, một số bờ ao đã bị “biến mất”, thậm chí ao thông hẳn ra với sông.
Người dân cho biết, bình thường tại đây vẫn có một chiếc máy xúc và hai chiếc xe tải cỡ lớn hoạt động xúc và chuyên chở đất nhưng mấy hôm nay trời mưa nên những phương tiện này tạm thời ngừng nghỉ. “Họ cứ lấy cớ đắp bờ, đắp ao để thả cá nhưng thực ra là xúc đất đem đi. Bờ ao chắc chắn như thế này đột nhiên bị “vỡ” thông hẳn hết ra sông, vậy nuôi cá kiểu gì?
Khu đất ngày một tan hoang, hạ cấp gần bằng mặt nước sông, cứ đà này, chẳng mấy chốc khu đất bãi thành sông ăn sát, xói mòn hẳn vào chân đê. Ngay đến lối đi ra bãi cũng bị họ rào cổng, khóa lại”, một người dân chia sẻ.
Trong khi người dân đang xót xa vì khu đất bãi rộng hơn 7 héc ta có nguy cơ sắp bị biến thành sông, UBND huyện cũng đã có chỉ đạo yêu cầu UBND xã Minh Tân phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, ngăn chặn hành vi khai thác đất trái phép nhưng nhiều lần liên hệ với lãnh đạo xã để phản ánh, cụ thể là ông Nguyễn Đức Tuyển, Chủ tịch UBND xã Minh Tân nhưng ông Tuyển đều không hồi âm lại. Số phận khu đất bãi này rồi sẽ ra sao, Báo PLVN tiếp tục thông tin.