Nghi vấn giao đất tái định cư sai đối tượng tại Vĩnh Phúc

(PLVN) - Là người thừa kế hợp pháp mảnh đất do bố mẹ để lại, nhưng ông Nguyễn Văn Dương (trú Ngô Quyền, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) “bỗng nhiên” bị gạt ra khỏi danh sách được giao đất tái định cư khi thửa đất bị thu hồi. Ngược đời ở chỗ là người được “thế chỗ” nhận đất tái định cư lại đang có tranh chấp nhiều năm nay với gia đình ông Dương.
Khu đất tái định cư mà UBND TP Vĩnh Yên giao cho ông Yên
Khu đất tái định cư mà UBND TP Vĩnh Yên giao cho ông Yên

Ông Dương cho biết, bố ông là cụ Nguyễn Văn Dung (SN 1919, cán bộ lão thành cách mạng), kết hôn với cụ Nguyễn Thị Thanh (tên gọi khác là Chanh, Tuyết) vào năm 1957. 

Năm 1959, cụ Dung mua thửa đất ở cánh đồng Thư viện (nay gọi là Đầm Chúa) của ông Nguyễn Văn Đắp (xóm Sậu, Đống Đa, TP Vĩnh Yên). Sau đó HTX Ngô Quyền đổi về thửa ruộng tại khu Đồng Mỏn (thửa đất số 38, tờ bản đồ số 13, diện tích 299,8m2), gia đình cụ Dung xây dựng nhà ở từ năm 1979.

Năm 2004, cụ Thanh có ý định chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại thửa đất nói trên cho ông Trần Văn Yên nên làm hợp đồng chuyển nhượng và làm giấy ủy quyền cho ông Yên đi làm thủ tục chuyển nhượng QSDĐ. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng đất này không được UBND phường Ngô Quyền chứng thực. Sau đó cụ Thanh lập di chúc cho ông Dương thừa kế và toàn quyền sử dụng, định đoạt với thửa đất này.

Dù việc chuyển nhượng QSDĐ không thành và hợp đồng chuyển nhượng đất không có hiệu lực pháp luật, ông Yên kiện ra TAND TP Vĩnh Yên yêu cầu tuyên bố vô hiệu với 2 văn bản công chứng di chúc của Phòng Công chứng số 1 tỉnh Vĩnh Phúc công bố di chúc của cụ Dung, cụ Thanh. Hai di chúc đều để lại tài sản, trong đó có QSDĐ thửa đất trên cho ông Dương.

Bản án sơ thẩm ngày 28/4/2014 và Bản án phúc thẩm ngày 27/4/2015 của 2 cấp Tòa tỉnh Vĩnh Phúc đã tuyên vô hiệu các di chúc theo yêu cầu của ông Yên. Không đồng tình, ông Dương gửi đơn đến TAND Cấp cao tại Hà Nội.

Ngày 26/4/2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội có “Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm” với Bản án dân sự phúc thẩm ngày 27/4/2015 của TAND tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 27/9/2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 58/2018/DS-GĐT về việc tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, nêu rõ: “Di sản của cụ Dung, cụ Thanh để lại là QSDĐ tại thửa đất số 38, tờ bản đồ số 13 đã bị thu hồi theo Quyết định số 2208/QĐ-UBND ngày 21/7/2010 của UBND TP Vĩnh Yên nhưng giá trị QSDĐ của người có đất bị thu hồi vẫn được pháp luật bảo đảm theo quy định của Luật Đất đai nên hai cụ có quyền lập di chúc định đoạt tài sản trên cho ông Dương”.

TAND Cấp cao quyết định hủy Bản án dân sự phúc thẩm ngày 27/4/2015 của TAND tỉnh Vĩnh Phúc và Bản án dân sự sơ thẩm ngày 28/4/2014 của TAND TP Vĩnh Yên về vụ án “Tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” giữa nguyên đơn là ông Trần Văn Yên với bị đơn là Phòng Công chứng số 01 tỉnh Vĩnh Phúc; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn Dương. Trong đó, khẳng định việc tuyên bố các văn bản công chứng của Phòng Công chứng số 1 tỉnh Vĩnh Phúc vô hiệu là “chưa đủ căn cứ, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của ông Dương”.

Tuy nhiên, ngày 12/6/2018, UBND TP Vĩnh Yên đã ban hành Quyết định số 1623/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Yên Trần Ngọc Hải ký giao đất tái định cư cho ông Yên thuộc đối tượng bị thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng khu dân cư tại phường Ngô Quyền và phường Đống Đa.

Theo ông Dương, Quyết định 1623/QĐ-UBND là không đúng, dấu hiệu vi phạm pháp luật vì quyết định này căn cứ vào hợp đồng chuyển nhượng đất không có hiệu lực pháp lý. UBND TP Vĩnh Yên ban hành quyết định này trong khi hai bên vẫn đang tranh chấp và TAND Cấp cao tại Hà Nội vẫn đang thụ lý giải quyết theo quy định là mang lại lợi ích bất hợp pháp cho gia đình ông Yên, gây thiệt hại cho gia đình ông Dương.

Ông Dương cho hay, để đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình, đã nhiều lần kiến nghị, khiếu nại về hành vi vi phạm pháp luật của ông Hải, nhưng tới nay chưa được xem xét, giải quyết thấu đáo. UBND TP Vĩnh Yên còn ban hành thông báo từ chối giải quyết tố cáo của ông với lý do nội dung tố cáo liên quan đến tranh chấp dân sự giữa ông Dương và ông Yên phải chờ phán quyết của Tòa có hiệu lực pháp luật.

Trong khi đó, tranh chấp dân sự giữa ông Dương và ông Yên chưa hề được đưa ra Tòa giải quyết. Còn vụ kiện của ông Yên là kiện Phòng Công chứng số 1 để yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, hoàn toàn độc lập với yêu cầu giải quyết tố cáo của ông Dương. Vì vậy, việc từ chối giải quyết tố cáo của UBND TP Vĩnh Yên là chưa phù hợp với quy định pháp luật về tố cáo.

Ông Dương đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc sớm xem xét giải quyết vụ việc, đồng thời khôi phục quyền lợi cho mình, người thừa kế hợp pháp đối với QSDĐ của thửa đất nói trên.

Đọc thêm