Có cần ban hành Luật Kiến trúc?

(PLO) - Dù các quy định về kiến trúc đã được ban hành trong các văn bản pháp luật và đang được thi hành, nhưng Bộ Xây dựng vẫn muốn đề xuất ban hành đạo luật riêng cho lĩnh vực này. Có thực sự cần thiết phải ban hành Luật Kiến trúc là băn khoăn của các chuyên gia, hiệp hội và doanh nghiệp. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Dự thảo, Luật này quy định quản lý nhà nước về kiến trúc, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân liên quan hoạt động kiến trúc (Điều 1. Phạm vi điều chỉnh)  với tính chất là “sản phẩm của một loại hình nghệ thuật, kết hợp với kỹ thuật, công nghệ để xây dựng các công trình đáp ứng yêu cầu sử dụng, bền vững, kinh tế và thẩm mỹ. Kiến trúc trong xã hội như một biểu hiện của văn hóa, thẩm mỹ và các giá trị xã hội cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai” (khoản 1 Điều 3).

Theo nhận định của các chuyên gia và hiệp hội doanh nghiệp được tổng hợp trong văn bản góp ý mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi tới Bộ Xây dựng, có thể thấy về mặt bản chất, kiến trúc là một sản phẩm xây dựng (công trình xây dựng).

“Mặc dù ở sản phẩm này yếu tố thẩm mỹ, nghệ thuật suy đoán được nhấn mạnh/chú trọng hơn, cần lưu ý rằng mọi công trình xây dựng đều có kiến trúc của nó (với tính chất là “cấu trúc kiến thiết của công trình”). Kiến trúc đó được đánh giá là đẹp hay không đẹp (từ góc độ thẩm mỹ), hợp lý hay không hợp lý (từ góc độ kinh tế), thuận lợi hay không thuận lợi (từ góc độ chức năng sử dụng) tùy tiêu chí đánh giá và chủ thể đánh giá. Tuy nhiên, điều này không làm thay đổi bản chất của công trình” – VCCI nhận định. 

Nói cách khác, yếu tố thẩm mỹ, nghệ thuật chỉ là yếu tố bên ngoài – một công trình kiến trúc không đẹp/thẩm mỹ không có nghĩa đó không phải công trình có kiến trúc, chỉ có điều kiến trúc đó không đẹp mà thôi. 

Về mặt pháp luật, hoạt động xây dựng các công trình hiện đang được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau (Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch...), với mục tiêu quản lý quan trọng nhất là đảm bảo công trình đó khi đưa vào sử dụng đảm bảo phù hợp với quy hoạch, an toàn cho người sử dụng. Theo các chuyên gia, thẩm mỹ không phải mục tiêu quản lý của Nhà nước, ngoại trừ yếu tố thẩm mỹ nằm trong khía cạnh quy hoạch đã được điều chỉnh trong quy hoạch.

Theo các văn bản đang có này, về quản lý Nhà nước, yếu tố về mặt kiến trúc đã được điều chỉnh tại các quy định quản lý việc xây dựng các công trình ở tất cả các giai đoạn như quy hoạch xây dựng, cấp phép quy hoạch xây dựng, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở… Về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan, cụ thể là việc hành nghề kiến trúc (tiêu chuẩn của người hành nghề, điều kiện cũng như thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề), thi tuyển phương án kiến trúc đều đã được quy định rất chi tiết, cụ thể tại các văn bản trong hệ thống pháp luật về xây dựng. Nói cách khác, các vấn đề về quản lý Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan đến kiến trúc dự kiến quy định trong Luật này đều là các vấn đề đã được quy định trong hệ thống văn bản pháp luật về xây dựng hiện hành.

Trong dự thảo Tờ trình cũng nêu một số vướng mắc, bất cập liên quan đến chất lượng của kiến trúc sư, hành nghề kiến trúc,… tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc khắc phục những bất cập này hoàn toàn có thể thực hiện được theo cách thông thường (rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật chưa phù hợp) thay vì xây dựng một đạo luật mới cho một nhóm vấn đề vốn không có đặc trưng riêng biệt, lại kéo theo một hệ thống nhiều văn bản hướng dẫn khác, rất tốn kém về thời gian và nhân lực trong khi lại tạo ra nguy cơ chồng chéo, mâu thuẫn.

“Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu rà soát thận trọng và đầy đủ hơn về sự cần thiết ban hành Luật này. Trường hợp không kết luận được về sự cần thiết, đề nghị Ban soạn thảo chủ động đề xuất với Chính phủ và Quốc hội dừng Dự án Luật này, thay thế bằng Dự án sửa đổi các quy định bất cập liên quan tới kiến trúc trong các văn bản pháp luật hiện hành” – VCCI đề nghị.

Đọc thêm