Điều 5 Dự thảo Luật Kiến trúc quy định về những hành vi bị nghiêm cấm đối với kiến trúc sư khi hành nghề, đối với chủ đầu tư dự án công trình xây dựng và đối với công chức, viên chức của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.
Theo các chuyên gia, trong số các hành vi bị nghiêm cấm này, có một số hành vi chưa hợp lý. Cụ thể, có những hành vi thực chất là quan hệ giữa các chủ thể trong giao dịch dân sự, đã được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự theo hướng tôn trọng quyền tự do thỏa thuận mà Nhà nước không cần/không nên can thiệp.
Ví dụ: “Tiết lộ thông tin về hồ sơ thiết kế cho bên thứ ba trong khi hành nghề trừ trường hợp khác được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác” (điểm c khoản 1), “Chuyển giao công việc mà đã nhận cho kiến trúc sư khác làm thay, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc trường hợp bất khả kháng” (điểm e khoản 1), “Không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng; có những yêu cầu chi trả kinh phí cho các chủ đầu tư ngoài giá trị hợp đồng” (điểm b khoản 2).
Bên cạnh đó, có những hành vi đã được điều chỉnh bởi các hệ thống pháp luật khác. Cụ thể, hành vi “Vi phạm các điều cấm trong Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Cạnh tranh trong khi hành nghề” (điểm d khoản 1) thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Cạnh tranh, hành vi “Cố ý cung cấp tài liệu, số liệu giả, sai sự thật, lập hồ sơ thiết kế kiến trúc và xây dựng kém chất lượng không phù hợp quy chuẩn, vi phạm bản quyền trái với các quy định của pháp luật liên quan” (điểm a khoản 2) thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng và Luật Sở hữu trí tuệ. Còn nội dung quy định “Những hành vi bị nghiêm cấm đối với công chức, viên chức của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng” (khoản 3) lại thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng, Luật Cán bộ công chức.
Trong khi đó, các chuyên gia từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại bày tỏ băn khoăn về quy định “Không được vừa thiết kế vừa thi công công trình trừ trường hợp có quy định khác của pháp luật liên quan” (điểm g khoản 1) dường như là chưa hợp lý, vì không nhận thấy nguy cơ đáng kể nào nếu kiến trúc sư trực tiếp thi công công trình và không rõ tại sao lại cấm hành vi này.
Những hành vi được dẫn trên chiếm đa số nội dung trong quy định về những hành vi bị nghiêm cấm, cũng là những hành vi đang bị nhiều ý kiến từ các chuyên gia, các kiến trúc sư và cộng đồng doanh nghiệp đề nghị bỏ ra khỏi Luật Kiến trúc nếu luật này được xem xét ban hành.