Bản lĩnh của cán bộ tư pháp - hộ tịch ở địa bàn “nóng”

(PLO) - Với số dân trên 7.000 người, khối lượng công việc tư pháp – hộ tịch tại xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên rất lớn. Thêm nữa, trên địa bàn được coi là “địa bàn nóng” suốt hơn 10 năm nay vì liên quan tới 160 ha đất bị thu hồi nằm trong dự án Khu đô thị sinh thái Ecopark, trách nhiệm này đặt lên vai ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1959), vị cán bộ tư pháp – hộ tịch duy nhất lại càng “nặng gánh” hơn...
Ông Tiến đang thực hiện thủ tục chứng thực
Duyên nợ với nghề tư pháp
Trải qua 4 năm công tác tại Quân khu Thủ đô, tháng 12/1982 ông  Nguyễn Văn Tiến xuất ngũ trở về quê hương. Sau khi đảm nhiệm cương vị của một công an viên trong nhiều năm liền, đến năm 1997 ông được đề bạt vị trí Phó Công an xã phụ trách công tác hộ tịch, hộ khẩu. Đây cũng chính là lúc ông “bén duyên” với nghiệp tư pháp sau này.
Ở độ tuổi U40, ông bắt đầu theo học Trung cấp Luật do Đại học Luật Hà Nội tổ chức. Năm 2003 ông chính thức tốt nghiệp và 2 năm sau, ông được bổ nhiệm chức danh cán bộ tư pháp – hộ tịch cấp xã. Để đáp ứng nhu cầu công việc, ông đã tự mày mò học cách sử dụng máy tính phục vụ việc soạn thảo văn bản, lưu hồ sơ và tìm hiểu về những điều luật mới. 
Ông Tiến chia sẻ: “Ban đầu, cái “món” công nghệ này khiến tôi “nhức óc” vô cùng. Nhưng chỉ sau vài tháng, tôi đã xử lý công việc trên máy tính một cách thành thạo, trơn tru. Thế mới nói, không có việc gì khó cả, chỉ sợ lòng không bền mà thôi”.
Cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với vị cán bộ tư pháp này, ông Tiến có dáng vẻ hiền lành, khuôn mặt phúc hậu nên đã chiếm được cảm tình của hầu hết người dân trong xã. Khi được hỏi vì sao ông lại có “bí quyết” dễ gây được cảm tình cho người dân, ông cười bật mí: “để được dân yêu, dân quý như vậy là cả một nghệ thuật! Đã là cán bộ tư pháp, tư cách đạo đức phải tốt, chuyên môn phải vững vàng thì mới là người hòa giải, là người tư vấn, trợ giúp pháp lý cho bà con thấu hiểu được”.
Đến nay, ông Tiến đã có hơn 17 năm gắn bó với ngành Tư pháp. Nhớ lại những năm 1990, lương của một vị Phó Công an xã phụ trách công tác hộ khẩu không đủ đong vài ống gạo, nhưng chưa bao giờ ông Tiến có ý định bỏ nghề và cho phép mình chểnh mảng với công việc. 
Xác định được vai trò của công tác chứng thực, khai sinh, khai tử, kết hôn… là vô cùng quan trọng bởi gắn liền với quá trình sinh ra, trưởng thành, kết hôn.... của một con người nên ông Tiến luôn tâm niệm phải hết sức thận trọng, làm đúng quy định của pháp luật. Trong suốt thời gian ông làm cán bộ tư pháp - hộ tịch, chưa bao giờ ông để xảy ra sự cố gì...
Ngày nào cũng vậy, ông thường xuất hiện sớm nhất tại trụ sở UBND xã để tiếp dân, ông yêu công việc này đến mức quên cả thời gian để hoàn thành công việc. Người làng vẫn thường đùa ông là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nhưng ông chỉ cười xòa cho qua bởi gia đình - hậu phương vững chắc nhất luôn động viên để ông yên tâm công tác. 
Những kỷ niệm khó phai….
Kỷ niệm mà ông nhớ mãi là chuyện về một cô giáo trong xã đã có hai con gái nhưng vẫn mong muốn có cậu ấm nối dõi tông đường nên đã quyết tâm sinh con thứ ba. Tuy nhiên, khi đạt được ước nguyện này cũng là lúc cô sắp bị kỷ luật công chức vì sinh con thứ ba. Một ngày hè nắng chang chang, cô mang một giỏ quà lớn tới gõ cửa tìm ông Tiến, nhờ thực hiện thủ tục chuyển đứa con gái ruột thứ 2 thành con nuôi để “thoát án” kỷ luật. 
Nghe chuyện, không chỉ riêng ông mà mọi thành viên trong gia đình ông đều cảm thương cho người phụ nữ ấy. Tuy nhiên, ông đã khước từ và đạp xe đuổi theo cả đoạn đường dài để trả lại giỏ quà. Sau sự việc ấy, ông đã thức trắng mấy đêm để suy ngẫm. Ông nghĩ nhiều về những việc mọi người đến gõ cửa nhờ ông. 
Mọi người nói, chỉ cần ông xác nhận cho mấy chữ, hoặc đóng mấy cái dấu đơn giản là ông đã có thể hoàn thành tâm nguyện của nhiều người. Tuy nhiên, đến nay ông vẫn vững vàng quan điểm: là cán bộ tư pháp thì “tim có nóng, đầu vẫn phải lạnh”, tuyệt đối không để tình cảm lấn át quy định pháp luật!
Cửu Cao là xã giáp ranh với Thủ đô nhưng trình độ dân trí chưa cao. Rất nhiều tình huống pháp lý “dở khóc, dở cười” đã xảy ra. Đơn cử là việc một bà mẹ nằng nặc xin được đổi tên cho cậu ấm sau khi nghe thầy bói “phán” rằng cái tên đó “phạm húy”. Hòng qua mắt cán bộ tư pháp, bà này đã đưa ra bằng chứng khá thuyết phục với một biên bản họp họ có đầy đủ chữ ký, xác nhận của vị trưởng họ. 
Tuy nhiên, bằng con mắt nghề nghiệp tinh tường và kiểm chứng bằng nhiều nguồn tin, ông Tiến đã chứng minh biên bản đó là giả. Sau khi cảnh cáo, ông đã thuyết phục, khuyên bà tránh xa hủ tục, mê tín dị đoan. Cuối cùng, bà vui vẻ đồng ý giữ nguyên tên ban đầu cho cậu quý tử vì thấy rằng việc đổi tên là không cần thiết. 
Trong suốt gần 20 năm gắn bó với nghề, phương châm làm việc được ông khắc ghi là “Lấy mức độ hài lòng của người dân làm thước đo thành công của bản thân”. Với phương châm ấy, cho đến nay không có ai khiếu nại hay có ý kiến gì về công tác tư pháp của địa phương. Không chỉ vậy, ông Tiến còn có biệt danh là ông “hòa giải”, bởi ông còn là người hàn gắn hạnh phúc gia đình cho rất nhiều cặp vợ chồng trong xã khi có sự cố, trục trặc trong gia đình...
Trong thời gian qua, xã Cửu Cao là một trong ba xã có đất thu hồi phục vụ dự án Khu đô thị sinh thái Ecopark do Cty CP đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng làm chủ đầu tư. Với 160ha đất bị thu hồi, 2/3 số dân ứng với 1.185 hộ đã phản đối chủ trương xây dựng này, nhiều lần kéo đến trụ sở UBND xã để đòi quyền lợi. 
Lúc này, cán bộ tư pháp phải sát cánh cùng lãnh đạo chính quyền hơn bao giờ hết trong công tác hòa giải, tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến bà con. Nhờ cách làm kiên quyết nhưng vô cùng mềm mỏng, khéo léo của chính quyền, hầu hết bà con nơi đây đã thay đổi quan niệm, đồng ý với chủ trương của Nhà nước, của chính quyền, không gây khó dễ cho chủ đầu tư. 
Tuy nhiên, đến nay còn 31 hộ dân chưa bằng lòng với phương án đền bù. Đây cũng chính là điều mà ông Tiến luôn trăn trở và cho rằng bản thân chưa làm tròn bổn phận của một cán bộ tuyên truyền pháp luật. Dù đã gần đến tuổi nghỉ hưu nhưng ông Tiến quyết tâm rằng thời gian tới, bằng mọi cách ông sẽ thuyết phục để 31 hộ dân đó hiểu và dần thay đổi nhận thức, chấp hành chủ trương, quy định của pháp luật.
Theo thống kê của UBND xã Cửu Cao, trong 17 năm, đã có 1.212 trường hợp được khai sinh, 441 trường hợp được khai tử, 892 cặp đôi được nhận giấy chứng nhận kết hôn. Riêng năm 2014, ông Tiến đã chứng thực 3.824 bản sao từ bản chính, chứng thực 323 chữ ký, cấp 1.000 bản sao từ sổ gốc... Do tận tâm với nghề, nhiều năm liền ông được UBND tỉnh Hưng Yên, Sở Tư pháp Hưng Yên trao tặng Giấy khen, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” và nhiều hình thức khen thưởng khác.

Đọc thêm