"Bản địa, dân gian và thuần Việt” - một nhu cầu của văn học thị trường Việt Nam đương đại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sự kiện tọa đàm "Bản địa, dân gian và thuần Việt - một nhu cầu của văn học thị trường Việt Nam đương đại", các diễn giả đã thảo luận về tầm quan trọng của việc tạo ra các tác phẩm văn học phản ánh và gắn kết với văn hóa, truyền thống dân gian của Việt Nam; đồng thời sử dụng văn hoá bản địa để tạo ra sự thu hút đối với bạn đọc quốc tế.
"Bản địa, dân gian và thuần Việt” - một nhu cầu của văn học thị trường Việt Nam đương đại (ảnh BTC).
"Bản địa, dân gian và thuần Việt” - một nhu cầu của văn học thị trường Việt Nam đương đại (ảnh BTC).

Sự kiện tọa đàm "Bản địa, dân gian và thuần Việt - một nhu cầu của văn học thị trường Việt Nam đương đại" do Linh Lan Books tổ chức có sự tham gia của những diễn giả TS Đỗ Anh Vũ, nhà văn, nhà biên kịch Thảo Trang và nhà văn Đức Anh.

Nhà văn Thảo Trang cho biết: “Hiện nay rất nhiều NXB, các hãng phim muốn tìm kiếm các bản thảo, kịch bản mang yếu tố thuần Việt, những người viết trẻ hãy tận dụng cơ hội và mạnh dạn viết. Muốn được đầu tư làm phim hay xuất bản sách, người viết cần phải chú ý và chú trọng nhất yếu tố thuần Việt. Có như thế thì chúng ta mới thành công ngay trên sân nhà mình.

Thảo Trang cũng chia sẻ bí quyết để kể hay viết một tác phẩm thì phải gồm các yếu tố: Ngôn ngữ, đề tài, bối cảnh. Nếu bối cảnh thuần Việt, đề tài thuần Việt nhưng ngôn ngữ không thuần Việt thì cũng không thể ra một sản phẩm gần gũi với độc giả, khán giả Việt.

Theo nhà văn Đức Anh: “Một yếu tố được cho là làm nên thành công của các tác giả trẻ như Thảo Trang. Đó là khai thác những đề tài, bối cảnh có trong văn hoá bản địa Việt Nam, và hành văn bằng lối kể dung dị, gần gũi, được cho là gần với lời ăn tiếng nói của người Việt. Trong số hơn 120 bài bình luận về tác phẩm của Thảo Trang, chúng tôi đọc được đến hơn 100 bài viết có nhắc đến từ khoá này”

Bàn về chủ đề ngôn ngữ viết văn, TS Đỗ Anh Vũ chia sẻ: “Trong hệ thống từ ngữ sử dụng hiện nay, từ Hán Việt chiếm số lượng lớn nhưng tiếng Việt vẫn không bị đồng hóa. Ngôn ngữ phân định với nhau bởi 2 yếu tố: Từ vựng cơ bản và ngữ âm. Việc sử dụng từ Hán Việt trong văn chương và đời sống rất là bình thường nhưng quan trọng là chúng ta sử dụng làm sao để phù hợp, gần gũi và dễ hiểu nhất.”

Tại sao văn học Việt thế hệ mới này lại đặt ra vấn đề Thuần Việt? Nhà văn Đức Anh lý giải theo hướng thế hệ viết văn mới là những công dân toàn cầu. Chính vì vậy, họ có khoảng cách để quan sát lại câu chuyện của bản địa. Ngày nay, chỉ cần tiểu thuyết của các tác giả trẻ có sự đầu tư, sử dụng chất liệu dân gian, những câu chuyện, phong tục, tín ngưỡng địa phương là đủ để đảm bảo được độc giả ủng hộ.

Các bạn trẻ mong văn hóa đọc ngày càng phát triển (ảnh BTC).

Các bạn trẻ mong văn hóa đọc ngày càng phát triển (ảnh BTC).

Trao đổi về đề tài làm thế nào để “show” được yếu tố bản địa trong sáng tác. Học hỏi từ các nhà văn đi trước, tìm hiểu kĩ càng lịch sử, văn hóa dân gian để mang đến những câu chuyện chân thực, đậm yếu tố truyền thống để chinh phục độc giả, Thảo Trang cho rằng sự tôn trọng đối với các yếu tố này sẽ giúp tác giả có tinh thần để tìm hiểu, và bước qua được những trở ngại về tư liệu. Thế giới đang quan tâm đến văn hoá bản địa Châu Á. Những năm gần đây các bộ phim về châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều chỗ đứng. Vì thế, với tư cách là người viết, cô cảm thấy vinh dự và tự hào góp phần vào thúc đẩy văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa Châu Á nói chung trên thị trường văn học, điện ảnh thế giới. Đây sẽ là một đóng góp nhỏ cho việc phát triển công nghiệp văn hoá Việt.

Trong buổi tọa đàm, khi được đặt câu hỏi về tình trạng mạng xã hội ngày nay, nơi mà người ta thường dành nhiều thời gian cho việc lướt Tiktok, Facebook thay vì đọc sách, TS Đỗ Anh Vũ đã chia sẻ quan điểm của mình. Anh cho rằng, dù các phương tiện truyền thông và giải trí trực tuyến phát triển đến đâu, thì sách giấy vẫn có một vị trí đặc biệt trong trái tim của độc giả. Rất nhiều cuốn sách không thể thay thế bằng các nguồn tài liệu trực tuyến, và độc giả vẫn ưa thích cảm giác của việc lật từng trang sách truyền thống, mang theo những cảm xúc riêng biệt.

Các khán giả và diễn giả cũng thảo luận về cách mà việc sử dụng các yếu tố bản địa và dân gian có thể làm cho văn học Việt Nam trở nên độc đáo và đa dạng hơn.

Để phát triển văn hóa đọc trong thời đại số, không chỉ người viết sách mà cả các nhà xuất bản cũng cần liên tục cập nhật và thay đổi để đáp ứng nhu cầu của độc giả hiện đại. Điều này là lý do tại sao các hội sách và câu lạc bộ đọc sách vẫn luôn được tổ chức và phát triển. Các cơ quan chính trị và chính quyền cũng đã đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy tình yêu đọc sách và đã nỗ lực để làm cho mọi người quan tâm đến sách và văn học hơn.