Hải Phòng: Nghi vấn việc Phó chủ tịch phường Bàng La “khai man” lý lịch Đảng?

(PLVN) - Theo đơn tố cáo gửi báo PLVN, ông Nguyễn Đắc Nguyết (TDP Điện Biên, phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) cho rằng ông Trần Quang Điệp, Phó chủ tịch UBND phường Bàng La, đã có hành vi thiếu trung thực, khai “man” lý lịch Đảng.
Ông Nguyễn Đắc Nguyết cho rằng kết luận của UBKT quận ủy Đồ Sơn là chưa khách quan
Ông Nguyễn Đắc Nguyết cho rằng kết luận của UBKT quận ủy Đồ Sơn là chưa khách quan

Cụ thể, trong lý lịch Đảng, ông Điệp đã khai: “Bố đẻ là ông Trần Quang Đắc (SN 1938)… năm 1968 đi bộ đội đến năm 1970 thoái ngũ về địa phương, được cơ quan quân sự cấp trên và địa phương cho đi học tập, lao động, sau trở về được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự”…

Về nội dung này, ngày 10/9/2019, Ủy ban kiểm tra Quận ủy Đồ Sơn đã có báo cáo thẩm tra, xác minh nội dung về dấu hiệu vi phạm với ông Trần Quang Điệp. Theo báo cáo, ông Điệp cho rằng chỉ được nghe nói bố mình đi bộ đội bỏ đơn vị về, còn sự việc cụ thể như thế nào không nắm được. Khi khai hồ sơ, lý lịch của người xin vào Đảng, ông Điệp được các đồng chí trong Cấp ủy Chi bộ thôn Đồng Tiến hiểu từ “thoái ngũ” và “đảo ngũ” đều là bỏ đơn vị về nên đã khai như vậy. Bố ông Điệp đã mất từ năm 1987.

Xác minh tại Chi bộ thôn Đồng Tiến, Đảng bộ xã Bàng La (nay là phường Bàng La), BCH quân sự huyện Kiến Thụy, Công an Đồ Sơn, Đoàn kiểm tra nhận thấy ông Trần Quang Điệp đã kê khai trung thực, không giấu giếm những vấn đề có liên quan đến hoàn cảnh gia đình. 

Ngày 21/10/2019, Ủy ban kiểm tra Quận ủy Đồ Sơn ban hành thông báo kết luận kiểm tra về sự việc xác định rằng, tại thời điểm kê khai lý lịch của người xin vào Đảng, do nhận thức của cá nhân đồng chí Điệp và các đồng chí trong cấp ủy Chi bộ thôn Đồng Tiến hiểu cụm từ “đảo ngũ, thoái thác nhiệm vụ” và “thoái ngũ” đều là bỏ đơn vị về nên đồng chí Điệp đã được cấp ủy chi bộ hướng dẫn phần kê khai hoàn cảnh gia đình  đối với bố đẻ là ông Trần Quang Đắc là thoái ngũ và đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định, xác nhận là đúng sự thật.

Tuy nhiên, ông Nguyết cho rằng kết luận Ủy ban kiểm tra Quận ủy Đồ Sơn là chưa thực sự khách quan. “Ở Bàng La, việc bố đẻ của ông Trần Quang Điệp trước đây đã đảo ngũ “rõ như ban ngày” bởi tất cả những người trên 60 tuổi như tôi đều biết.  Cùng với bố đẻ của ông Điệp, khoảng những năm 1970 còn nhiều người cũng đảo ngũ và đã buộc phải đi lao động cải tạo. Ủy ban kiểm tra Quận ủy Đồ Sơn đưa ra kết luận khi chưa tìm hiểu thông tin từ những nhân chứng còn sống, từ Thị đội Đồ Sơn, nay là BCH quân sự quận Đồ Sơn – nơi mà bố ông Điệp đã phải lao động cải tạo trong nhiều năm liền”, ông Nguyết quả quyết.

Trao đổi với PLVN, ông Bùi Duy Thuyến (TDP Biên Hòa, phường Bàng La) cho biết từ năm 1978 đến năm 1982, ông Thuyến làm quân khí tại Thị đội Đồ Sơn kiêm thêm nhiệm vụ theo sát những đối tượng đảo ngũ. Bố ông Điệp phải lao động cải tạo với những công việc như: phá đá, xây bể mắm trượp, xây nhà kho. Thời gian cải tạo mỗi năm khoảng 1-2 tháng. Ngoài bố ông Điệp ra, còn một số người khác tại xã Bàng La lúc đó cũng phải cải tạo lao động như: ông Mên, ông Văn, ông Thủy…

Cụ Hoàng Gia Thắng (TDP Cầu Tre, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn), người phụ trách thống kê, tuyển binh, vận động nhân dân đi nghĩa vụ quân đội của Thị đội Đồ Sơn từ năm 1968 cho hay: Khi biết tin bố ông Điệp đảo ngũ khi mới đi vào đến Thanh Hóa, ông Hoàng Đăng Thọ giữ chức Đại đội trưởng của xã Bàng La lúc đó cùng ông Nguyễn Khắc Mịch, Trưởng công an xã đến gia đình động viên. Thị đội Đồ Sơn đã cử người và đưa bố ông Điệp trở lại Trung đoàn 42 (Quảng Ninh). Tuy nhiên, bố ông Điệp vẫn bỏ về. 

Cụ Hoàng Gia Thắng phụ trách thống kê, tuyển binh của Thị đội Đồ Sơn khoảng năm 1968
Cụ Hoàng Gia Thắng phụ trách thống kê, tuyển binh của Thị đội Đồ Sơn khoảng năm 1968

Theo Luật nghĩa vụ quân sự năm 1960, hạ sỹ quan, binh sỹ tại ngũ bị bệnh, bị thương, bị tàn phế, không còn đủ sức khỏe để phục vụ trong quân đội sau khi được thủ trưởng đơn vị bộ đội có thẩm quyền chuẩn y thì được thoái ngũ. Cùng với đó, theo quyết định số 191/CP ngày 23/6/1980 của Hội đồng Chính phủ về các hình thức xử lý đối với quân nhân đảo ngũ quy định rõ: đưa đi lao động bắt buộc đối với các đơn vị lao động tập trung những người đảo ngũ không còn đủ điều kiện trở lại phục vụ trong quân đội, không thuộc diện xét thi hành kỷ luật rồi cho về địa phương, nhưng cũng chưa đến mức phải đưa ra truy tố trước pháp luật.

“Đảo ngũ và thoái ngũ là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt. Đây là “nhầm lẫn” hay “cố ý”? Nếu ông Điệp khai đúng sự thật rằng bố mình đảo ngũ nhưng cố gắng phấn đấu, tham gia tích cực mọi hoạt động địa phương thì ông Điệp vẫn được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tôi thiết nghĩ, với Đảng viên, tính trung thực là tiêu chí hàng đầu để đánh giá kiểm nghiệm tư cách đạo đức và phẩm chất chính trị”, ông Nguyết khẳng định. 

Đọc thêm