Bắc Kạn: Hơn 2000ha rừng bị giao trái quy định

(PLVN) - Kể từ khi được giao hơn 2000ha rừng, đến nay đã hơn 4 năm, Công ty cổ phần SAHABAK (Công ty SAHABAK) vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, không thực hiện việc quản lý, bảo vệ rừng, không có hoạt động sản xuất kinh doanh khiến hàng nghìn hecta rừng không mang lại giá trị, tài nguyên rừng bị “chảy máu”, rừng bị người dân xâm lấn, gây thiệt hại lớn. Đáng nói, việc giao rừng cho doanh nghiệp này của UBND tỉnh Bắc Kạn cũng hoàn toàn trái quy định.
Khu vực rừng bị giao trái quy định cho Công ty SAHABAK.
Khu vực rừng bị giao trái quy định cho Công ty SAHABAK.

Giao rừng trái luật

Công ty SAHABAK được UBND tỉnh Bắc Kạn giao 2.032,97 ha đất theo Quyết định số 1873 ngày 11/11/2016, mục đích sản xuất kinh doanh lâm nghiệp Thời hạn thuê đất là 50 năm, hình thức trả tiền hàng năm theo đơn giá của tỉnh. Theo phương án sử dụng đất của Công ty, việc phát triển dự án trồng rừng tại huyện Chợ Mới với mục đích phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu về quyết định giao rừng của UBND tỉnh Bắc Kạn, nhiều ý kiến cho rằng, việc giao hơn 2000ha rừng này là hoàn toàn trái quy định của pháp luật.

Cụ thể, đối chiếu theo quy định tại Điều 56 - Luật Đất đai năm 2013, thì việc giao hoặc cho thuê rừng cho tổ chức kinh tế thì đơn vị này cần phải có dự án đầu tư sản xuất để lâm nghiệp. Tuy nhiên, tại thời điểm Quyết định giao rừng của UBND tỉnh Bắc Kạn được ban hành, Công ty SAHABAK đã ban hành Nghị quyết dừng triển khai thực hiện dự án từ ngày 12/8/2016, thông báo chấm dứt hoạt động dự án ngày 26/10/2016 và đã nộp lại Giấy chứng nhận đầu tư cho đơn vị quản lý.

Thế nhưng, không hiểu vì sao khi Công ty SAHABAK không có dự án trồng rừng, phát triển rừng nhưng vẫn được giao hàng ngàn hecta đất. Điều này khiến nhiều người cho rằng với diện tích rừng lớn như vậy mà được giao khi không có dự án là điều vô lý, trái quy định của Luật Đất đai và các quy định pháp luật khác. 

Cũng theo thông tin tìm hiểu, kể từ khi được giao rừng tới nay, Công ty SAHABAK không có nhân lực thực hiện việc quản lý bảo vệ rừng và không có hoạt động đầu tư khai thác rừng. Điều này khiến dư luận không khỏi thắc mắc phải chăng UBND tỉnh Bắc Kạn không hề biết về sự yếu kém năng lực của doanh nghiệp này trong việc thực hiện quản lý bảo vệ rừng và đầu tư khai thác? Cũng như đặt nghi vấn có hay không lợi ích của cá nhân nào đó trong việc giao rừng cho đơn vị này?

Nguy cơ thất thoát hàng tỉ đồng tiền thuế

Theo Văn  bản số 954/CT-QLN ngày 22/5/2020 của Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn, kể từ khi được giao đất đến nay, Công ty SAHABAK không thực hiện nghĩa vụ tài chính, không chấp hành quyết định xử phạt hành chính thuế, không chấp hành Quyết định cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ tài chính (trong đó có tiền thuê đất, tiền chậm nộp). Tổng số thuế, tiền phạt và tiền thuê đất, tiền chậm nộp đến 22/5/2020 của Công ty SAHABAK là 4.194.615.812 đồng. Trong đó: Tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp là 1.205.356.917 đồng; tiền thuê đất và tiền chậm nộp là 2.989.258.895,0 đồng, trong đó: Tiền thuê đất 2.350.877.575,0 đồng; tiền chậm nộp 638.381.320,0 đồng.

Cũng theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh tại cuộc họp ngày 29/5/2020: Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ tài chính (trong đó có tiền thuê đất đối với diện tích thuê đất tại khu công nghiệp Thanh Bình và Quyết định số 1873/QĐ-UBND ngày 11/11/2016) theo quy định và ban hành các Quyết định cưỡng chế thực hiện  nghĩa vụ tài chính nhưng đến nay Công ty không chấp hành. Được biết, hiện nay Công ty SAHABAK đang làm thủ tục giải thể hoặc phá sản, như vậy, số tiền thuế này sẽ khó có khả năng truy thu, nguy cơ thất thoát ngân sách lớn cho địa phương.

Mặt khác, trong suốt thời gian được giao đất,  Công ty SAHABAK thực hiện trách nhiệm quản lý, sử dụng đất kém hiệu quả đối với diện tích đất được giao, để người dân địa phương tự ý canh tác nương rẫy, trồng rừng trên diện tích được giao nhưng không có phương án xử lý, không báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định dẫn tới khiếu kiện, tranh chấp. 

Trong khi người dân địa phương không có đất sản xuất, doanh nghiệp được giao đất nhưng chỉ khai thác và sau đó bỏ hoang. Sự việc này khiến hàng chục hộ tại Làng Điền, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới viết đơn tập thể gửi các cấp của tỉnh Bắc Kạn, đề nghị giao lại cho người dân canh tác phần đất rừng trước đây đã cấp cho Công ty SAHABAK. Thậm chí, họ còn lên kế hoạch mang băng rôn, khẩu hiệu kéo lên huyện, tỉnh. Lý do dẫn tới sự việc này, là người dân địa phương hiện chỉ sống dựa vào một ít đất ruộng, đất vườn, thiếu nghiêm trọng đất rừng sản xuất. Trong khi đó, những cánh rừng ở xung quanh nơi mình sống lại bị bỏ hoang phí nhiều năm nay, gây lãng phí, thất thoát tài nguyên rừng.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm