Viết tiếp sai phạm tại Nhà máy Đạm Ninh Bình: Hai Công ty tư nhân nào có hợp đồng bán than cho dự án?

(PLVN) - Một trong hai doanh nghiệp tư nhân xác nhận có hợp đồng cung cấp than cám 5A cho Nhà máy Đạm Ninh Bình, nhưng chỉ thừa nhận bán một khối lượng rất nhỏ so với khối lượng hàng trăm tấn mà Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình khai đã mua phục vụ cho giai đoạn chạy thử, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho Tập đoàn Hóa chất.
Trụ sở Cty Minh Hoàng tại TP Ninh Bình
Trụ sở Cty Minh Hoàng tại TP Ninh Bình 

Danh tính 2 doanh nghiệp bán than 

Như PLVN đã thông tin, một trong những nội dung mà Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra làm rõ là việc mua, cấp than phục vụ chạy thử vượt khối lượng theo quy định tại hợp đồng EPC; việc nhập than cám 5A không có hồ sơ, tài liệu chứng minh nguồn gốc than; không có chứng từ xuất kho than đã cấp cho nhà thầu... 

Theo tìm hiểu, để phục vụ công tác chạy thử nhà máy, đầu tháng 8/2012, Đạm Ninh Bình ký hợp đồng nhập than cám 5A với hai đơn vị tư nhân có địa chỉ kinh doanh đều đóng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là Cty CP Đầu tư Thương mại Phát triển Hoàng Long và Cty TNHH MTV Minh Hoàng. 

Ngày 2/8/2012, Đạm Ninh Bình và Minh Hoàng đã ký hợp đồng, Đạm Ninh Bình đồng ý mua 5.000 tấn than cám 5A từ doanh nghiệp tư nhân này, với độ ẩm để giao nhận quy định không lớn hơn 12% và để thanh toán độ ẩm không lớn hơn 8% với giá 1,854 triệu đồng/tấn. Tiến độ giao nhận hàng được hai bên thỏa thuận là trong tháng 8/2012. 

Chất lượng than trong hợp đồng chỉ thấy ghi chung chung: “Theo tiêu chuẩn quốc gia hiện hành và thỏa thuận giữa hai bên”. Trong khi nguồn gốc than theo quy định của Hợp đồng EPC là phải nhập từ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và than nhập về phải có nguồn gốc là than Hòn Gai - Cẩm Phả.  

Vinacomin có liên quan?

Bà Nguyễn Thị Hoài, đại diện Minh Hoàng xác nhận có ký hợp đồng làm ăn với Đạm Ninh Bình. Tuy nhiên, bà Hoài cho biết việc bán than 5A cho Đạm Ninh Bình chỉ diễn ra trong vòng 3 tháng (tháng 8, tháng 9 và tháng 10/2012) với số lượng rất nhỏ, không nhiều như con số 283 ngàn tấn Đạm Ninh Bình đưa ra. “Theo sổ sách mà chúng tôi còn lưu thì trong 3 tháng chúng tôi chỉ bán cho nhà máy này khoảng 5.800 tấn. Số còn lại tôi không biết Đạm Ninh Bình mua từ đâu”, bà Hoài cho hay. 

Liên quan tới nguồn gốc và chất lượng than, Minh Hoàng đưa ra một số hợp đồng giao nhận, chứng từ mua bán và cho rằng, nguồn gốc than được nhận từ Trạm Chế biến và Kinh doanh than Ninh Bình (Chi nhánh thuộc Công ty Cổ phần Kinh doanh than miền Bắc –Vinaconmin) để cấp cho Đạm Ninh Bình theo hợp đồng hai bên đã ký kết. Còn chất lượng than, bà Hoài nói rằng có nguồn từ TKV.

Bà Hoài cho biết, ngoài Minh Hoàng, một đơn vị tư nhân khác cũng ký hợp đồng cấp than cho Đạm Ninh Bình là Cty Hoàng Long do ông Nam, Trưởng Trạm Chế biến và Kinh doanh than Ninh Bình lập ra. Bà Hoài cho hay, ông Nam và bà Hoài vốn là cán bộ của Trạm Chế biến và Kinh doanh than Ninh Bình. Hai ông bà lập ra Hoàng Long và Minh Hoàng mục đích giúp tăng doanh thu cho Trạm khi có thể bán than cho Đạm Ninh Bình một cách hợp pháp. 

“Nguyên nhân là thời điểm đó, theo quy định của TKV, Trạm là đơn vị trực thuộc, không được phép bán thẳng than cho Đạm Ninh Bình. Sau khi Cty ký được một số hợp đồng bán than với khách để giao vào trong nhà máy nên Minh Hoàng và Hoàng Long được lập ra, nhận than từ Trạm và bán cho Đạm Ninh Bình”, bà Hoài nói. 

PV cũng đã liên lạc với ông Nam và được cho biết: Cũng vì việc làm ăn với Đạm Ninh Bình mà Cty Hoàng Long do ông Nam lập ra lâm vào tình trạng vỡ nợ. Hiện Công ty đã giải thể và ông đang phải gánh khoản nợ trên 30 tỷ đồng với ngân hàng. Khi được hỏi việc mua than cám 5A không có hồ sơ, tài liệu chứng minh nguồn gốc than từ Hoàng Long như kết luận mà KTNN đưa ra và đang đề nghị CQĐT vào cuộc làm rõ, ông Nam nói đã giải trình toàn bộ với cơ quan công an. 

Trước đó, kết quả kiểm toán cho thấy, tổng khối lượng than đã cấp cho hoạt động chạy thử Nhà máy Đạm Ninh Bình là hơn 371 ngàn tấn, vượt quy định hợp đồng hơn 251 ngàn tấn. Trong đó, riêng than cám 5A nhập về hơn 283 ngàn tấn; trong khi hợp đồng EPC quy định loại than 5A chỉ được phép nhập 60 ngàn tấn. Số than vượt so với hợp đồng EPC đã ký gây rủi ro hiện hữu thiệt hại kinh phí của Tập đoàn Hóa chất khoảng 661,3 tỷ. 

Báo cáo kiểm toán còn cho thấy, chủ đầu tư ký hợp đồng nhập than cám 5A với doanh nghiệp tư nhân trên nhưng không có hồ sơ, tài liệu chứng minh sự phù hợp về nguồn gốc than theo quy định Hợp đồng EPC. Lý do đề xuất mua than từ hai đơn vị tư nhân và việc mua không đúng quy định tiêu chuẩn nguồn gốc than trong dự án được duyệt, theo báo cáo của Ban QLDA Nhà máy Đạm Ninh Bình là “do tình huống cấp bách để phục vụ công tác chạy thử”. Sau khi kết thúc công tác chạy thử (từ ngày 22/9/2012), Đạm Ninh Bình vẫn tiếp tục mua 4.652 tấn từ các nhà cung cấp này mà không có kế hoạch hay có giải pháp xử lý khối lượng than ẩm đã nhập còn tồn kho khoảng 23 ngàn tấn.

Đọc thêm