Dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài: Vì sao phương án tái định cư liên tục bị thay đổi?

(PLVN) - Là dự án trọng điểm của TP Hà Nội nhưng phương án tái định cư Dự án đường Huỳnh Thúc Kháng - Voi Phục (Dự án Huỳnh Thúc Kháng kéo dài) liên tục bị thay đổi vị trí.
Một số khiếu nại của người dân bị thu hồi đất ở dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài chưa được làm rõ.
Một số khiếu nại của người dân bị thu hồi đất ở dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài chưa được làm rõ.

Ngày 15/9/2020, Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản trình UBND TP Hà Nội đề xuất bố trí quỹ nhà tái định cư thay thế quỹ nhà tái định cư đã được bố trí trước đó để thực hiện dự án Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Trước đó, tháng 2/2020, quỹ nhà tái định cư tại dự án Huỳnh Thúc Kháng kéo dài được UBND TP Hà Nội chấp thuận bố trí 108 căn hộ tại Dự án tổ hợp văn phòng và nhà ở Housinco Tân Triều (dự án Tân Triều).  

Tờ trình của Sở Xây dựng đề cập hai lý do thay đổi quỹ nhà tái định cư với dự án: Thứ nhất, dự án Tân Triều hiện đang thi công xây dựng phần thô, dự kiến năm 2021 mới hoàn thành, nên chưa đủ điều kiện để xác định giá (chưa có giá đất cụ thể, chưa được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư) theo quy định của UBND TP Hà Nội. Thứ hai, ngày 28/8/2020, UBND quận Đống Đa có văn bản đề nghị đổi quỹ nhà tái định cư tại địa điểm khác. 

Trong văn bản nói trên, Sở Xây dựng đề nghị UBND TP chấp thuận thay đổi việc bố trí 108 căn tái định cư từ dự án Tân Triều về dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư tại khu X2 Đại Kim do TCty đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư, để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng cho dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.   

Theo Sở Xây dựng, trên địa bàn quận Đống Đa và các quận lân cận như Hai Bà Trưng, Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy hiện không còn quỹ nhà tái định cư có thể đáp ứng nhu cầu của dự án. Còn trên địa bàn quận Hoàng Mai, hiện còn 225 căn tại Dự án X2 Đại Kim, là các căn hộ trước đây bố trí cho dự án đường vành đai 2 đoạn Mai Động - Ngã Tư Vọng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng nhưng không còn nhu cầu sử dụng. Số căn hộ này đã xây dựng hoàn thành, đang hoàn thiện thủ tục PCCC, dự kiến đưa vào sử dụng vào cuối năm 2020.  

Ngay sau khi nhận được thông tin quỹ nhà tái định cư tiếp tục bị thay đổi vị trí, người dân bị thu hồi đất đã có đơn thư gửi tới nhiều cơ quan. Theo đó, tính cả lần đề xuất mới này, từ đầu 2019 đến nay, phương án tái định cư cho người bị thu hồi đất ở dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài đã phải ba lần thay đổi. 

Ông Phạm Quốc Cường, đại diện cho một số hộ dân bị thu hồi đất, phản ánh: “BQLDA quận Đống Đa xây dựng các phương án tái định cư không khả thi và tùy tiện”. 

Trong hồ sơ pháp lý mà BQLDA quận đưa ra từ đầu năm 2019 (thời điểm BQLDA yêu cầu người dân nhận thông báo thu hồi đất), phương án tái định cư là khu đất A7/HH, Khu đô thị mới Tây Nam Hà Nội, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy. Đến 10/03/2020, UBND quận Đống Đa có văn bản thông báo rằng do A7/HH Yên Hoà chưa triển khai xây dựng nên khu tái định cư cho các hộ dân sẽ được chuyển đến Tổ hợp văn phòng nhà ở Housinco, Tân Triều, Thanh Trì. Đến cuộc họp ngày 18/09 vừa qua, địa chỉ tái định cư lại được thông báo là khu X2, Đại Kim. 

“Một dự án được gọi là “trọng điểm” của TP mà tại sao phương án liên quan đến đời sống người dân là tái định cư lại không được chú ý, đổi từ chỗ nọ sang chỗ kia tuỳ tiện như vậy?”, ông Cường đặt câu hỏi. 

Ngoài vấn đề tái định cư, người dân cũng cho rằng một số tác động, ảnh hưởng của dự án vẫn chưa được tính toán một cách cặn kẽ minh bạch. Để thực hiện dự án, theo quy hoạch chỉ giới đường đỏ xây dựng tuyến đường phê duyệt năm 2004, dự án phải thu hồi một phần đất thuộc khu Di tích Pháo Đài Láng. Trong khi ngày 18/1/1993, di tích này được Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. 

Luật Di sản văn hóa quy định việc xây dựng công trình không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích và việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng VHTT&DL. Người dân cho biết, quá trình xây dựng, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường, người dân không được cung cấp về việc đánh giá sự tác động, ảnh hưởng của dự án đến Di tích Pháo Đài Láng. 

“Chúng tôi đã nêu vấn đề này trong ba cuộc họp trước với BQLDA nhưng chưa có hồi đáp. Trong cuộc họp gần đây nhất, ngày 18/09/2020, quận có nói là đã có thống nhất của Bộ VHTT&DL về phương án làm đường, và đang thành lập tổ công tác để nghiên cứu sửa đổi, chỉnh trang khu di tích sau khi hoàn thành dự án.  Chúng tôi đề nghị cung cấp văn bản chấp thuận này, nhưng đến nay chưa nhận được”, ông Cường cho hay. 

Đọc thêm