Trang trại lợn không phép “bức tử” dân vì mùi hôi thối nồng nặc

(PLVN) - Một trang trại lợn với quy mô lớn trên địa bàn xã Đại Cường, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội ngang nhiên hoạt động không phép, đang ngày đêm “bức tử” môi trường gây bức xúc dư luận trong thời gian dài nhưng chính quyền không xử lý.
Nước thải của trang trại lợn xả thẳng ra mương.
Nước thải của trang trại lợn xả thẳng ra mương.

Vừa qua, báo Pháp Luật Việt Nam nhận được đơn thư của người dân thôn Kim Bồng, xã Kim Đường phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn do một trang trại lợn gây ra. Được biết, trại chăn nuôi lợn này là của ông Phạm Văn Nho xây dựng tại cánh đồng Hoa Vàng, xã Đại Cường (giáp với khu dân cư thôn Kim Bồng). Trại lợn đi vào hoạt động từ năm 2015, thời gian gần đây, tiếp tục mở rộng quy mô, tăng số đàn. Trong quá trình chăn nuôi, trại lợn đã xả nước thải trực tiếp ra môi trường khiến cho nguồn nước sinh hoạt và không khí tại vùng quê này ô nhiễm nghiêm trọng.

Nhận được phản ánh của người dân phóng viên đã tìm về đây để làm rõ sự việc. Khi đến nơi chúng tôi không khỏi ngạc nhiên thấy các gia đình đồng loạt đóng cửa im ỉm. Thôn văn hóa này từ lâu đã không còn nạn trộm cắp vặt, trẻ con người lớn đều ở nhà tại sao phải đóng cửa. Anh Lương Công B một người dân đứng cạnh cho biết : “Ngày cũng như đêm, hôm nào thôn chúng tôi cũng xuất hiện mùi hôi nồng nặc từ trại lợn thổi vào. Mùa hè nóng nực đi làm cả ngày về cũng không dám mở cửa vì không thể nào chịu nổi. Bệnh tật đến lúc nào không biết…”

Thôn Kim Bồng trong những ngày này, ngoài việc thường xuyên đóng kín cửa  nhà, mỗi thành viên trong gia đình luôn có thêm một chiếc khẩu trang y tế. Việc có thêm khẩu trang không hẳn vì dịch Covid-19 đang hoành hành. Hàng trăm hộ dân nơi đây đang phải đối mặt  với một vấn đề khác nguy hiểm không kém bởi mùi hôi thối nồng nặc từ trại lợn gần thôn. “Nhiều lúc cả gia đình đang ăn cơm, một cơn gió thổi vào nhà mang theo mùi hôi thối nồng nặc từ trại lợn là cả nhà đành bỏ ngang bữa cơm bởi không thể ăn được nữa” - ông Nguyễn Văn N cho biết.

Trang trại lợn không phép ngang nhiên hoạt động
Trang trại lợn không phép ngang nhiên hoạt động

Là vùng nông thôn, đa số người dân thôn Kim Bồng vẫn dùng nước giếng để sinh hoạt. Nhưng hơn một tháng nay, gia đình chị Hoàng Thị Thu H và một số hộ trong thôn không dám dùng nước giếng. Hàng trăm hộ dân nơi đây đang lo sợ nguồn nước ngầm ô nhiễm, bởi con mương nước phía sau trang trại lợn có màu đen kịt và bốc mùi hôi thối. Mỗi ngày gia đình chị H phải dùng hết 5 bình nước sạch để lo cho bữa ăn. “Tốn kém lắm nhưng chúng tôi không còn cách nào khác vì trại lợn liên tục xả nước thải ra ngoài mương, nhà thì ngay gần. Để đảm bảo sức khỏe nên chúng tôi đi mua nước về dùng.” - chị H bức xúc nói.

Có mặt tại cánh đồng Hoa Vàng, xã Đại Cường, trước mắt chúng tôi là một trang trại lợn với diện tích quy mô lớn gồm hai dãy chuồng, nhà điều hành, kho thức ăn... Cảm nhận ngay khi đặt chân đến khu vực này là mùi hôi của phân lợn xộc thẳng vào mũi khiến chúng tôi có cảm giác buồn nôn khó chịu.

Được sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tiếp cận được ống cống xả thải của trại lợn. Những dòng nước thải đen ngòm liên tục chảy từ miệng cống ra ngoài mương. Nước thải đi đến đâu nhuộm màu đen đến đó. Mùi phân lợn bốc lên nồng nặc, ô nhiễm cả khu vực. Kim Bồng là thôn sát với trại lợn, vào mỗi buổi chiều, khi trang trại tiến hành vệ sinh, xả nước là già trẻ lớn bé trong thôn lập tức đóng cửa cố thủ trong nhà.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Cường
 Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Cường

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Cường cho biết: “Chủ trang trại lợn nói trên là ông Phạm Văn Nho ở thôn Kim Giang, xã Đại Cường. Trang trại bắt đầu nuôi lợn từ năm 2015. Từ khi trại lợn đi vào hoạt động, chúng tôi chưa nhận được văn bản hay kiến nghị nào của người dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm của trại lợn”.

Khi phóng viên hỏi về thủ tục pháp lý của trại lợn, ông Sơn cùng cán bộ chuyên môn xã cho biết thêm: “Trang trại chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nguồn gốc đất là đất trồng lúa, chưa có giấy phép xây dựng cũng như báo cáo đánh giá tác động môi trường hàng năm, xã cũng kiểm tra và báo cáo huyện.”

Phóng viên tiếp tục liên hệ với UBND huyện Ứng Hòa nhưng với lý do bận họp nên chỉ làm việc được với ông Đỗ Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tài nguyên và môi trường, qua trao đổi ông Hà cho biết: “Khi nhận được thông tin xã báo cáo lên, chúng tôi đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với công an huyện xuống kiểm tra”.

Phóng viên đề nghị tiếp cận các biên bản làm việc, biên bản kiểm tra thì ông Hà không cung cấp với lý do: “Anh Định trưởng phòng đi họp, anh ấy bảo tôi làm việc với báo về vấn đề môi trường trang trại, không có ý kiến cung cấp hồ sơ. Anh em về làm việc với xã sẽ rõ hơn.”

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Đọc thêm