Thừa Thiên – Huế: Xã lạm quyền tự lập “mỏ” khai thác cát sỏi trên sông Truồi

(PLVN) - Việc UBND xã Lộc Hòa (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) tự ý cho máy móc khai thác cát sỏi trên thượng nguồn sông Truồi để làm đường dân sinh là trái thẩm quyền. Ngoài ra, chính quyền nơi đây còn buông lỏng quản lý để nhiều người lợi dụng việc này tuồn cát sỏi ra ngoài nhằm trục lợi.
Đoạn thượng nguồn sông Truồi đục ngầu vì nạn khai thác cát sỏi trái phép
Đoạn thượng nguồn sông Truồi đục ngầu vì nạn khai thác cát sỏi trái phép

Theo Phòng TN&MT huyện Phú Lộc, theo quy định tại địa phương, hiện ở sông Truồi tuyệt đối không được khai thác cát sỏi. Thế nhưng, trong những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 nhiều người đi qua đoạn đường gần cầu Khe Dài (xã Lộc Hòa) không khỏi ngạc nhiên vì nhìn xuống thấy máy múc ngang nhiên khai thác cát sỏi khiến cả khúc sông đục ngầu, còn đoàn xe nối đuôi nhau chở “hàng” ra ngoài.  

Sáng 1/9, PV có mặt ở địa điểm trên và chứng kiến các xe tải có BKS 75C-07587, 75C-09644, 75C-00391, 75K- 3028 lần lượt “ăn” đầy cát sỏi rồi chạy ra ngoài.

Qua quan sát, xe 75C-07587 và xe 75C-09644 đổ cát sỏi vào các đoạn đường xóm đang được làm. PV theo chân hai xe còn lại, những xe này đổ vào nhà một người dân cách nơi khai thác chưa đầy 1km (đoạn đường vào nhà người này đã được bê tông hóa). 

Được biết, thời gian này xã Lộc Hòa đang làm bảy tuyến đường dân sinh ở thôn Nam Khe Dài, thôn An Hà và thôn La Phủ.

Việc khai thác cát sỏi nhiều ngày ở thượng nguồn sông Truồi là sai rõ ràng. Để hiểu rõ vấn đề trên, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hữu Thuận (quyền Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa).

Ông Thuận cho biết, địa phương đang làm nhiều tuyến đường dân sinh. Tiền xi măng cũng như 40% tiền công được Nhà nước cấp, còn xã “tạo điều kiện” để “tận thu” cát sỏi đem lên làm đường. “Xã cho phép “tận thu” từ cuối tháng 8, đến nay đã lấy được hơn 1000 m3 cát sỏi, hiện nước lớn nên chưa tiếp tục làm được. Tổng cộng chỉ còn thiếu vài chục m3 cát sỏi lẫn lộn nữa là xong”.

Việc xã tự ý cấp điểm khai thác vật liệu xây dựng để xảy ra thất thoát tài nguyên khoáng sản, trách nhiệm thuộc về ai? “Tôi biết, đúng theo nguyên tắc, phải có mỏ mới được làm, đến huyện còn không có quyền nhưng… mình biết sai. Tất nhiên, trách nhiệm chính thuộc về người đứng đầu cấp xã là tôi”. 

Cũng theo ông Thuận, xã theo dõi chặt chẽ việc làm này, giao trách nhiệm chính cho công an, địa chính. “Cát sỏi đều phục vụ làm đường hết, phải đổ vào đường, không có chuyện tuồn ra ngoài được”, ông Thuận nói.

Trước quan điểm này của ông Thuận, PV cung cấp hình ảnh cát sỏi không đổ vào đường mà đổ vào nhà của cá nhân, ông Thuận một lần nữa thừa nhận: “Chắc chiều tối, anh em họ “làm” vài xe thôi. Trong công tác quản lý, anh em đôi lúc có lơ là, địa phương sẽ rút kinh nghiệm”.

Rất nhiều người nghi ngờ có “lợi ích nhóm” trong việc này, xã có thể cung cấp giấy tờ ghi xe, lượng cát sỏi ra vào cụ thể không? Ông Thuận đưa chừng năm tờ giấy khác loại, ngày tháng ghi không rõ ràng. PV đề nghị cung cấp danh sách xe, khối lượng cát sỏi ra ngoài trong ngày 31/8, ông Thuận chỉ đưa tờ giấy nhỏ bằng bàn tay có ghi số xe, vài dấu gạch, hoàn toàn không ghi ngày tháng, chữ ký người lập. PV vừa mới được tiếp cận loại giấy tờ này thì bị lấy lại, xin ghi hình thì ông Thuận không cho…

Được biết, trong ngày 31/8 và 1/9 Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, Công an huyện Phú Lộc đã về đây để tìm hiểu sự việc. Thế nhưng sau đó tình trạng khai thác cát sỏi trái phép ở địa điểm trên vẫn tiếp diễn…

PLVN sẽ tiếp tục thông tin sự việc.  

Đọc thêm