Hà Tĩnh: Dấu hiệu khuất tất trong mua sắm trang thiết bị tại nhiều bệnh viện

(PLVN) - Trong các năm 2018 và 2019, 5 bệnh viện đa khoa cấp huyện trên địa bàn Hà Tĩnh đấu thầu mua sắm trang thiết bị là máy giặt, máy sấy công nghiệp. Và có sự “trùng hợp” là một doanh nghiệp trúng tất cả các gói thầu nói trên, giá mua sắm bị cho là cao hơn thực tế nhiều lần,  bị nghi ngờ là dùng ngân sách Nhà nước mua máy giặt và máy sấy công nghiệp với giá cao hơn giá thực tế nhiều lần.
Máy giặt và máy sấy đồ tại Bệnh viện đa khoa huyện Can Lộc có giá 3 tỷ đồng.
Máy giặt và máy sấy đồ tại Bệnh viện đa khoa huyện Can Lộc có giá 3 tỷ đồng.

Cùng một công ty trúng thầu 5 bệnh viện

Theo tìm hiểu của PV Báo PLVN, để phục vụ giặt áo quần, chăn màn… cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, năm 2018 UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt kế hoạch mua sắm trang thiết bị máy giặt, máy sấy công nghiệp cho 4 bệnh viện đa khoa (BVĐK) cấp huyện gồm: BVĐK huyện Can Lộc, BVĐK huyện Thạch Hà, BVĐK huyện Hương Sơn, BVĐK huyện Đức Thọ. Năm 2019, BVĐK huyện Nghi Xuân tiếp tục được đưa vào danh sách các bệnh viện tuyến huyện được tỉnh “rót” ngân sách mua sắm máy giặt, máy sấy công nghiệp.

Cụ thể, ngày 18/10/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 3131 về việc Phê duyệt kế hoạch mua sắm trang thiết bị máy giặt, máy sấy công nghiệp tại BVĐK huyện Đức Thọ với số lượng 1 máy giặt và 1 máy sấy công nghiệp, tổng mức đầu tư 3,05 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và giao cho bệnh viện làm chủ đầu tư.

Sau khi được tỉnh phê duyệt, BVĐK huyện Đức Thọ triển khai các thủ tục pháp lý như kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Đến ngày 26/12/2018, BVĐK huyện Đức Thọ thông báo Công ty CP đầu tư Trang thiết bị Y tế Hà Tĩnh trúng thầu với giá 3 tỷ đồng. 

Tương tự, sau khi được tỉnh duyệt kế hoạch mua 1 máy giặt, 1 máy sấy công nghiệp với tổng mức đầu tư 3,05 tỷ đồng, BVĐK huyện Can Lộc cũng tiến hành triển khai các thủ tục pháp lý đấu thầu mua sắm thiết bị. Và đơn vị trúng thầu cũng là Công ty CP đầu tư Trang thiết bị Y tế Hà Tĩnh với giá 3 tỷ đồng. 

Trong quyết định phê duyệt của các bệnh viện thể hiện, hình thức hợp đồng trọn gói, thời gian thực hiện hợp đồng 45 ngày. Danh mục hàng hóa do nhà thầu chào được đề xuất để thương thảo hợp đồng là 1 máy giặt Model HSCW-ES35, hãng sản xuất HS Cleantech, xuất xứ Hàn Quốc với số tiền 1,7 tỷ đồng và 1 máy sấy đồ Model HSCD – ES45, hãng sản xuất HS Cleantech, xuất xứ Hàn Quốc với số tiền 1,3 tỷ đồng. 

Cũng với hình thức như trên, các bệnh viện khác như: BVĐK huyện Hương Sơn mua 1 máy giặt và 1 máy sấy với số tiền 3 tỷ đồng; BVĐK huyện Thạch Hà mua 1 máy giặt và 1 máy sấy 2,998 tỷ đồng. BVĐK huyện Nghi Xuân mua 1 máy giặt và 1 máy sấy với số tiền 2,597 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của PV, cả 5 bệnh viện nói trên đều cùng mua một loại máy giặt và máy sấy như nhau, đều do một hãng sản xuất và duy nhất một đơn vị trúng thầu là Công ty CP đầu tư Trang thiết bị Y tế Hà Tĩnh có địa chỉ ở số 85, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Bắc Hà, TP. Hà Tĩnh.

Sở Y tế không biết, Sở Tài chính không thẩm định giá

Theo khảo sát tại một số doanh nghiệp cung ứng khác cho thấy, giá loại máy giặt và máy sấy mà các bệnh viên công bố so với giá thực tế ngoài thị trường ở thời điểm này có nhiều dấu hiệu đã bị “thổi giá” (?) Nếu như  máy giặt, máy sấy mà các BVĐK đã mua có giá từ 2,5 đến 3 tỷ đồng nhưng cũng loại đó (cùng công suất, cùng hãng sản xuất) chỉ có giá chưa đến 600 triệu đồng (bao gồm cả chi phí vận chuyển, lắp đặt, hướng dẫn sử dụng): “Chắc chắn giá cả máy móc cùng thời điểm đấu thầu trên thị trường thấp hơn nhiều so với giá trúng thầu. Chỉ 1-2 năm nếu thiết bị có giảm giá cũng không giảm sâu đến hàng trăm triệu”, đại diện một đơn vị cung ứng máy giặt, máy sấy công nghiệp nói. 

Trao đổi với PV, ông Lê Quang Phong, Trưởng Phòng Kế hoạch-Tài chính Sở Y tế Hà Tĩnh xác nhận, các bệnh viện nói trên không đề xuất về việc mua sắm thiết bị máy giặt và máy sấy đồ thông qua Sở Y tế. “Có thể họ đề xuất theo đường khác lên tỉnh xin kinh phí mua sắm thiết bị, cái này Sở Y tế không nắm được. Sở Y tế không có trách nhiệm trong tham mưu quá trình đấu thầu mua sắm máy giặt và máy sấy của 5 bệnh viện này”- ông Phong giãi bày. 

Liên quan đến nội dung này, Phòng Quản lý Giá và Công sản, Sở Tài chính Hà Tĩnh cho biết: Trên thực tế trong các báo cáo thẩm định kế hoạch mua sắm và kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm máy giặt, máy sấy công nghiệp cho các BVĐK huyện trên địa bàn Hà Tĩnh, Sở Tài chính căn cứ chứng thư thẩm định giá của một doanh nghiệp ở Hà Nội do các BVĐK huyện cung cấp. Sở Tài chính Hà Tĩnh cũng xác nhận không thực hiện thẩm định giá đối với tài sản máy giặt, máy sấy công nghiệp mà các BVĐK đã mua.

Trong quá trình tìm hiểu sự việc, lãnh đạo đương nhiệm các bệnh viện đều cho biết những người ký hợp đồng mua sắm máy giặt, máy sấy hiện đã nghỉ hưu hoặc đã chuyển công tác. “Tôi mới về đây nhận công tác nên không nắm rõ, còn hồ sơ mua sắm của bệnh viện thì cách đây 2 tháng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hà Tĩnh đã về niêm phong thu giữ” - ông Nguyễn Trường Sinh, Giám đốc BVĐK huyện Can Lộc cho biết. Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này. 

Đọc thêm