Già làng Nay Tơr tận tâm với công tác phổ biến pháp luật

(PLO) - “Công lao đóng góp của già làng Nay Tơr nhiều lắm, nhất là trong công tác hòa giải và tuyên truyền phổ biến pháp luật.  Ông được bà con rất kính trọng bầu chọn là già làng tiêu biểu của các già làng ở huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai”- ông Trịnh Minh Thiên, cán bộ tư pháp thị trấn Nhơn Hòa hồ hởi nói về già làng Nay Tơr. 
Già làng Nay Tơr và con gái ở tỉnh Gia Lai
Già làng Nay Tơr và con gái ở tỉnh Gia Lai
Phổ biến pháp luật để xóa dần hủ tục
Vốn có đức tính chăm chỉ lại được đào tạo căn bản từ Trường Trung học Cường Để, Quy Nhơn (Bình Định) nên ông Nay Tơr có rất nhiều kiến thức, kỹ năng sống. Nhờ thế mà từ khi được bắt về làm chồng theo phong tục của người Jrai ở Plei (làng) Kia, ông nhanh chóng trở thành chàng rể tốt và trụ cột của gia đình, của làng xã. 
Sau nhiều khóa làm Phó Chủ tịch UBND, giữ các chức danh chủ chốt của xã (bây giờ là thị trấn) Nhơn Hòa, ông nghỉ chế độ hưu trí. “Tuy vậy, ngoài việc làm giàu cho gia đình, giúp đỡ bà con xóa đói giảm nghèo, ông Nay Tơr còn rất tích cực tham gia các hoạt động thi đua yêu nước, nhất là việc vận động bà con đóng góp công của xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, thực hiện theo hương ước, quy ước và pháp luật, bảo vệ an ninh trật tự...”- ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch UBND thị trấn Nhơn Hòa phấn khởi cho biết. 
Mỗi năm gia đình ông với 7 nhân khẩu thu về hơn 500 triệu đồng từ việc gieo trồng 6 sào (1.000 trụ) hồ tiêu, 5 sào cà phê, 8 sào lúa nước 2 vụ, hơn 1ha nương rẫy, 12 con bò cái, 5 con heo nái… Nhờ các nguồn thu từ việc sản xuất, chăn nuôi mà gia đình ông luôn có công ăn việc làm ổn định, có điều kiện kinh tế cho các con ăn học đến nơi đến chốn, có kinh phí xây dựng ngôi nhà mới khang trang trị giá gần 1 tỷ đồng và giúp đỡ bà con nghèo khó. 
Ngoài việc giúp đỡ bà con ở thị trấn Nhơn Hòa và các xã lân cận, ông còn tận tình giúp đỡ nhiều gia đình nghèo khó ở nơi ông sinh ra và lớn lên là buôn Ama H’ra, xã Chư Gu, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Bởi vậy, mỗi lần có dịp về thăm buôn Ama H’ra, ông lại được bà con chào đón rất thân mật, kính trọng như một già làng đi xa lâu ngày trở về nhà.
Có tri thức, có của ăn của để, ông dành nhiều thời gian phối hợp với các cấp, các ban ngành tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Được sự nhất trí của cấp có thẩm quyền, ông đã biên soạn, biên dịch nhiều điều Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Giao thông đường bộ, Luật đất đai... bằng 2 thứ tiếng Việt - Jrai để tuyên truyền miệng và đọc trực tiếp trên Đài Truyền thanh thị trấn Nhơn Hòa. 
Nhờ cách làm này mà bà con địa phương thêm hiểu biết kiến thức pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xóa dần những hủ tục trong các buôn (làng), tránh sự lợi dụng của kẻ xấu...
Già làng của các già làng
Không chỉ giúp đỡ những người ở các buôn, làng, năm 2004 bất chấp những lời đe dọa của kẻ xấu, ông đã hăng hái đi cùng đoàn công tác của tỉnh Giai Lai sang tận những lán trại ở nước bạn Campuchia tuyên truyền pháp luật, vận động bà con trở về quê nhà làm ăn, xây dựng gia đình, làng xã giàu mạnh. 
Tại nước bạn Campuchia, trước mặt mọi người, trong đó có đại diện của Tổ chức Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), ông đã cật lực tố cáo những hành vi lừa phỉnh đồng bào của kẻ xấu và hứa sẽ bảo lãnh, giúp đỡ chu đáo cho bà con mắc lỗi lầm trở về sum họp với dân làng, làm ăn lương thiện. 
Tin tưởng và cảm kích trước sự giúp đỡ chân tình của ông, hàng trăm người Jrai trót lầm lỡ theo cái gọi là “Tin lành Đê-Ga” đã tự nguyện trở về các thôn, làng đoàn tụ với gia đình, với dân làng.
Mới đây, ông đã chủ trì cuộc họp Hội đồng của những già làng để hòa giải việc vợ chồng Siu H’Chom-Kpă Klek ở làng Thơ Ga, xã Chư Dôn (Chư Pưh) dùng điện thoại liên lạc với các đối tượng ở trong và ngoài nước dẫn dụ người Jrai vượt biên trái phép sang Thái Lan, rồi đi Mỹ. Vợ chồng Siu H’Chom-Kpă Klek đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử lưu động và tuyên phạt 11 năm tù về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” theo quy định tại Điều 275 Bộ luật Hình sự. 
Thế nhưng, gia đình người bị hại ở các nơi vẫn kéo về nhà riêng của vợ chồng Siu H’Chom-Kpă Klek phạt vạ theo phong tục. Trước hình hình này, ông đã tổ chức họp Hội đồng già làng của các làng có người bị hại ở các xã lân cận và buôn Sâm, xã Ea H’leo, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk để bàn thấu đáo, dưới sự chứng kiến của chính quyền các địa phương và sự đồng lòng của mọi người. 
Năm nay đã bước sang tuổi 69 nhưng mỗi khi bà con có việc cần giải quyết, nhất là những tranh chấp, vướng mắc, ông lại không quản ngại nắng mưa, sớm khuya đi tìm hiểu sự việc và phối hợp với cán bộ các cơ quan khuyên bảo bà con những điều hay lẽ phải để cùng nhau giải quyết thấu tình, đạt lý, tránh để sơ hở cho kẻ xấu lợi dụng. 
Tận thấy ông nói đúng, làm nhiều việc có ích cho dân làng, bà con các buôn làng luôn tín nhiệm bầu chọn ông là Già làng của các già làng. Nhiều năm liền, các cấp chính quyền, các ban ngành của tỉnh, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã bầu chọn ông là Già làng tiêu biểu và trao tặng ông rất nhiều Giấy khen, Bằng khen. 
“Nhưng phần thưởng mà mình thích nhất là bà con tin cậy, nghe lời mình để đoàn kết làm ăn, cho con cháu đi học, không vượt biên trái phép…”- ông cười bộc bạch. 

Đọc thêm