Diễn biến vụ tùy tiện xác định loại đất để “né” bồi thường: Đã điều chỉnh lại, vì sao dân vẫn kiện?

(PLVN) - Mặc dù UBND quận Bắc Từ Liêm đã thừa nhận sai sót và quyết định điều chỉnh lại việc thu hồi đất, phương án bồi thường nhưng do kiến nghị quan trọng nhất vẫn không được giải quyết thỏa đáng khiến người dân tiếp tục phải làm đơn cầu cứu tới cấp thành phố.
Dự án đường vành đai 3 mở rộng đoạn Mai Dịch - cầu Thằng Long
Dự án đường vành đai 3 mở rộng đoạn Mai Dịch - cầu Thằng Long

Dân khiếu nại lên cấp thành phố

Trước đó, trong Quyết định (QĐ) số 3756 của UBND quận Bắc Từ Liêm về giải quyết khiếu nại với hộ ông Dương Văn Thừa, cơ quan này đã thừa nhận có thiếu sót trong việc thu hồi, xác minh nguồn gốc và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với hộ gia đình ông Thừa. 

Từ đó, UBND quận Bắc Từ Liêm quyết định điều chỉnh lại QĐ số 7951 về việc thu hồi đất với gia đình ông Thừa tại Dự án mở rộng đường vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long) theo hướng xác định lại trong số 265,6m2 hộ gia đình này bị thu hồi có 227m2 đất ở (trước đó chỉ thừa nhận 183,5m2 đất ở - NV). 

Trên cơ sở điều chỉnh QĐ thu hồi đất nói trên, quận Bắc Từ Liêm cũng điều chỉnh, bổ sung phương án bồi thường theo hướng: Bồi thường bổ sung về đất với 43,5m3 đất ở do có điều chỉnh tăng lên; bổ sung một căn nhà tái định cư được mua sau khi xác định lại số nhân khẩu của gia đình ông Thừa.

Trong đơn khiếu nại lên UBND TP Hà Nội đối với QĐ số 3756 về việc giải quyết khiếu nại của UBND quận Bắc Từ Liêm, ông Thừa tiếp tục khẳng định nhà đất bị thu hồi cho Dự án mở rộng đường vành đai 3 là nơi ở duy nhất của gia đình và đã được Nhà nước cấp sổ đỏ từ năm 2002 với diện tích 227m2. 

Ông Thừa nói vì lợi ích quốc gia nên hoàn toàn đồng tình ủng hộ dự án, chấp hành chính sách pháp luật, phối hợp trong công tác kê khai, kiểm đếm khi Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, khi ban hành QĐ phê duyệt phương án bồi thường cho gia đình tôi thì UBND quận Bắc Từ Liêm vận dụng sai chính sách pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho gia đình. Theo ông Thừa, QĐ giải quyết khiếu nại của cấp quận chỉ chấp nhận một phần với yêu cầu khiếu nại của gia đình ông. Còn yêu cầu quan trọng nhất là được bồi thường hỗ trợ về đất theo đơn giá đất vị trí 1 đường Phạm Văn Đồng thì cơ quan này vẫn tiếp tục né tránh. 

Chưa giải quyết thỏa đáng?  

Trong đơn gửi UBND TP Hà Nội, ông Thừa cho rằng trong khi gia đình ông bị quận xác định vị trí bất lợi thì lại có rất nhiều gia đình có điều kiện, vị trí tương tự nhưng lại được quận Bắc Từ Liêm xem xét áp dụng bồi thường đất theo vị trí 1. Ông Thừa nói, trong khi xem xét chấp nhận áp dụng chính sách đặc thù cho các hộ gia đình có vị trí giống thửa đất của gia đình ông hưởng vị trí 1 đường Phạm Văn Đồng nhưng gia đình ông lại bị áp dụng vị trí 3 là không khách quan, không công bằng, gây thiệt hại rất lớn, không đảm bảo thống nhất về mặt chính sách đền bù trong cùng một dự án. 

Theo Luật sư Nguyễn Quý Long (Công ty Luật Thiên Hồng Đức, Đoàn Luật sư Hà Nội), việc xác định vị trí thửa đất của gia đình ông Thừa đang sử dụng là vị trí 3 đường Phạm Văn Đồng của UBND quận Bắc Từ Liêm là không phù hợp quy định và thực tế sử dụng, chính việc xác định sai này đã gây thiệt hại nghiêm trọng. 

Bởi thửa đất đã sử dụng ổn định không tranh chấp từ trước ngày 15/10/1993 đến nay đã gần 30 năm, trực tiếp tiếp giáp với đường Phạm Văn Đồng, đã được gia đình ông Thừa sử dụng để ở và kinh doanh, đi lại chính vào gia đình, không có bất kỳ cản trở gì, không bị xử phạt vi phạm hành chính. Hơn nữa, gia đình ông Thừa đã đóng thuế đất ở nhiều năm vị trí 1 đường Phạm Văn Đồng với giá là 33 triệu/1m2 (việc xác định vị trí đất này do UBND phường xác định dựa trên hồ sơ quản lý để cơ quan thuế làm căn cứ thu tiền thuế đất).

Một lý do chính đáng khác là lối đi chính của gia đình này ra đường Phạm Văn Đồng thể hiện trên các giấy tờ về sơ đồ thửa đất, đăng ký kinh doanh và giấy tờ về hộ khẩu và nhân thân đều thể hiện rõ địa chỉ gia đình ông Thừa là mặt đường Phạm Văn Đồng. Trích lục bản đồ tờ bản đồ số 42, tỷ lệ 1/500 thửa đất có ba mặt tiền, một mặt chính hướng trực tiếp ra đường Phạm Văn Đồng, hai ngõ xung quanh nhà. 

“Có thể thấy nguyên thủy toàn bộ khu vực này là một thửa đất, tiếp giáp trực tiếp với đường Phạm Văn Đồng, sau khi chia đất giãn dân thì mới hình thành diện tích đất lưu không. Thửa đất được bớt lại làm lưu không đường, thực tế không có chủ sử dụng đất do vậy không ngăn trở việc sinh hoạt và kinh doanh đi lại của gia đình ông Thừa ra đường Phạm Văn Đồng nên không có căn cứ xác định thửa đất này là vị trí 1 trong khi thửa đất của gia đình ông Thừa vị trí 3 là vô lý”, Luật sư Long nêu quan điểm.

Đọc thêm