Bàn chuyện chữ Hiếu xưa và nay

(PLVN) -Hiếu là giá trị đạo đức cao đẹp, nhân văn được lưu giữ và truyền lại từ hàng ngàn năm nay. Chữ hiếu ngày nay không chỉ bao hàm nội dung như chữ hiếu ngày xưa là tấm lòng tri ân và báo đáp đối với cha mẹ mà rộng hơn đó còn là tấm lòng hiếu hạnh với nhân dân, với cộng đồng...
Bàn chuyện chữ Hiếu xưa và nay

Chữ "hiếu"trong đời sống tâm linh người Việt

“Hiếu” được hình thành từ xa xưa, gắn liền với phong tục thờ cúng tổ tiên, về sau được Nho giáo phát triển và thể chế hoá thành chuẩn mực đạo đức. Về cơ bản, nội dung phạm trù “hiếu” mang một ý nghĩa tích cực, đó là bổn phận làm con phải có hiếu với cha mẹ.

Trong việc thực hành đạo hiếu, người Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo, song đạo hiếu ở Việt Nam vẫn có nét đặc sắc riêng, không hà khắc và cứng nhắc như trong quan niệm của Nho giáo

Khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, chắc hẳn người Việt đã có tín ngưỡng thờ cúng ông bà, tổ tiên, còn gọi nôm na là ‘đạo’ thờ ông bà hay ‘đạo’ hiếu. Không thấy có sử liệu xác chứng tục thờ cúng này có từ khi nào.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư có nói nhiều về việc người Việt thờ kính các anh hùng dân tộc như Phù Đổng Thiên Vương đã có công dẹp trừ ngoại xâm; và hình thức thờ cúng tế lễ có những điểm tương đồng với ‘đạo’ thờ kính tổ tiên. Phong tục này là một nét văn hóa đặc thù của người Việt và đã được ví như là một loại ‘đạo’ làm người 

 

‘Sống vì mồ mả, không sống vì cả bát cơm’ là tập tục nói lên tinh thần ‘uống nước nhớ nguồn’ của người Việt dù tổ tiên ông bà vẫn còn hay đã khuất bóng. Từ những ngày khổ đau như tang ma đến những ngày vui mừng như lễ tết… trong gia đình, dòng tộc tổ tiên ông bà luôn luôn được mời gọi, đón chào về sum họp cùng con cháu để sẻ chia.

Ngoài ra, tập tục cũng bao gồm ông bà, cha mẹ còn sống cũng phải được kính trọng như khi đã mất. Đôi khi có sự hiểu lầm là việc thờ kính tổ tiên, ông bà chỉ dành cho người đã chết.

Kính trên, nhường dưới là một nét đẹp đặc thù khác trong văn hóa Việt Nam. Có liên quan mật thiết đến tinh thần ‘kính lão đắc thọ’, kính trọng các bậc bô lão, các người lớn tuổi hơn mình, không những trong gia tộc mà còn ngoài xã hội. Ông, bà, cha, mẹ, anh, em, con, cháu, nội, ngoại hai bên, hoặc những người lớn tuổi, cao niên v.v… phải được nói năng, xưng hô cho đúng lễ trên dưới. 

Trong dòng máu và các tế bào đang hoạt động trong cơ thể chúng ta, mình cảm nhận được sự hiện hữu của tổ tiên. Do vậy việc thờ kính mang ơn là điều tất yếu của một con người biết ‘ăn quả, nhớ kẻ trồng cây’

Trong quan niệm của Phật giáo, hiếu đạo cũng được đề cao. Đức Phật luôn dạy rằng, con người cần ăn ở hiền lành, tu nhân, tích đức, cứu khổ, cứu nạn; những việc làm xuất phát từ lòng hiếu thảo mang lại lợi ích thiết thực cho cha mẹ trong hiện tại và tương lai. Bất hiếu là tội lớn nhất trong hành vi, lẽ sống của mỗi con người. Người nào chẳng đối xử tốt với cha mẹ của họ, thì khó có thể sống tốt, sống thiện với người khác được; bất hiếu thì cũng bất nhân.

Thực trạng của đạo hiếu ở Việt Nam

Đạo hiếu trong Nho giáo, Phật giáo phù hợp với thuần phong, mỹ tục, văn hóa của con người Việt Nam. Vì thế, người Việt Nam luôn coi trọng và tiếp thu chữ hiếu trong giáo dục nhân cách cho con người; coi đạo hiếu là đường hướng và phương châm ứng xử nhân văn của con cháu đối với cha mẹ và cũng là các chuẩn mực, thước đo giá trị đạo đức của con người.

Đạo hiếu trong Nho giáo, Phật giáo phù hợp với thuần phong, mỹ tục, văn hóa của con người Việt Nam. Vì thế, người Việt Nam luôn coi trọng và tiếp thu chữ hiếu trong giáo dục nhân cách cho con người; coi đạo hiếu là đường hướng và phương châm ứng xử nhân văn của con cháu đối với cha mẹ và cũng là các chuẩn mực, thước đo giá trị đạo đức của con người.

Truyền thống giữ đạo hiếu của dân tộc được kế thừa và nâng cao trong tư tưởng và nhân cách Hồ Chí Minh. Trung và hiếu là hai phạm trù đạo đức được Hồ Chí Minh sử dụng cặp đôi với nhau và coi như chuẩn mực cao nhất trong hành vi của con người. “Trung với nước, hiếu với dân” - trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phạm trù hiếu không còn bó hẹp trong phạm vi trọn đạo làm con với cha mẹ mình, mà ở đây là hiếu thảo với nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ. Không chỉ thương yêu cha mẹ mình mà còn phải thương yêu cha mẹ người.

Trong điều kiện hiện nay, chúng ta cần tiếp tục khẳng định vai trò của chữ hiếu trong gia đình cũng như ngoài xã hội; kế thừa, phát triển hiếu theo tinh thần Hồ Chí Minh, gắn với việc xây dựng gia đình văn hoá mới đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá xã hội và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đọc thêm