Người mẹ ngoại quốc được phong Mẹ Việt Nam anh hùng

(PLO) - Hơn 55 năm theo chồng rời Thái Lan sang Việt Nam làm dâu, bà Tống Thị Hiền (SN 1921, ngụ phường Hòa Hiếu, Thị xã Thái Hòa, Nghệ An) là người phụ nữ ngoại quốc đặc biệt khi được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. 
Chuyện tình xuyên biên giới
Tuy đã ở tuổi 94 nhưng bà Hiền (tên Thái là Khăm Xóm Chèm Chăn, quê ở Xà Vàng, Xà Cồn, Thái Lan) vẫn nhanh nhẹn, tỉnh táo. Nghe bà nói chuyện, không ai nghĩ bà là người nước ngoài bởi tiếng Việt rất trôi chảy. Bà là con gái thứ 3 trong gia đình có 12 người con. 
Năm 16 tuổi, khi đang là giáo viên mầm non, cô gái Thái Lan phải lòng chàng trai Việt Nam hiền lành, chăm chỉ là Tống Văn Hiền (SN 1921, quê huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Thời điểm ấy, ông Hiền theo gia đình sang Thái Lan làm thợ may mưu sinh. 
Lúc đầu, gia đình hai bên cũng phản đối chuyện tình của họ bởi sợ hai nền văn hóa khác nhau khó hòa hợp. Nhưng hai người đã kiên trì thuyết phục được hai gia đình đồng ý. Đám cưới tổ chức sau 3 năm yêu nhau.
Mẹ Hiền được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng năm 2014.
 Mẹ Hiền được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng năm 2014.
Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ cứ êm đềm trôi qua. Những đứa trẻ mang hai dòng máu Việt - Thái lần lượt ra đời trong ngôi nhà nhỏ càng khiến hạnh phúc tròn đầy. 
Năm 1960, Việt Nam vận động kiều bào Thái Lan trở về xây dựng quê hương. Tuy thời điểm đó cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn ác liệt nhưng ông Hiền vẫn quyết định đưa vợ con về xã Thạch Xuân (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Hai năm sau, cả gia đình dắt díu nhau lên huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) xây dựng kinh tế mới.
Kể lại chuyện xưa, bà Hiền tâm sự: “Lúc nghe ông ấy bảo sẽ đưa cả gia đình về Việt Nam, tôi cũng hơi ngần ngại vì không muốn rời xa đất nước và họ hàng. Nhưng vì chồng, vì con, tôi vẫn đồng ý. Dù sao Việt Nam cũng là quê hương của chồng và các con nên tôi muốn họ được sống trên mảnh đất quê hương”.
Hai lần khóc con không về
Năm 1963, người con trai cả của bà lên đường nhập ngũ. Năm năm sau, người con trai khác nối gót anh đi bộ đội, vừa được một năm thì giấy báo tử của anh cả gửi về. Anh đã hi sinh trong một trận đánh ở Rú Nài (TP.Hà Tĩnh) từ bốn năm trước, giờ gia đình mới nhận được giấy báo tử.
Bà Hiền nhớ lại: Dù thời gian trôi qua đã lâu nhưng kỉ niệm ngày người con cả lên đường, bà vẫn nhớ như in. Trước khi anh đi, bà dúi vào tay anh 10 đồng nhưng anh nhất định không nhận, dặn mẹ cầm lo cho các em, ở nhà còn vất vả. Anh chỉ xin cái khăn Thái của bà ngoại để làm kỷ niệm. 
“Hiếu (tên người con cả - PV) là đứa con hiếu thảo lúc nào cũng nghĩ đến bố mẹ và các em. Trước khi đi, nó dặn dò các em ở nhà phải ngoan ngoãn đỡ đần mẹ việc đồng áng, không được lười nhác. Thời gian đầu, nó hay biên thư về cho gia đình nhưng mấy năm sau thì bặt tin hẳn. Cứ nghĩ con bận rộn chiến đấu nên không có thời gian viết thư, không ngờ nó đã hi sinh sau khi nhập ngũ được hai năm”, bà Hiền rơm rớm nước mắt.
 
Ngày nhận được giấy báo tử của con, chồng bà đau buồn quá đổ bệnh rồi qua đời. Bà Hiền một mình nuôi đàn con thơ dại, con út mới hơn chín tháng tuổi. Hàng ngày để có cái ăn cho con, bà phải trèo đèo lội suối lên rừng kiếm củ sắn, búp măng. 
Năm 1970, bà lại tiễn người con trai thứ 3 lên đường. Hai năm sau, anh hi sinh trên chiến trường Lào. Sau đó không lâu, hai người con khác của mẹ lại tiếp bước xung phong ra trận tuyến. 
“Lúc đó mẹ cũng sợ điều không may sẽ xảy ra với các con. Mẹ đã mất đi hai đứa con ở chiến trường rồi, nếu có đứa nào hi sinh nữa, mẹ sợ sẽ không chịu nổi. Nhưng mẹ cũng không thể ích kỉ giữ các con bên mình trong khi đất nước đang cần chúng”, bà tâm sự.
Vượt qua nỗi mất mát, bà Hiền dồn hết tâm huyết để chăm sóc những người con còn lại và hoàn thành nhiệm vụ của một người cán bộ xóm. 
Hiện hài cốt hai người con của mẹ là liệt sỹ Tống Văn Hiếu đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ thị xã Thái Hòa; liệt sỹ Tống Văn Xiên yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Việt – Lào (huyện Anh Sơn, Nghệ An).
55 năm, mới về thăm quê 2 lần 
Bà Hiền tâm sự rất nhớ quê hương nhưng vì điều kiện kinh tế và sức khỏe yếu nên ít khi có dịp về thăm đất nước Thái Lan. Hơn 55 làm dâu Việt Nam, bà mới về thăm nhà được hai lần. Đối với bà, Việt Nam là quê hương thứ hai, là một phần cuộc đời, các con của bà đã hi sinh tuổi thanh xuân, hi sinh xương máu để bảo vệ và cũng là nơi người chồng thân yêu đã nằm xuống. 
Năm 2014, bà Hiền được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện bà sống trong căn nhà tình nghĩa do chính quyền xây tặng năm 1994. Những người con đều xây dựng gia đình ở gần nên thường xuyên qua lại chăm sóc mẹ chu đáo. 
Bà còn có trăn trở: Thời gian qua chính quyền và xã hội rất quan tâm đến cuộc sống của bà, tuy nhiên người con trai đầu Tống Văn Hiếu hy sinh đã hơn 50 năm nhưng vẫn chưa nhận được Bằng Tổ quốc ghi công. “Thằng Hiếu hi sinh khi tuổi đời còn trẻ quá, vẫn chưa kịp lấy vợ, sinh con. Những liệt sĩ khác đều được ghi nhận, vậy mà nó không được, nên mẹ thương nó lắm. Đối với mẹ, đó không chỉ là một tờ giấy mà là một sự ghi nhận của đất nước cho những hi sinh mất mát của con trai mẹ”, bà chia sẻ.
Trao đổi vấn đề này với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Thị xã Thái Hòa, ông Trần Tử Minh, Trưởng phòng cho biết, trường hợp liệt sỹ Tống Văn Hiếu (SN 1943) con trai của bà Hiền, Phòng đã làm hồ sơ gửi lên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An chờ xét duyệt./.

Đọc thêm