Bàn giải pháp hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Rất nhiều kiến nghị, đề xuất đã được các địa phương đưa ra nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030.
Hà Nội sẽ xây NƠXH thành các khu tập trung. (Ảnh minh họa)
Hà Nội sẽ xây NƠXH thành các khu tập trung. (Ảnh minh họa)

Đề xuất giao địa phương tự bố trí quỹ đất

Tại Hội nghị về triển khai đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, địa phương này đang chuẩn bị đầu tư 1 - 2 khu NƠXH tập trung và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2 - 3 khu để xây dựng 5 dự án lớn. Khi hoàn thành sẽ bổ sung khoảng 2,5 triệu m2 sàn NƠXH, đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân thành phố.

Do quy hoạch của Hà Nội là xây dựng tập trung nên theo ông Tuấn, quy định các dự án nhà ở thương mại phải bố trí 20% quỹ đất để xây dựng NƠXH không còn phù hợp với đặc thù Hà Nội. Hơn nữa việc sử dụng nguồn tiền thu được từ tiền đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển NƠXH còn nhiều bất cập. Cụ thể, ông Tuấn cho rằng pháp luật hiện hành chưa quy định, hướng dẫn sử dụng khoản tiền thu được từ chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nộp tương đương quỹ 20%, 25% đất ở tại dự án để đầu tư xây dựng NƠXH.

Do đó, lãnh đạo Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ ủy quyền cho Hà Nội chủ động thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng NƠXH cho các dự án này tại các khu độc lập (tập trung) trên địa bàn Hà Nội. Đồng thời, giao quyền cho Hà Nội điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất để bổ sung quỹ đất xây dựng NƠXH cho thuê.

Ngoài ra, Hà Nội cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành hướng dẫn việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định.

Còn vướng mắc về thủ tục

Trong tham luận gửi Hội nghị, UBND TP HCM cho biết, mặc dù kết quả phát triển NƠXH của thành phố giai đoạn sau luôn có tăng hơn so với giai đoạn trước, nhưng số lượng các căn hộ NƠXH hoàn thành chưa đáp ứng hết nhu cầu rất lớn về nhà ở của các nhóm đối tượng người dân có thu nhập thấp và cán bộ công chức, viên chức có khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố. Theo Quyết định phê duyệt chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021 - 2030, chỉ tiêu phát triển NƠXH giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến khoảng 35.000 căn, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 58.000 căn nhà.

Lãnh đạo TP HCM xác định mục tiêu trên đang gặp không ít thách thức vì việc thực hiện đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, lãnh đạo thành phố này cho biết, các bước thủ tục đầu tư dự án NƠXH còn phức tạp. Cụ thể, ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận nhà đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, giao đất, tính tiền sử dụng đất sau đó thực hiện thủ tục miễn tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án NƠXH phải thực hiện thêm các thủ tục như: Thẩm định giá bán, xác nhận đối tượng mua, thuê mua, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức... “Cần rút gọn thủ tục hơn để dễ thực hiện”, lãnh đạo TP HCM đề xuất.

Lãnh đạo thành phố đông dân nhất cả nước cũng cho rằng, hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) tại một số dự án khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được, một phần cũng do thủ tục phức tạp.

Đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10ha, tuy đã xác định quỹ đất 20% xây dựng NƠXH nhưng lãnh đạo TP HCM cho rằng chủ đầu tư dự án chậm triển khai bồi thường GPMB hoặc chưa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nên chưa thể triển khai đầu tư xây dựng. “Nguồn vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các chủ đầu tư, các đối tượng được hưởng chính sách NƠXH vay mua nhà chưa ổn định, chưa kịp thời, thủ tục rất phức tạp, khó đáp ứng được các tiêu chí”, theo đại diện TP HCM.

Cùng quan điểm, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, nội dung hồ sơ chủ trương đầu tư địa phương đề xuất có dành một phần diện tích chung cư tại tầng trệt hoặc tầng 1, 2 để bố trí các công trình dịch vụ phục vụ chung cư. “Tuy nhiên, quy định về việc này lại chưa rõ ràng. Kính đề nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn về việc quản lý sử dụng các công trình dịch vụ trên như thế nào” - lãnh đạo Đồng Nai nêu ý kiến.

TP Đà Nẵng cũng phản ánh, thủ tục, thời gian lựa chọn chủ đầu tư còn phức tạp, kéo dài. Trường hợp có 1 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm phải gần 1 năm mới lựa chọn được nhà đầu tư; trường hợp có 2 nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thì phải gần 2 năm mới lựa chọn được nhà đầu tư, ảnh hướng rất lớn đến tiến độ đầu tư xây dựng các dự án NƠXH. “Cần rút ngắn thủ tục, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xây dựng NƠXH” - lãnh đạo Đà Nẵng đề xuất.

Đọc thêm