Tại Hội nghị, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) thông tin, các ngành lúa gạo, thủy sản là thế mạnh của vùng, có mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng; như dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129.000 tỉ đồng, chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc. Để bảo đảm sự phát triển bền vững, bà Giang nhấn mạnh, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành tại ĐBSCL phải nắm sát hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn; đặc biệt là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành thủy sản, lúa gạo. Theo dõi sát tình hình thu mua, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn; bảo đảm hoạt động ngân hàng đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng phục vụ; không để xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản do thiếu vốn ngân hàng…
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND Cần Thơ cho rằng, để phát triển lĩnh vực, ngoài vấn đề vốn ngân hàng; cần giải pháp thúc đẩy chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ và sản phẩm nông nghiệp; quan tâm đến các khâu trọng yếu là hình thành chợ đầu mối, trung tâm cung ứng nông sản hiện đại, tạo ra kênh phân phối chuyên nghiệp quy mô lớn. Đồng thời, chú trọng tiêu thụ nông sản thông qua thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ đánh giá, trong những năm qua kinh tế vùng tăng trưởng có phần ổn định nhưng đang chậm dần so với các vùng kinh tế khác; cơ cấu kinh tế không đổi trong nhiều năm qua; cần một chương trình chuyển đổi mạnh mẽ. Nông nghiệp là thế mạnh của vùng nhưng nhiều rủi ro, ít nhà đầu tư. Còn công nghiệp chế biến là lợi thế của vùng, dễ kêu gọi đầu tư, nhưng chưa được khai thác đúng tiềm năng.
Theo ông Lam, Cần Thơ cần có định hướng phát triển nông nghiệp trong Quy hoạch tích hợp, mục tiêu tổng quát của vùng đến 2030 là trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động, hiệu quả cao.
Các vấn đề chính mà ĐBSCL đang gặp phải là hạ tầng giao thông và logistics; lực lượng lao động có tay nghề; công nghệ chế biến thiếu những DN quy mô, đầu tư lớn; thiếu cơ chế để thúc đẩy ưu đãi, ưu tiên cho lĩnh vực cho công nghiệp chế biến.
“Cốt lõi lớn nhất hiện nay trong lĩnh vực chế biến, chúng ta chưa thu hút được các DN lớn tham gia. Thứ hai, cần phải xây dựng lộ trình rất rõ những sản phẩm nào là chủ lực và xây dựng trong một chiến lược dài hạn. Thứ ba là cần quy tụ các DN chế biến về những nơi tập trung là trung tâm chế biến, sản xuất nông sản”, ông Lam nói.