Có thể gây khó cho doanh nghiệp
Điểm c khoản 1 Điều 6 Dự thảo quy định một trong các điều kiện để xác định khoản chi được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp là “khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) hoặc chi mua hàng hóa, dịch vụ của một nhà cung cấp từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị từ 20 triệu đồng trở lên khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt”.
Theo ý kiến của một số doanh nghiệp thì quy định này chưa phù hợp với một số trường hợp trên thực tế và có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ví dụ, đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng có nhiều chi nhánh, phòng giao dịch, việc di chuyển bằng xe taxi để phục vụ công việc hàng ngày của các đơn vị phát sinh thường xuyên, thông thường có giá trị rất nhỏ cho từng lần và thường được nhân viên ứng trước bằng tiền mặt. Ngân hàng rất khó để kiểm soát và đảm bảo trong ngày tổng giá trị đã được thanh toán bằng tiền mặt thông qua hình thức ứng trước cho nhân viên không vượt quá 20 triệu đồng.
Hoặc, đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nộp thuế thu nhập doanh nghiệp toàn ngành, việc mua hàng hóa, dịch vụ được triển khai đồng thời ở nhiều đơn vị phụ thuộc khác nhau trong toàn quốc. “Quy định tại Dự thảo chỉ phù hợp với doanh nghiệp kinh doanh một đầu mối” – các chuyên gia pháp luật nhận định khi nêu ý kiến với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – “Để đảm bảo phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo quy định một số ngoại lệ cho trường hợp thanh toán trên”.
Cần bổ sung trường hợp được đối trừ
Điểm 2.1 khoản 2 Điều 6 Dự thảo quy định: “Trường hợp doanh nghiệp có chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế”.
Trên thực tế, doanh nghiệp gặp tổn thất về tiền tạm ứng, hàng hóa được chuyển giao không được bên đối tác thanh toán vì các nguyên nhân khách quan như: Đối tác gặp các trường hợp bất khả kháng, bị phá sản… Xét bản chất thì các trường hợp này được xem là tình huống khách quan, không thể dự liệu được… tương tự như trường hợp bất khả kháng. Trên thực tế, việc hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh các khoản thiệt hại này chưa được xử lý thống nhất, gây vướng mắc cho người nộp thuế.
Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, cần bổ sung trường hợp doanh nghiệp được hạch toán chi phí được trừ đối với các khoản tổn thất hàng hóa, tiền với các trường hợp khách quan nêu ở trên.
Bên cạnh đó, đối với chi khấu hao tài sản cố định không sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, điểm 2.2.a khoản 2 Điều 6 Dự thảo quy định “tài sản cố định phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp như: nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh, cơ sở đào tạo, dạy nghề, thư viện, nhà trẻ, khu thể thao và các thiết bị, nội thất đủ điều kiện… được trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế”.
Các chuyên gia pháp luật cho rằng, quy định này là chưa rõ ở điểm: Khấu hao của các tài sản cố định đầu tư bằng nguồn quỹ phúc lợi phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp, chi phí phân bổ các tài sản là công cụ dụng cụ (không đủ tiêu chuẩn ghi nhận là tài sản cố định) phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế hay không?
Các băn khoăn tương tự cũng được VCCI bày tỏ trong văn bản góp ý gửi Bộ Tài chính, theo đó, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị bổ sung quy định theo hướng cho phép doanh nghiệp phân bổ chi phí mua tài sản vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ theo thời gian doanh nghiệp dự kiến sử dụng tài sản để thu hồi vốn, nhưng không quá thời gian trích khấu hao tối thiểu của loại tài sản tương ứng trong khung thời gian trích khấu hao tài sản cố định do Bộ Tài chính ban hành với những tài sản là công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển có thời gian sử dụng dài.