Tiếp vụ 'Đại úy công an bị tố lạm quyền bắt giữ người đi mua đất': Quy định nào cho giữ người 16 giờ không cần quyết định?

(PLVN) - Theo tìm hiểu của phóng viên thì chỉ ít ngày sau khi có tố cáo của ông Phạm Quý Hùng về việc bị Đại úy Phạm Quốc Hưng bắt, đánh đập và giữ người trái phép tại trụ sở Công an thị trấn (TT) Dương Đông (huyện Phú Quốc, Kiên Giang), Cơ quan điều tra của VKSND tối cao đã về địa phương xác minh vụ việc.
Thương tích nhiều nơi trên cơ thể ông Hùng sau khi dời trụ sở Công an thị trấn Dương Đông
Thương tích nhiều nơi trên cơ thể ông Hùng sau khi dời trụ sở Công an thị trấn Dương Đông

Dấu hiệu giữ người trái phép

Như PLVN đã thông tin, ông Phạm Quý Hùng (SN 1975, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có đơn tố cáo Đại úy Phạm Quốc Hưng cùng một số công an TT Dương Đông có hành vi bắt, đánh đập và giữ ông trái phép tại trụ sở vào đêm 30 và sáng 31/10/2018, sau khi ông đến nhà bà Nguyễn Thị Hòa để đòi lại 2 tỷ đồng tiền đặt cọc mua đất. Đáng nói, ông Hưng lại là người dính dáng trực tiếp đến vụ mua bán đất trên, đang bị ông Hùng tố cáo có hành vi câu kết với bà Hòa để chiếm đoạt tài sản do đã nhận đặt cọc bán thửa đất không hợp pháp. Ngoài bị tố cáo có hành vi xâm phạm quyền công dân, Đại úy Hưng còn bị tố đã lợi dụng vị trí của mình để trấn áp người có đơn tố cáo, người đang có mâu thuẫn với mình.

Giấy chứng nhận thương tích của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Phú Quốc thể hiện, ông Hùng vào viện lúc 15h10 phút ngày 31/10/2018 trong tình trạng đa chấn thương do bị đánh, với các thương tích như: trầy xước thái dương (T) và cổ bên (P); Sưng nề kèm trầy xước bụng bên (T) và mạn sườn (T); sưng nề ngực. Điều trị đến ngày 5/11/2018, ông Hùng mới tạm ổn và được ra viện.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo BVĐK Phú Quốc thừa nhận ông Hùng bị “đa chấn thương” như trên và cho biết, vừa qua, một số cán bộ của Cơ quan điều tra (CQĐT) VKSND Tối cao cũng đã đến bệnh viện đề nghị cung cấp hồ sơ bệnh án khám, điều trị đối với bệnh nhân Phạm Quý Hùng vào đêm 30 và chiều 31/10/2018. Cán bộ bệnh viện cũng khai rõ, khi đến khám vào đêm 30/10, ông Hùng được áp giải bởi hai công an. Lần này, do ông Hùng chỉ khám và tiêm thuốc giảm đau nên không có bệnh án (chỉ có Phiếu khám). 

Trong khi đó, Trung tá Lê Minh Chánh - Trưởng công an TT Dương Đông (huyện Phú Quốc, Kiên Giang) cũng cho biết “Ít ngày sau khi xảy ra vụ việc, có 4 cán bộ của CQĐT VKSND Tối cao  (trong đó có một Trưởng phòng, một Phó phòng) đã về đơn vị làm việc về tố cáo bắt giữ người trái pháp luật và xem có đánh người hay không có đánh. Vì sự việc cũng chưa có gì nên ngày đầu chúng tôi không có tiếp (tức làm việc với cán bộ CQĐT VKSND Tối cao- PV). Nhưng sau khi có ý kiến của chị Minh (Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang - PV) và anh Mót (Trưởng công an huyện- PV) thì chúng tôi đã yêu cầu các cán bộ liên quan làm việc. Ngay cả tôi cũng được các anh ấy lấy lời khai”.

Trung tá Lê Minh Chánh - Trưởng công an thị trấn Dương Đông làm việc với phóng viên
Trung tá Lê Minh Chánh - Trưởng công an thị trấn Dương Đông làm việc với phóng viên

Vào viện khám, vẫn bị công an áp giải

Thừa nhận ông Hùng phải ở tại trụ sở công an thị trấn đến 11h ngày 31/10 mới được cho ra ngoài, Trung tá Chánh cho biết, sáng 31/10, tôi đến trụ sở làm việc thì thấy anh Hùng ngồi ở đó nên kêu vào làm việc. Ban đầu, ông Hùng nhất quyết đòi phải có luật sư mới làm việc. Tuy nhiên, sau khi được chia sẻ, giải thích, đến 9h  thì ông Hùng chấp nhận làm việc và thừa nhận các hành vi vi phạm…Sau đó, chúng tôi cho ông Hùng về”.

Phủ nhận việc mình tự nguyện nhận sai phạm, ông Hùng khằng định, “tại trụ sở Công an TT Dương Đông, tôi bị đánh đập suốt đêm. Đến gần 21h, khi thấy tôi gục xuống thì công an mới đưa tôi vào Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Phú Quốc cấp cứu. Sau khi được các bác sĩ tiêm thuốc giảm đau, tôi được đưa trở lại trụ sở và tiếp tục bị đánh. Đến trưa 31/10/2018, khi thấy tôi bị hoảng loạn và chấn thương khắp cơ thể, nôn mửa nhiều thì những cán bộ công an bắt ép tôi ký biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu nộp 200 nghìn mới tha cho về. Chiều cùng ngày, tôi đã phải nhập viện cấp cứu, điều trị và có đơn tố cáo vụ việc đến Công an huyện Phú Quốc về việc bị đánh và giữ trái pháp luật tại Công an TT Dương Đông”.  

Lý giải về việc phải giữ ông Hùng tại trụ sở qua đêm, trong suốt 16 tiếng liền mà không có sự “tự nguyện” của ông này, Trung tá Chánh nói, ông Hùng là đối tượng nghi vấn mà nín thinh, không chịu làm việc, không cộng tác thì chẳng nhẽ chúng tôi phải thả ông ấy hay sao? Thời gian ông Hùng ở trụ sở, chúng tôi đều có người ngồi làm việc xuyên suốt với anh Hùng ngay tại phòng. 

Phóng viên hỏi tiếp, ông Hùng không bị buộc phải ký vào biên bản vi phạm hành chính. Trường hợp này, để chứng minh vi phạm của ông Hùng, công an có thể dùng các chứng cứ khác. Tại sao cứ buộc ông Hùng phải ký biên bản vi phạm và nhất quyết không thả ông Hùng nếu ông này chưa ký biên bản? Trung tá Chánh trả lời, “chúng tôi chưa cho ông Hùng đi bởi phải còn xác minh chứng cứ vi phạm.  Đến 10h sáng thì mới đủ cơ sở để xác định vi phạm của ông này”.

Bình luận về nội dung trên đây, LS Nguyễn Trung Thành (Đoàn LS TP Hà Nội)  cho biết, Luật xử lý VPHC có quy định về thủ tục xác minh các tình tiết để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng cũng yêu cầu “người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Trong khi đó, khoản 2, khoản 3 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định quy định “mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ…

Trong vụ việc này, ông Hùng đã bị giữ tại trụ sở Công an TT Dương Đông tới 16 tiếng liên tục và không có quyết định là vi phạm nghiêm trọng quy định trên, ảnh hưởng đến quyền tự do, quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Dù Công an có gọi 16 tiếng này là  “làm việc” thì bản chất vẫn là “giữ người” bởi ông Hùng đã từ chối làm việc (yêu cầu có mặt luật sư). Hơn nữa làm việc thì cũng không thể “xuyên đêm” như vậy. Nhất là trong tình trạng sức khỏe ông này không đảm bảo. Vì vậy, ông Hùng cho rằng mình bị hoảng loạn, bị ép nên mới phải ký biên bản để được thả ra ngoài là có căn cứ.

Thậm chí, khi ông này kêu đau bụng cũng không được công an cho về tự đi khám mà còn bị “áp giải” đến bệnh viện. Sau khi khám và tiêm giảm đau xong, ông Hùng lại bị áp giải về ngồi tại trụ sở công an đến trưa hôm sau, trong sự giám sát của lực lượng công an. Việc Công an TT Dương Đông đứng ra chi trả tiền khám cho ông Hùng vào tối 30/10 cũng có thể hiểu là họ đã tự cho mình quyền “quản lý” đối với ông Hùng chứ bình thường thì ông này phải phải đi khám tự do như người bệnh thông thường?.

Liên quan đến vụ việc, đầu tháng 2/2019, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQCSĐT) Bộ Công an đã có văn bản chuyển đơn của ông Hùng đến Trưởng Công an huyện Phú Quốc giải quyết theo quy định của pháp luật và thông báo cho kết quả cho Văn phòng CQCSĐT Bộ Công an biết. Tuy nhiên, theo thông tin từ Trung tá Lê Minh Chánh thì vào đầu tháng 3/2019, Công an TT Dương Đông vẫn chưa có quyết định thụ lý giải quyết đơn tố cáo của ông Hùng.

Đọc thêm