Héo mòn bên nhà máy Hòa Phát - Dung Quất (Bài 4) Thế lực nào “bảo kê” Hòa Phát gây khốn khó cho dân?

(PLVN) - Suốt nhiều ngày ở Quảng Ngãi ghi nhận thông tin, chúng tôi nhận thấy tình trạng “dưới nóng rực, trên lạnh ngắt” rõ rệt khi đề cập về chuyện Hòa Phát Dung Quất. Người dân và chính quyền từ thôn, xã, huyện nhiều năm trời chịu đựng, phản ứng, kiến nghị đến lạc giọng. 
Bản thân Bí thư huyện Bình Sơn cũng thắc mắc về việc Hòa Phát Dung Quất đã có giấy phép xây dựng hay chưa mà ồ ạt xây các công trình trên diện tích gần 400 ha?
Bản thân Bí thư huyện Bình Sơn cũng thắc mắc về việc Hòa Phát Dung Quất đã có giấy phép xây dựng hay chưa mà ồ ạt xây các công trình trên diện tích gần 400 ha?

Trong khi đó UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi (BQL), là những đơn vị có thẩm quyền lại né tránh vấn đề. Phải chăng Hòa Phát và một số cán bộ có chức quyền đã bắt tay nhau cùng quan điểm “sống chết mặc bay”, đánh đổi sự yên dân và môi trường, để lấy “lợi ích nhóm” và một vài con số tăng trưởng mới ở trên giấy?

Nỗi khổ tâm của UBND huyện

Sự việc Hòa Phát Dung Quất “nóng” đến mức đầu giờ sáng một ngày giữa tháng 11/2019, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Lý Thọ tạm hoãn chủ trì cuộc họp với các cán bộ huyện để làm việc với các nhà báo.

Ông Thọ mở đầu câu chuyện: “Việc để dân xã Bình Thuận và Bình Đông phải khổ sở, ô nhiễm; một phần có trách nhiệm của huyện, của tỉnh; nhưng cái chính ở đây vẫn là Hòa Phát”.

Sự “cù nhầy” của Hòa Phát Dung Quất một lần nữa được ông Thọ chỉ rõ: “Công tác giải phóng mặt bằng dự án này rất bất cập. Tái định cư rất khó khăn. Đã có nhiều cuộc họp đề nghị Hòa Phát nhanh chóng ổn định tái định cư cho mấy trăm hộ dân. Đất để tái định cư ở Quảng Ngãi không thiếu, nhưng cái khó ở đây là ý chí của Hòa Phát”.

Ông Thọ cho hay từ năm 2018, địa phương họp Đảng bộ, họp nhân dân lấy ý kiến. Sau đó Hòa Phát và 40 người dân đại diện đi tiền trạm, thống nhất tái định cư tại khu đô thị Vạn Tường. Nhưng trong lúc huyện chuẩn bị tái định cư cho dân đi thì Hòa Phát lại… không đồng ý nữa. 

Ông Thọ giải thích, tái định cư cho dân thì Hòa Phát phải lo tiền bạc, phải xây dựng đề án tái định cư. Hòa Phát chưa có đề xuất tái định cư cho dân, mà việc này huyện không can thiệp được, chỉ là trung gian. “Nói về Hòa Phát Dung Quất, câu hỏi mà huyện trăn trở bấy lâu nay và chưa biết trả lời ra sao đó là “bao giờ tái định cư và tái định cư ở đâu để dân đỡ khổ?”, ông Thọ nói.  

“Đánh giá tác động môi trường và kiểm soát ô nhiễm với Hòa Phát Dung Quất thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, huyện không có thẩm quyền gì. Thiết kế như thế nào, cự ly ra sao thuộc thẩm quyền Bộ Công Thương, huyện cũng không được tham gia. Trách nhiệm của huyện được giao là “giải quyết cho người dân cuộc sống ổn định hơn”, nhưng “giải quyết” được gì khi huyện không có thẩm quyền?”, vị Phó Chủ tịch huyện đặt câu hỏi.

Nỗi niềm “lực bất tòng tâm”, trăn trở vì không giúp được gì những người dân mình phải có trách nhiệm bảo vệ dường như toát ra trong lời gửi gắm của ông Thọ: “Suốt thời gian qua, khi dân phản ứng vì Hòa Phát Dung Quất ô nhiễm thì bản thân huyện đi giải quyết, trấn an dân, báo cáo tỉnh, chứ không có thẩm quyền gì hơn. Dự án quy mô rất lớn nên ảnh hưởng rất lớn. Mong cơ quan báo chí phản ánh rõ ràng để Hòa Phát Dung Quất có động thái tích cực hơn, giảm thiểu ô nhiễm”. 

Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư cũng có cùng một nỗi trăn trở như trên: “Trong dự án này, tỉnh giao huyện thẩm quyền tạo điều kiện cho BQL giải phóng mặt bằng. BQL làm toàn bộ các thủ tục, kể cả đền bù; nhưng nếu dân kiện thì huyện phải giải quyết”.

Bà Thư thẳng thắn: “Những việc khiếu kiện, khiếu nại ở huyện Bình Sơn bấy lâu nay ùn lên là từ Hòa Phát Dung Quất. Thời gian chúng tôi giải quyết các khiếu nại, kiến nghị liên quan Hòa Phát Dung Quất có khi chiếm đến 40% công việc. Vấn đề phức tạp như vậy đó. Không cuộc họp nào mà anh em không phàn nàn; bao nhiêu cuộc đối thoại mà bà con vẫn bức xúc”. 

Bà Thư cho hay, huyện phải lập một tổ công tác riêng. Giải quyết các kiến nghị liên quan Hòa Phát Dung Quất bằng gặp mặt thông thường không xuể, nên các cán bộ lập nhóm (group - PV) trên mạng xã hội, online 24/24h. “Khi có việc gì xảy ra, kiến nghị ra sao, thì trước tiên báo cáo, chỉ đạo, giải quyết trên mạng, bước cuối cùng nếu không xử lý được mới gặp mặt. Nó “nóng” đến mức như vậy đó”, bà Thư cho hay.

Một bản hợp đồng lao động cho thấy công nhân cơ khí làm việc cho Hòa Phát được hưởng lương 4 triệu đồng/tháng, làm 48h/tuần, tự túc phương tiện
Một bản hợp đồng lao động cho thấy công nhân cơ khí làm việc cho Hòa Phát được hưởng lương 4 triệu đồng/tháng, làm 48h/tuần, tự túc phương tiện 
Một nhóm lao động đang xúc đất trên công trường Hòa Phát
Một nhóm lao động đang xúc đất trên công trường Hòa Phát 

Nỗi bức xúc của Bí thư Huyện ủy

Vị Bí thư huyện nơi có dự án Hòa Phát Dung Quất cho hay “vấn đề sống còn của mỗi địa phương, vấn đề quan tâm nhất của mỗi địa phương, đó là người dân”, thế nhưng người dân ở đây đã khốn khổ ra sao vì Hòa Phát Dung Quất?

“Hòa Phát vừa lập dự án, vừa thi công, vừa giải phóng mặt bằng, lộn xộn “hầm bà lằng”. Tôi đã bao nhiêu lần chỉ mặt Hòa Phát trong các cuộc họp, hỏi rõ: “Chưa đền bù, chưa được giao mặt bằng, chưa xử lý hết các vấn đề ô nhiễm sao anh làm ảnh hưởng đến mồ mả, ngập úng, xả khói bụi, tự ý san lấp đất dân?”. Ồn ào có, bụi có, khói có, dân họ có bằng chứng hết, kể cả người ta gom bụi đưa cục nam châm hít thấy dính, đó không là bụi kim loại thì là gì? Nhiều người không chịu nổi, phải bỏ đi nơi khác sống, mất nhà mất cửa vì Hòa Phát”. 

Dấu hiệu Hòa Phát đùn đẩy, dựa dẫm vào chính quyền Quảng Ngãi cũng được bà Thư chỉ ra: “Hòa Phát nhiều lần hứa sẽ tái định cư cho dân, giải quyết những vấn đề vướng mắc. Vậy sao không giải quyết mà cứ kiến nghị, đề nghị là tỉnh thế này thế nọ?”.

Bản thân người đứng đầu Huyện ủy cũng có những thắc mắc về Hòa Phát Dung Quất: “Tôi cũng muốn Sở TN&MT trả lời những câu hỏi mà bà con băn khoăn lo lắng như dự án gây ô nhiễm thế nào? Việc đảm bảo an toàn lao động khi làm việc trong công trường Hòa Phát ra sao? Hòa Phát có giấy phép xây dựng chưa mà ầm ầm thi công, khuếch trương hết công trình này đến hạng mục nọ, có lắp cống ngầm xả thải ra biển không? BQL tại sao thu hồi đất theo quy trình ngược, chưa bố trí tái định cư đã ra quyết định? Hòa Phát thi công làm ruộng vườn ngập úng bà con không sản xuất được, nhà cửa nứt nẻ, có giải pháp gì đền bù hỗ trợ? Muốn yên dân thì phải minh bạch, công khai mọi thông tin về Hòa Phát Dung Quất”.

Không giải quyết được những vấn đề đó, thì vẫn còn một nỗi lo lắng thường trực, đó là nguy cơ dân “tức nước, vỡ bờ”. Bà Thư cho hay bài học về Nhà máy Xi măng Đại Việt ngay gần Hòa Phát Dung Quất vừa mới xảy ra: Nhà máy gây ô nhiễm, dân không chịu nổi, nhiều lần kiến nghị mà không được đáp ứng nên “cực chẳng đã” kéo tới bao vây “tự đóng cửa” nhà máy. Nhà máy này hiện vẫn đang trong tình trạng “đắp chiếu”, chưa biết tháo gỡ vướng mắc ra sao.

Huyện Bình Sơn còn có “kinh nghiệm xương máu” về vụ việc tương tự như ở xã Bình Châu. Dân và doanh nghiệp mâu thuẫn liên quan đất đai, 18 năm không giải quyết dứt điểm, tạo “điểm nóng”. “Chính quyền đưa lực lượng đến, dân lập 3 vòng, trong là phụ nữ, đến thanh niên, ngoài là thiếu nhi, công an không tiếp cận được. Đến khi tôi đích thân xuống, dân thấy mặt mới chịu thả dao”, bà Thư kể lại. 

Người dân làm như vậy có quá khích manh động, dấu hiệu vi phạm pháp luật? Bí thư huyện lắc đầu: “Nếu không được lòng dân thì không bao giờ làm gì được”. Không ai sinh ra muốn ở gần các nhà máy Hòa Phát. Khi Hòa Phát đến gây hệ lụy, dân chấp nhận bỏ mồ mả tổ tiên, nhà cửa, ruộng vườn để tái định cư, không đòi hỏi giá cao thấp, nhưng vẫn bị Hòa Phát “cù nhầy” “đi không được, ở không xong”, còn đòi dân hy sinh gì nữa? 

Bà Thư nói rõ ràng: “ Huyện yêu cầu phát triển kinh tế hay phát triển gì đi nữa cũng phải đảm bảo yếu tố môi trường, dân sinh. Hòa Phát làm sai thì làm sao huyện vận động được dân? Nếu làm đúng, huyện chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mình. Cấp ủy, chính quyền phải bảo vệ lợi ích của dân. Đừng có mơ màng đến chuyện huyện đi thuyết phục bà con những điều không đúng”.  

 
Còn có những ý kiến đề nghị công khai việc đảm bảo an toàn lao động trên công trường Hòa Phát Dung Quất
Còn có những ý kiến đề nghị công khai việc đảm bảo an toàn lao động trên công trường Hòa Phát Dung Quất 
“Tại sao các dự án trên địa bàn huyện, dân không có ý kiến gì cả; nhưng sao Hòa Phát đụng vào là dân có ý kiến?”
“Tại sao các dự án trên địa bàn huyện, dân không có ý kiến gì cả; nhưng sao Hòa Phát đụng vào là dân có ý kiến?” 

“Dưới nóng, trên lạnh”

Nỗi lo của Bí thư Huyện ủy Bình Sơn là hoàn toàn có thật, khi chỉ từ tháng 8 đến 10/2019 vừa qua, riêng người dân xã Bình Thuận đã bốn lần kéo đến cổng Hòa Phát Dung Quất chặn xe vào thi công. Ông Ngô Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận cho hay: “Tỉnh chỉ đạo thì xã phải làm, nhưng xã đề nghị nguyện vọng của bà con lên trên thì không được chấp nhận. Cái khó là khó ở chỗ đó. Mình đề nghị tích cực, thiết thực, mà cũng không được đáp ứng. Thế nên dân còn ở đó ngày nào thì tôi rất lo, lo dân bị ô nhiễm mà bức xúc vi phạm pháp luật. Lo lắng cho vấn đề an ninh chính trị, an ninh nông thôn. Nay xã cũng chỉ biết trấn an bà con là tin vào Đảng và Nhà nước, vì trên còn có Trung ương”.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông Nguyễn Văn Thanh cũng cùng quan điểm: “Vùng này hết 99% dân là gia đình cách mạng, tin vào Đảng, tin vào Nhà nước; nên trước những sai trái vi phạm dân cũng làm tới nơi tới chốn, cực lực phản đối”. Thực tế ở xã Bình Đông đã xảy ra chuyện dân bức xúc trước trạm trộn bê tông trong công trường Hòa Phát Dung Quất gây ô nhiễm nên đã từng kéo tới dựng rào chắn “bao vây”. Phải tới khi cơ quan chức năng xuống xử phạt trạm trộn trái phép, người dân mới “nguôi giận” giải tán.

Ông Thanh cho hay: “Nếu Hòa Phát Dung Quất không khắc phục những sai phạm, chúng tôi lo ngại tạo điểm nóng thì nguy hiểm. Địa phương luôn tạo điều kiện cho Hòa Phát, nhưng nếu anh làm không tốt thì chúng tôi bảo vệ quyền lợi người dân. Chúng tôi không theo đuôi doanh nghiệp sai phạm, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường”.

Trái với tình trạng “nước sôi lửa bỏng” tại địa phương, ở UBND tỉnh và một số sở, ban ngành Quảng Ngãi khi nghe đến câu chuyện báo chí tìm hiểu về Hòa Phát Dung Quất, các cơ quan này lại né tránh vấn đề.

Tại UBND tỉnh Quảng Ngãi, sau hai ngày với ba lần đề nghị đặt lịch làm việc, bị né tránh ngăn cản, nhóm PV mới có thể tiếp cận, ghi lại nội dung yêu cầu làm việc, trong đó có đề nghị gặp một lãnh đạo UBND tỉnh để phỏng vấn một số vấn đề về Hòa Phát Dung Quất. Năm ngày sau đó, PV mới nhận được điện thoại của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi thông báo các câu hỏi PV yêu cầu đã được… chuyển sang BQL.

Tình trạng trên cũng lặp lại tại Sở TN&MT, sau nhiều lần đến đặt lịch và liên lạc, PV được trả lời “nội dung đã giao cho phòng ban xử lý và sẽ trả lời sau”.

Tại BQL, ông Đàm Minh Lễ, Phó Trưởng ban cho rằng những câu hỏi PV đặt ra với dự án Hòa Phát Dung Quất “do thuộc thẩm quyền nhiều phòng ban nên trả lời sau”, nhưng không nói cụ thể ngày hẹn.

Thực tế trên khiến dư luận có quyền đặt ra câu hỏi: Phải chăng một số người, một số cán bộ có chức quyền và Hòa Phát đã có những “thỏa thuận” ngầm, làm ngơ để Hòa Phát Dung Quất mắc nhiều dấu hiệu sai phạm như loạt bài PLVN đã nêu? Trong dự án này phải chăng có lợi ích nhóm nên báo chí mới bị né tránh như vậy? Tính công khai minh bạch dân chủ ở đâu, mà đẩy hệ thống chính quyền từ xã tới huyện Bình Sơn vào tình cảnh bị “vô hiệu hóa” như trên khi thực hiện dự án Hòa Phát Dung Quất?

Rất nhiều ý kiến cho rằng dự án Hòa Phát Dung Quất mắc nhiều sai phạm, biến Bình Sơn thành một “điểm nóng”, đi ngược quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” của Đảng và Nhà nước. Thế nhưng sự việc bấy lâu nay bị bưng bít, vì vậy rất cần sự vào cuộc thanh kiểm tra của các Bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội. Ý kiến của các chuyên gia độc lập, đại diện các Bộ, ngành và Trung ương ra sao về sự việc này, PLVN sẽ tiếp tục phản ánh trong các số báo tới.

“Hòa Phát chẳng cho dân địa phương nổi một cái kẹo mút”

Nói về các lợi ích Hòa Phát Dung Quất mang lại cho địa phương, ông Nguyễn Hồng (Trưởng thôn Tân Hy 2, xã Bình Thuận), cho biết: “Hòa Phát gây ngập úng ruộng vườn, hư hỏng đồ đạc của dân mà một gói mì tôm bồi thường còn không có, nói gì lợi ích nào”.

Số lao động địa phương làm việc cho Hòa Phát không nhiều, chỉ có một số là lao động chân tay, ráo mồ hôi là hết tiền, thậm chí những người này có khi còn bị nhà thầu Hòa Phát quỵt lương.

Chính quyền và địa phương cho hay những lao động địa phương làm cho Hòa Phát Dung Quất phần lớn là lao động dạng “ráo mồ hôi là hết tiền”
Chính quyền và địa phương cho hay những lao động địa phương làm cho Hòa Phát Dung Quất phần lớn là lao động dạng “ráo mồ hôi là hết tiền” 

“Một số báo cáo nói Hòa Phát tạo công ăn việc làm cho dân địa phương nhưng thực tế các báo cáo đều nói quá lên. Hòa Phát sinh ra trước hết chỉ phục vụ doanh nghiệp họ, chứ nước thủy lợi của dân họ còn hút sạch vào nhà máy thì dân được hưởng cái gì. Doanh nghiệp chục ngàn trăm ngàn tỷ nhưng quà Tết hay quà hỗ trợ người nghèo cho địa phương cũng không có. Vừa rồi  ngày 16/11, ngày Hội Đại đoàn kết thôn, trong 11 suất quà mỗi suất 300 ngàn đồng cho người nghèo, còn chẳng có nổi một suất của Hòa Phát. Hòa Phát chẳng cho dân địa phương nổi một cái kẹo mút”, ông Hồng nói.

“Nhiều lần trong các cuộc họp tôi đều nói: “Hòa Phát về đây đã không làm gì cho dân. Dân địa phương không hưởng lợi gì từ Hòa Phát”, vẫn lời ông Hồng.

Khu nhà ở của một nhóm công nhân làm cho Hòa Phát Dung Quất
Khu nhà ở của một nhóm công nhân làm cho Hòa Phát Dung Quất 

Cùng đánh giá trên, Chủ tịch xã Bình Thuận Ngô Văn Vương cho hay Hòa Phát từng hứa tài trợ tiền tỷ cho xã làm trường học, nhưng nhiều năm nay vẫn chỉ là lời hứa. Xã có lần nhắc lại nhưng Hòa Phát “khất” “đang trong quá trình cho ra sản phẩm, chưa có doanh thu”.

“Dự án sử dụng lao động phổ thông là nhiều. Hầu hết là lao động làm cho nhà thầu phụ, lao động chân tay, trả lương theo ngày, xong việc là nghỉ. Về số lao động ký hợp đồng với Hòa Phát, có khoảng 200 người địa phương đến xã làm hồ sơ xin việc, nhưng được tuyển dụng hay không thì xã không biết”, ông Vương nói.

Bí thư Huyện ủy Bình Sơn: 

“Đề nghị Trung ương kiểm tra dự án”

Cuộc trò chuyện với bà Hà Thị Anh Thư, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Bí thư Huyện ủy huyện Bình Sơn đã cho thấy nỗi lo của chính quyền huyện trước những nguy cơ do Hòa Phát Dung Quất gây ra. Vị Bí thư huyện cũng đề nghị các cấp chính quyền và Trung ương vào cuộc giám sát, kiểm tra dự án này.

“Sao Hòa Phát đụng vào là dân có ý kiến?”

Thưa bà, vì sao trong một cuộc họp mới đây, bà đã khá căng thẳng với Hòa Phát khi nói "Các anh đừng nói đã bỏ vào đây nhiều tiền… Vấn đề trước tiên là cần phải bảo vệ được quyền lợi, môi trường sống của người dân"?

- Không phải lần đó tôi mới nói Hòa Phát. Rất nhiều lần tôi đã nói. Tại sao các dự án trên địa bàn huyện, dân không có ý kiến gì cả, từ nhà máy đóng tàu Doosan, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; nhưng sao Hòa Phát đụng vào là dân có ý kiến? Hòa Phát phải xem lại mình, xem mình có làm đúng cam kết với bà con hay không, sống với bà con thế nào. Rảnh đâu mà người ta đi kiến nghị Hòa Phát? Trả lời được câu hỏi đó thì mới nói được chuyện Hòa Phát làm tốt hay không tốt. 

Hòa Phát nói giải quyết nhiều công ăn việc làm, rồi sau này sẽ thế này thế nọ; nhưng tôi chỉ biết vấn đề sống còn của địa phương, vấn đề quan tâm nhất của địa phương, là người dân. Dân thụ hưởng được cái gì, bị ô nhiễm tới đâu, khổ sở vì chưa được tái định cư thế nào, vất vả ra sao?

Bà Hà Thị Anh Thư, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Bí thư Huyện ủy huyện Bình Sơn
Bà Hà Thị Anh Thư, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Bí thư Huyện ủy huyện Bình Sơn 

Hòa Phát Dung Quất có gây ô nhiễm hay không?

- Hòa Phát nói là đảm bảo môi trường nhưng dân nói không đảm bảo. Dân gửi clip rất nhiều, mắt thường tôi thấy không phải khói màu trắng mà khói màu đen. Còn bụi kim loại nữa. Tôi thấy bà con họ khóc, họ xót xa, thì mình nghĩ: “Nếu gia đình cha mẹ, vợ con của Hòa Phát sống cảnh như vậy thì họ có chịu nổi không? Mình là lãnh đạo của huyện này mà không bảo vệ được bà con thì chịu không nổi”.

Bà đã bảo vệ người dân ra sao trước Hòa Phát Dung Quất?

- Tôi xin kể một ví dụ: Mới đây, tại cuộc họp ở xã Bình Thuận, tôi đi với tư cách là đại biểu Hội đồng nhân dân. Tôi khẳng định nếu chưa đền bù, chưa giải quyết xong mà làm ảnh hưởng tới dân, thì phải tính tiền để đền bù cho dân khoản đó. Chừng nào dân đồng ý thì thôi, nếu dân không đồng ý thì Hòa Phát phải đi đổ đất, đổ cát lại mặt bằng, hiện trạng như cũ, không để tạo điểm nóng từ bức xúc này đến bức xúc khác. 

Trong cuộc họp mới đây, tôi cũng đã nói rõ ràng với Hòa Phát: “Tôi không cần biết anh biện bạch như thế nào, nhưng nếu quyền lợi chính đáng của dân mà không được đảm bảo thì chúng tôi đứng về phía người dân”.

Vậy còn câu chuyện Hòa Phát lấn biển xâm hại bến neo thuyền của ngư dân?

- Khi Hòa Phát vừa kéo tàu, kéo xe tới thì bà con la làng la xóm phản đối, huyện yêu cầu dừng. Dân bây giờ họ cũng hay lắm, cứ thấy cái gì Hòa Phát vi phạm, họ quay phim chụp hình lấy chứng cứ đấu tranh. Kể cả một số thanh niên làm trong nhà máy, chụp hình gửi, chứ làm sao mình vào đó được. Cho nên tôi không nói nhiều. “Tôi có clip đây, có hình ảnh đây” thì Hòa Phát phải khắc phục.

“Hòa Phát làm được thì tồn tại”

Theo bà, Hòa Phát mang lại lợi ích gì cho địa phương? 

- Về tổng thể kinh tế - xã hội, tỉnh mới có thẩm quyền đánh giá. Còn theo huyện, vấn đề lo lắng nhất của người dân với Hòa Phát là ô nhiễm môi trường, gây nguy hại môi trường khu vực.

Theo dõi trong nhiều cuộc họp, chúng tôi nhận thấy dường như Huyện ủy và cơ quan chức năng huyện Bình Sơn bảo vệ quyền lợi chính đáng của bà con nhưng dường như bất lực?  

- Không có câu chuyện đó. Bất kể doanh nghiệp nào nếu về Bình Sơn phải đảm bảo tuân thủ pháp luật. Hòa Phát làm được thì tồn tại, nếu không dân họ cản thì huyện cũng chỉ vận động trên cơ sở đúng pháp luật, đảm bảo lợi ích người dân. Dự án làm sai, dân họ cản là đúng rồi.

Bà có lo ngại quan điểm như vậy sẽ kích động người dân?

- Quan điểm của tôi rõ ràng là học tập theo quan điểm của Trung ương, “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Tôi không bao giờ vận động bà con phải chấp nhận những sai trái của dự án. Làm sao phải phục vụ cuộc sống cho dân, tạo điều kiện cho dân sống tốt thì tôi mới làm. 

Chưa nói về các khía cạnh tiêu cực, Hòa Phát Dung Quất là một dự án tầm cỡ cực lớn so với tỉnh Quảng Ngãi. Nên nói như vậy, bà có lo ngại sẽ bị “làm khó” hay không?

- Tôi chọn cách trực diện bởi vì tôi là cán bộ của dân, ăn lương Nhà nước, gia đình truyền thống. Tôi thấy bình thường. Nếu ngại ngần tôi đã không nói, quan trọng là kết quả người dân có được lợi không, sớm thoát cảnh ô nhiễm hay không?

Bà tin rằng những hành động, tiếng nói, tâm tư của bà về “điểm nóng” Hòa Phát Dung Quất sẽ có kết quả hay không?  

- Tôi tin sẽ có kết quả. Mình đứng cùng bà con để kiến nghị những điều đúng đắn, những lẽ phải. Trong các cuộc họp Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, tôi cũng nói thẳng như vậy. Tôi không sợ. Còn người sai phạm phản ứng như thế nào, thích hay không là chuyện của họ. Tôi chỉ biết là một cán bộ, Đảng viên, tôi chỉ nói cái điều đúng và từ điều đúng đó thì những người làm sai mới thay đổi, để cuộc sống tốt hơn, đừng ô nhiễm nữa, chứ cứ giấu diếm với nhau rồi đến khi nó “vỡ trận”, kéo theo nhiều nguy hại.  

Qua báo chí, bà còn muốn gửi gắm điều gì liên quan đến Hòa Phát Dung Quất?

- Qua báo chí, tôi rất mong phản ánh sự việc đã và đang xảy ra tại Hòa Phát Dung Quất để các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương thực hiện việc giám sát, kiểm tra để trả lời rõ ràng cho bà con hiểu những nội dung bà con thắc mắc bấy lâu nay về dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Xin cảm ơn bà!

Tám Bảy (thực hiện)

Đọc thêm