Đấu giá cổ phần ở Cty TNHH MTV Khảo sát & Đo đạc Hà Nội: Quy chế không thể “cao” hơn Thông tư

(PLO) - Thừa nhận Quy chế bán đấu giá có vi phạm so với Thông tư của Bộ Tài chính, nhưng Sở Tài chính Hà Nội vẫn cho rằng đề nghị hủy kết quả bán đấu giá là không thể mà  chỉ “rút kinh nghiệm”…
Văn bản trả lời của Sở Tài chính dù thừa nhận có vi phạm trong đấu giá nhưng khong thể hủy kết quả.
Văn bản trả lời của Sở Tài chính dù thừa nhận có vi phạm trong đấu giá nhưng khong thể hủy kết quả.

Thừa nhận sai, nhưng không sửa

Như PLVN đã thông tin, việc bán đấu giá cổ phần lần đầu khi cổ phần hóa (CPH) Cty TNHH MTV Khảo sát và Đo đạc Hà Nội (Cty KS&ĐĐ) được thực hiện theo Quy chế bán đấu giá (Quy chế) do Ban Tổ chức đấu giá (Cty Cp Chứng khoán Đầu tư Việt Nam - đơn vị được chọn tổ chức bán đấu giá) ban hành ngày 3/3/2015.

Sau khi bán đấu giá xong, ông Doãn Hữu Lương (Nghệ An) và một cá nhân tham gia đấu giá phát hiện Quy chế này quy định sai về thời hạn nộp tiền đặt cọc của nhà đầu tư; sai về thời hạn nộp tiền trúng đấu giá của nhà đầu tư so với quy định tại Thông tư 196/2011-BTC. Lẽ phải chuyển tiền trúng đấu giá trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày công bố kết quả bán đấu giá thì Quy chế lại “kéo dài” thời hạn này thành “10 ngày làm việc”. Và thực tế nhà đầu tư trúng đấu giá (Cty CP Đầu tư CMC) đã chuyển tiền chậm hơn so với quy định của Bộ Tài chính 2 ngày.

Trả lời PLVN, Sở Tài chính Hà Nội dẫn lại Kết luận số 07/KL-UBND  của UBND TP Hà Nội cho biết: Cty CP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam xây dựng Quy chế quy định về thời gian nộp tiền đặt cọc không đúng theo hướng dẫn tại Khoản 1, Điều 10, Thông tư 196/2011/TT-BTC. Tính từ ngày cuối cùng nhà đầu tư nộp tiền đặt cọc vào tài khoản đến ngày đấu giá là 3 ngày, ít hơn 2 ngày so với quy định.

Tuy nhiên, Sở Tài chính Hà Nội cho rằng đề nghị hủy bán kết quả đấu giá là không thực hiện được do các nhà đầu tư đã có thời gian theo quy định để tìm hiểu các thông tin liên quan đến việc tổ chức đấu giá; ký cam kết chấp thuận toàn bộ nội dung của Quy chế; không có kiến nghị, thắc mắc, khiếu nại khi tham gia tại buổi đấu giá, nhà đầu tư trúng đấu giá là Cty CP Đầu tư CMC đã chấp hành đầy đủ Quy chế và thanh toán, chuyển tiền theo quy định. Vi phạm của Cty CP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam trong xây dựng Quy chế không làm ảnh hưởng đến quyền lợi các nhà đầu tư.

Quy chế không thể “cao” hơn Thông tư

Luật sư Nguyễn Trung Thành (Cty TNHH Luật Hòa Lợi) cho rằng, giả sử Quy chế có sự “đồng ý” của các nhà đầu tư thì cũng phải hiểu sự đồng ý này không được trái các quy định của pháp luật. Nếu các nhà đầu tư cùng thỏa thuận thực hiện một quy định sai với Thông tư của Bộ Tài chính thì có nghĩa thỏa thuận này vi phạm và đương nhiên vô hiệu.

Ngoài ra, LS Thành cho rằng, nếu Thông tư quy định thời hạn nộp tiền đặt cọc tối thiểu là 5 ngày thì Quy chế cũng phải đảm bảo thời hạn này. Sự đồng ý của nhà đầu tư phải trên cơ sở quy định này và có thể nêu cụ thể hơn như: từ ngày nào đến ngày nào… Còn nếu Quy chế rút thời hạn còn 3 ngày thì dù có sự chấp thuận của các nhà đầu tư thì không thể nói là hợp pháp vì Quy chế còn liên quan đến nhiều đơn vị, cá nhân khác chứ không chỉ nhà đầu tư.

Cần nhắc lại rằng, tại Quyết định 7187/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 (về việc “phê duyệt giá trị doanh nghiệp và Phương án CP hóa Cty TNHH MTV Khảo sát và Đo đạc Hà Nội”), UBND TP Hà Nội nêu rõ, “trình tự tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đẩu của  Cty TNHH MTV Khảo sát và Đo đạc Hà Nội được thực hiện theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP và Thông tư 196/2011/TT-BTC”. Vậy nhưng hiện nay, dường như cả UBND TP Hà Nội lẫn Sở Tài chính đều “xem nhẹ” Thông  tư 196 trên đây và chỉ nhấn mạnh đến việc: Quy chế có sai sót nhưng đã được các nhà đầu tư đồng ý.

Thậm chí, ngay tại Chương V của Quy chế (điều khoản thi hành) cũng nêu rõ, “trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, thành viên Ban Tổ chức đấu giá, tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá kiến nghị các nội dung cần bổ sung, sửa đổi để trình Trưởng ban tổ chức đấu giá xem xét, quyết định”.

Rõ ràng, khi ban hành Quy chế này, Ban tổ chức đấu giá cũng không hề cấm đoán hay hạn chế việc cá nhân tham giá đấu giá phát hiện, kiến nghị các nội dung cần sửa đổi ở bất kỳ giai đoạn nào trong suốt quá trình thực hiện Quy chế. Vậy tại sao sai sót trong Quy chế lại không được sửa chữa với lý do “đã đồng ý” hoặc “tại buổi đấu giá không có khiếu nại, thắc mắc gì”.

Vì sao biết rõ sai phạm nhưng cả UBND TP Hà Nội lẫn Sở Tài chính Hà Nội vẫn ra sức bảo vệ, phải chăng có sự khuất tất nào liên quan đến vụ bán đấu giá này?

Đọc thêm