Hải Hậu, Nam Định: Cần xem xét lại một bản án đã có hiệu lực pháp luật

(PLVN) -Một vụ án đã qua nhiều lần xét xử và kéo dài từ năm 2006, tuy nhiên đến nay vẫn bị khiếu nại gay gắt vì các bên đương sự cho rằng tòa xử không khách quan, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Hải Hậu, Nam Định: Cần xem xét lại một bản án đã có hiệu lực pháp luật

Năm 2003, bà Lưu Thị Trọng (xóm Phạm Thoại, xã Hải Phú, Hải Hậu, Nam Định) có đơn đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích nhà đất đang sử dụng mua năm 1989 của UBND xã Hải Phú, diện tích 155m2 (có nguồn gốc là cửa hàng buôn bán của Hợp tác xã (HTX) Mua bán Hải Phú) và đề nghị UBND xã Hải Phú giao thêm 155m2 cho đủ 310m2 mà gia đình bà đã trúng đấu giá năm 1989 với giá 50,5 triệu đồng.

Lý do, bà Trọng đòi UBND xã trả đủ phần diện tích 310m2 là căn cứ trên Tờ trình năm 1989 của UBND xã Hải Phú gửi UBND huyện Hải Hậu đề nghị cho bán ngôi nhà có nguồn gốc của HTX Mua bán Hải Phú để lấy tiền làm đình, chợ.

Tại thời điểm này, UBND xã Hải Phú đã có văn bản trả lời bà Trọng: Lý do gia đình bà Trọng chưa được cấp sổ đỏ vì năm 1997, đoàn đo đạc của tỉnh về đo đạc trên địa bàn xã Hải Phú, trong đó có diện tích đất của gia đình bà Trọng, có diện tích 155m2. Nhưng do thời điểm đó gia đình bà Trọng không ký vào tờ khai số tờ, số thửa, nên hồ sơ cấp sổ đỏ không đủ điều kiện giải quyết.

Đối với đề nghị trả đủ phần đất còn thiếu, UBND xã Hải Phú cho rằng, thực tế, ngôi nhà gia đình bà Trọng đang sử dụng vẫn nguyên hiện trạng nên đề nghị trả đủ đất của gia đình bà Trọng không có cơ sở.

Không đồng ý, gia đình bà Trọng đã khởi kiện TAND huyện Hải Hậu, yêu cầu UBND xã Hải Phú trả đủ 310m2 như Tờ trình của UBND xã Hải Phú đề nghị UBND huyện Hải hậu bán nhà đất tại khu vực chợ Thượng Trại.

Trong phiên tòa mở lần đầu tiên vào năm 2007, TAND huyện Hải Hậu đã bác đơn của bà Trọng kiện đòi UBND xã Hải Phú giao đủ 310m2 đất. Bà Trọng và ông Vinh kháng cáo. Sau khi án sơ thẩm bị hủy, tại phiên sơ thẩm lần 2, Tòa án Hải Hậu 1 lần nữa bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với UBND xã Hải Phú phải giao đủ 310m2 đất.

Sau nhiều lần tiếp tục mở phiên tòa ở cấp tỉnh và huyện, bản án gần đây nhất là bản án số 03/2017-DS-PT ngày 6/1/2017 của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm; giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Nam Định. Theo đó, bà Lưu Thị Trọng được quyền sử dụng diện tích 219,9m2 đất tại chợ Thương Trại, xá Hải Phú, trong đó, phía Bắc giáp ngõ đi vào nhà bà Phạm Thị Dần, ông Nguyễn Đức Cường. 

Với bản án này, ông Nguyễn Đức Cường khiếu nại gay gắt bởi phần đất lâu nay gia đình đang sử dụng làm lối đi vào nhà, nay bị Tòa án giao cho gia đình bà Trọng sử dụng. Như vậy, gia đình ông Cường sẽ không còn lối đi lại.

Ông Nguyễn Đức Cường cho biết, gia đình ông sử dụng phần đất này từ những năm 1970, được địa phương và HTX mua bán Hải Hậu cho phép sử dụng ngay tình liên tục và không có tranh chấp với ai. Việc Tòa án lấy đất của người này giao cho người khác mà không có cơ sở là đã xâm hại đến lợi ích hợp pháp của gia đình đình ông.

Về phía UBND xã Hải Phú, trong nhiều văn bản báo cáo, giải trình về vụ việc, đều nêu rõ việc bà Trọng mua bán nhà vẫn còn nguyên trạng, gia đình sử dụng bình thường và xã không có cơ sở để xã cấp thêm đất chợ cho bà. Bản thân ông Phạm Văn Quỳnh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hải Phú, người đã 10 năm làm Chủ tịch xã, trực tiếp tham gia 6 phiên xét xử nên ông nắm rất rõ vụ việc.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Hải Phú Phạm Văn Quỳnh khẳng định, không thể lấy lối đi của gia đình ông Cường, trả cho gia đình bà Trọng, ảnh: BTT.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Hải Phú Phạm Văn Quỳnh khẳng định, không thể lấy lối đi của gia đình ông Cường, trả cho gia đình bà Trọng, ảnh: BTT. 

Theo ông Quỳnh, từ năm 1989 đến nay, hộ bà Trọng vẫn sử dụng nguyên hiện trạng nhà đất của HTX mua bán cũ. Tại thời điểm năm 1989, toàn bộ số tài sản của HTX mua bán cũ chỉ có căn nhà 3 gian, 2 tầng đã bán cho gia đình bà Trọng, UBND xã Hải Phú được giao quản lý. Phía sau gian nhà 3 gian, 2 tầng là lối đi của gia đình ông Nguyễn Đức Cường. Phần nhà đất từ ngõ nhà ông Cường về phía Bắc là của HTX mua bán huyện Hải Hậu, mãi đến năm 1995, UBND xã Hải Phú mới bàn giao quản lý thì năm 1989, UBND xã Hải Phú lấy đâu ra 310m2 để bán cho gia đình bà Trọng.

“Không thể lấy đất chợ cấp cho gia đình bà Trọng, cũng không thể lấy lối đi của gia đình ông Cường, trả cho gia đình bà Trọng”, ông Quỳnh khẳng định.

Bên cạnh đó, liên quan đến bản án số 03/2017-DS-PT ngày 6/1/2017 của TAND cấp cao tại Hà Nội cũng còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, có dấu hiệu vi phạm tố tụng khi không đưa UBND huyện Hải Hậu vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; không tiến hành thẩm định, kiểm tra hiện trạng thực tế để cấp cả phần đất của ông Nguyễn Đức Cường cho bà Trọng sử dụng làm thiệt hại đến nhà ông Cường.

Đặc biệt, việc đánh giá chứng cứ của Tòa còn nhiều vấn đề phải xem xét lại, vì số liệu 310 m2 đất mà bà Trọng yêu cầu xã phải trả không có cơ sở. Diện tích này được ghi trong Tờ trình ngày 11/8/1989 không phải là giấy tờ để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng của nhà bà Trọng. Hơn nữa, Nghị quyết của HĐND tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Nam Định), khóa IV về việc quy định mức giao đất ở cho mỗi hộ gia đình khu vực ven đường, ven chợ… được giao tối đa là 160m2. Thời điểm này, UBND xã Hải Phú chỉ đề nghị UBND huyện cho phép bán đấu giá 3 gian nhà 2 tầng nên không có chuyện thời điểm đó UBND xã Hải Phú bán nhà, đất cho gia đình bà Trọng tới 310m2.

Với những điều khó hiểu như trên, gia đình ông Nguyễn Đức Cường và phía UBND xã Hải Phú đều đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại bản án để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên.  

Đọc thêm