Gói thầu đáng ngờ tại Đại học Nông Lâm TP HCM

(PLVN) - Gói thầu “Cung cấp hệ thống quản lý thư viện phục vụ kiểm định chất lượng AUN” của Trường Đại học Nông Lâm TP HCM được cho là có dấu hiệu thông thầu, không minh bạch trong quá trình đấu thầu.  
Gói thầu đáng ngờ tại Đại học Nông Lâm TP HCM

Theo đó, gói thầu “Cung cấp hệ thống quản lý thư viện phục vụ kiểm định chất lượng AUN” có hai nhà thầu tham gia là: Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt và Công ty Cổ phần Mạng trực tuyến Việt Sin. Giá gói thầu là 4.788.574.000đ và Lạc Việt đã thắng thầu với giá dự thầu 4.761.000.000đ.

Việc Lạc Việt thắng thầu được lãnh đạo nhà trường cho là “đáp ứng tiêu chí của hồ sơ mời thầu và chào giá thấp hơn”. Nhưng theo phản ánh thì hồ sơ dự thầu của Lạc Việt có nhiều vấn đề thiếu minh bạch về quá trình tham dự gói thầu, yêu cầu về kỹ thuật cũng như danh mục hàng hóa mà Lạc Việt chào thầu... không đáp ứng nhưng vẫn được chấm là đạt. Theo phản ánh thì tên hãng do Lạc Việt chào thầu và tên hãng do chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu cung cấp bản chụp chứng thực hoặc bản gốc để đối chiếu không giống nhau.

Trong Báo cáo đánh giá E-HSDT số 262/BC-TSG ngày 07/10/2019 của Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư TSG (đơn vị chấm hồ sơ dự thầu của chủ đầu tư) có đề nghị chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu nộp các tài liệu chứng minh, trong đó các tài liệu liên quan đến thiết bị. Báo cáo nêu tên hãng là Evisionware? Nhưng trên thị trường không có hãng nào bán thiết bị an ninh thư viện tên Evisionware. Như vậy việc Lạc Việt chào thầu thiết bị của hãng Evisionware là có cơ sở nghi vấn.

Trong Báo cáo đánh giá  E-HSDT của TSG ghi rất rõ: Chứng chỉ đào tạo kỹ thuật của Hãng sản xuất thiết bị thư viện Evisionware. Như đã nói, trên thị trường không có tên hãng này.

Và trong Văn bản số 3857/ĐHNL-QTVT nhà trường ban hành ngày 8/11/2019 do Phó Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Hùng ký lại cho biết: “Hãng thiết bị nhà thầu sử dụng để chào thầu gói thầu này là Envision Ware”. Ở đây tên hãng đã hoàn toàn khác nhau: Evisionware và Envision Ware. Việc thiếu chữ “n” sau chữ E, được ông Lê Quang Giảng, Trưởng phòng Quản trị vật tư trường cho rằng: “Là do lỗi chính tả đánh máy của TSG? Sau này họ đã sửa lại lỗi đó”. 

Trong hồ sơ mời thầu E-HSDT quy định rất chặt chẽ tính hợp lệ của hàng hóa, đó là: “Tất cả hàng hóa chào hàng phải nêu rõ ký mã hiệu (nếu có) nhãn mác sản phẩm (nếu có), tên nhà sản xuất, nguồn gốc xuất xứ. Có một loại hàng hóa không nêu tên nhà sản xuất, nguồn gốc xuất xứ theo yêu cầu thì tiêu chuẩn đánh giá là không đạt”.

Tổ chuyên gia đánh giá gói thầu là hai người thiếu chuyên môn về phần mềm thư viện. Đó là bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Tổ trưởng, chuyên môn Cử nhân kế toán và ông Huỳnh Công Toàn, Kỹ sư điện công nghiệp. Việc cử hai người có chuyên môn như vậy thẩm định một gói thầu cung cấp hệ thống quản lý thư viện có hợp lý?

Ông Lê Quang Giảng, Trưởng phòng Quản trị vật tư Trường cho biết: “Sau khi có thông tin về chuyện đấu thầu không minh bạch, Trường đã có công văn gửi Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư TSG và Công ty TNHH Tư vấn đầu tư C.N.D, là hai đơn vị chấm hồ sơ dự thầu yêu cầu có báo cáo về cho nhà trường”. Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường thì cho rằng: “Đơn vị trúng thầu đáp ứng đầy đủ yêu cầu của E-HSMT và không có dấu hiệu thông thầu”.

Đọc thêm