Phiên tòa “Trộm cắp tài sản” do TAND TP Huế mở, diễn ra trên tầng 4 của tòa án. Mới sáng sớm, nhưng anh trai, chị dâu và vợ con bị cáo Văn Viết Quốc (34 tuổi, ngụ thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã xúm xít nơi khán phòng xử án.
Người chị dâu bồn chồn đi tới đi lui, sau đó thì ra đứng hẳn bên ngoài hành lang. Trên tầng 4 tòa án, tầm mắt cũng rộng hơn. Xuyên qua mấy tán cây xum xuê phía trước, chị dễ dàng nhận ra chiếc xe chuyên dụng đang hướng vào phía cổng tòa án. Chị mở lớn đôi mắt. Khi nhìn thấy cậu em chồng được dẫn giải ra khỏi xe, mắt chị đỏ hoe, vội quay vào phòng ra hiệu cho mấy người thân.
Mọi người lật đật chạy ra. Chưa kịp bước xuống cầu thang đã thấy bị cáo nặng nền lê từng bước đi lên. Bởi vướng sợi xích dưới chân, nên bước đi cũng thành nghiêng nghiêng ngả ngả. Nhìn cảnh chật vật đó của bị cáo, người chị dâu lại đỏ mắt.
Vừa ngồi xuống nơi chiếc ghế dành riêng cho mình, ánh mắt bị cáo đã lướt vòng vòng quanh khán phòng. Khi hai con mắt dừng lại trên người hai anh trai và chị dâu, đôi mắt liền trở nên ủ rũ. Người vợ một tay bồng con, tay dắt đứa còn lại đến bên bị cáo để cha con được gần nhau một chút. Nhưng cả hai đứa bé đều mở to mắt nhìn bị cáo, lạ lẫm, sợ sệt mặc kệ bị cáo đưa đôi tay ra vồ vập chạm vào chúng. Khi đứa nhỏ thấy bị cáo muốn ôm mình thì khóc ré lên, rồi giãy đành đạch, khiến ai nấy trong phòng giật thót.
Bị cáo như cảm thấy hụt hẫng, ngồi bất động, mí mắt cụp xuống giấu. Chị dâu bị cáo phân bua: “Khi em chồng của tui đi tù, đứa con trai lớn mới 2 tuổi, đứa nhỏ còn chưa đầy năm. Còn nhỏ, lại vắng hơi cha hơn nửa năm, thành ra cả hai đứa thấy cha đều lạ lẫm, nhất là đứa nhỏ”.
Hai tháng, 5 lần trộm cây cảnh
Bị cáo làm nghề thầy cúng. Đôi khi đi “hành nghề”, bị cáo lại được gia chủ cảm ơn bằng một cây cảnh. Nhà bị cáo cũng trồng rất nhiều cây cảnh, nhất là hoa mai, có đến vài chục gốc. Thế nhưng bị cáo lại có lúc “tiện tay” bứng đi cây cảnh của người khác mang về nhà.
Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2017 đến tháng 1/2018, bị cáo đã thực hiện liên tục 5 vụ trộm cắp, chiếm đoạt tổng số 10 cây cảnh. Theo định giá, những cây mai bị cáo trộm được, tổng giá trị lên đến 94 triệu đồng. Những cây mai bị cáo trộm về, có cây vẫn đặt trong sân nhà bị cáo, có cây đã được bị cáo bán đi với giá rẻ như bèo, có cây lại được cho đi. Những cây mai bị cáo ăn trộm, có cây chỉ mới vài tuổi, nhưng có đây đến 20, 30 năm tuổi. Khi bị nhổ lên khỏi mặt đất quen thuộc thì héo rũ, có đôi cây đành phải ấm ức mà chết khô chết héo.
Trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử, bị cáo khai nhận hành vi, nhưng cứ lòng vòng quanh co. Bị cáo cho rằng trong suy nghĩ, nhận thức của mình, “thó” cây cảnh là “không nghiêm trọng” như trộm cắp, tiền bạc, xe cộ, những tài sản có giá trị lớn, quý giá.
Tòa hỏi bị cáo làm nghề gì?
Bị cáo nói làm thầy cúng.
“Thầy cúng thì làm cụ thể việc gì?”.
“Dạ là cúng cho người ta, cầu khấn những điều tốt đẹp…”.
“Vậy sao bị cáo lại có hành vi xấu xa là đi ăn trộm như thế?”, tòa cắt ngang.
“Dạ bị cáo cũng không ngờ, không nghĩ là mình sẽ…”.
“Bị cáo có tính toán sẵn cả. Nửa đêm, rạng sáng, leo vào nhà người ta bứng trộm cây mang về nhà mình, sao lại nói là “không ngờ”, “không nghĩ”. “Nghề nghiệp” của mình là đi cúng, đi cầu những điều tốt đẹp đến với người khác, sao bản thân lại làm ra hành vi xấu xí đó?”.
Bị cáo im lặng.
Đứa em út quen nuông chiều
Cha bị cáo đã mất. Mẹ bị cáo thì già yếu. Nhà chỉ có ba anh em trai. Bị cáo là con trai út nên được mẹ và các anh trai, chị dâu bảo bọc rất tốt. Mặc dù cả ba anh em bị cáo đều đã lập gia đình, nhưng các anh em rất thương yêu và lo lắng cho nhau. Là con út nên tính tình bị cáo hiền lành, lại hay thương người nên không chỉ người thân trong nhà, mà ngay cả hàng xóm láng giềng cũng đều thương quý bị cáo.
“Lúc trước, thấy hắn không có xe đi lại. Vợ chồng tui mua cho hắn chiếc xe máy cũ hết 3 triệu, để hắn có phương tiện đi tới đi lui. Ai ngờ có lần hắn thấy người ta cực khổ, không có xe để chạy xe ôm, rứa là hắn cho luôn chiếc xe đang đi”, chị dâu bị cáo kể.
Em chồng tốt tính như thế, không biết thế nào lại đi ăn trộm. Lúc nghe Quốc bị bắt, cả nhà như bị sét đánh giữa trời quang. Mà đâu chỉ người trong nhà, ngay cả hàng xóm láng giềng cũng ngơ ngẩn, chẳng hiểu vì sao Quốc lại làm ra chuyện đáng xấu hổ như thế.
Hình minh họa |
Suốt 6 tháng Quốc bị tạm giam, vợ chồng hai người anh trai vừa đau lòng, nhưng cũng vô cùng giận. Dù đến ngày thăm nuôi, mọi người đều chuẩn bị chu đáo, mua đủ thứ để vợ Quốc mang vào trại, nhưng anh trai chị dâu đều không cất bước đi thăm, bởi ngọn lửa giận trong lòng họ mãi vẫn chưa tiêu tán hết.
Người chị dâu kể, lúc Quốc lấy vợ, thì ở chung trong nhà. Nhưng sau thấy nhà chật chội, sinh hoạt không tiện nên vợ chồng chị cùng người mẹ bàn tính, gom góp, vay mượn được 300 triệu, mua cho vợ chồng cậu em út một ngôi nhà để ra riêng.
Quốc lâu nay ở trong nhà được anh chị bao bọc, giờ ra riêng, vợ lại sinh liền tù tì một lúc hai đứa con, nên dù không còn ở chung như trước nhưng gạo cơm, mắm muối gì cũng đều được anh chị chu cấp đầy đủ không thiếu thứ gì.
“Hắn đi ăn trộm, tiêu xài gì không biết, mà giờ lại liên lụy khiến vợ con người thân đau lòng…”, người chị dâu ủ rũ. Hôm nay ra tòa, cả nhà cũng lén lút kéo nhau đi, riêng người mẹ già thì bị con cháu giấu nhẹm không cho biết. Mọi người đều lo, nếu bà mà biết chuyện, không khéo lại lên “tăng xông”, lăn đùng ra đó thì càng khổ.
Làm khổ mọi người
Có mặt tại phiên tòa, một bị hại vô cùng bức xúc cho biết, trị giá cây mai gia đình ông bị trộm mất, theo định giá là 25 triệu trồng, một khoản tiền không hề nhỏ.
Thế nhưng điều đáng nói, đối với những người yêu cây cảnh như ông, chăm chút cây mai đó hàng chục năm trời, mỗi ngày mong ngóng một chiếc lá đâm chồi hay một cánh hoa hé nụ, là đã coi cây như một đứa con tinh thần, dồn vào đó bao nhiêu yêu thương, chăm sóc. Những giá trị tinh thần đó, sao định giá được bằng tiền.
Ông nhớ, những ngày nắng gay gắt, ông cũng bị thời tiết khô hạn bức đến muốn khô quắc queo. Nhưng sợ cây không chịu được khô hạn mà chết, ông vẫn phải đội nắng, đội nóng mà đi tưới tắm cho cây. Thế mà nỡ lòng nào bị cáo lại nhổ lên “đứa con” mà ông nâng niu bao năm qua, đem trộm mất. Ông bảo, hành động của bị cáo đâu chỉ xấu xí, mà còn là vô đạo đức, vô lương tâm, bởi thiếu chút xíu nữa, đã làm “đứa con” của ông chết.
Một bị hại khác cũng đồng ý với ý kiến trên. Những cây mai trong nhà bà bị “bứng” đi, có cây 10 tuổi, có cây 15, 20, 30 tuổi. Coi như đã gắn bó với gia đình bà nửa đời người. Thương quý cây cảnh, lại sợ trộm nhăm nhe, nên gia đình bà đặt chuông báo trộm ngoài vườn. Lúc bị cáo mò vào trộm, chuông reo, bà ra nhìn quanh không thấy gì, lại vô ngủ.
Cứ thế đêm ấy chuông reo 3 lần, bà đều thức dậy đi nhìn, nhưng đêm khuya tối trời, bị cáo nằm rạp xuống đất lẫn trốn trong bóng tối, nên bà không thấy. Đến khi chuông báo động reo lần thứ tư, bà ra nhìn thì thấy mai trong vườn đã mất.
May mắn cho bà cũng như các bị hại khác, bởi hầu hết các cây cảnh đã được thu hồi và trả lại cho khổ chủ. Những cây không thu hồi được, người thân bị cáo đã bồi thường giá trị bằng tiền. Những người bị hại không yêu cầu xử nặng, cũng không đề nghị giảm nhẹ mà đề nghị tòa xử bị cáo theo quy định của pháp luật, mức án tương xứng với hành vi phạm tội.
Sau khi nghe đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án, HĐXX tạm nghỉ phiên tòa để nghị án. Người anh cả bị cáo ngồi bên dưới bần thần ôm mặt khóc. Đàn ông không dễ rơi nước mắt, nhưng anh bị cáo vừa quá giận, lại cũng quá thương, lo cho em. Cũng vì giận, thương, lo cho em, nên người anh thứ đến ngồi bên bị cáo, sau một hồi mắng mỏ, cũng rơm rớm nước mắt. Người chị dâu không đành lòng thấy bị cáo đến nước này còn bị mắng nên đành bước lên khuyên can mấy câu, trên mặt chị cũng nhòe nhoẹt nước.
Theo hội đồng xét xử trong vụ án này, bị cáo không thực lòng ăn năn hối cải mà vẫn quanh co, biện bạch, là một tình tiết tăng nặng khi áp dụng hình phạt. Do đó HĐXX phạt bị cáo 2 năm 9 tháng tù. Anh trai bị cáo nghe mức ác, thì bụm mặt khóc hu hu. Bản thân bị cáo thì rủ xuống như tàu lá chuối khô, ánh mắt rầu rỉ lủi thủi theo công an về trại giam. Chỉ vì chút lòng tham, bị cáo đã tự hủy hoại cuộc sống của mình, làm khổ đến những người thân yêu nhất.