Người góp phần đem lại công bằng cho xã hội

(PLO) - Gặp bác Nguyễn Thanh Tuyền - nguyên giám định viên Trung tâm Pháp y TP.HCM, không ai nghĩ bác đã 78 tuổi. Vóc dáng khỏe mạnh, nhanh nhẹn, gương mặt phúc hậu, bác được xem là “bàn tay vàng” của ngành Giám định Pháp y TP.HCM.
Những kỷ niệm khó quên
Hơn 30 năm trước, trong số hơn 200 sinh viên Trường Đại học Y khoa Hà Nội, chỉ có mỗi mình “sinh viên Nguyễn Thanh Tuyền” được phân về Khoa Giải phẫu bệnh lý, còn lại đều được đi các chuyên khoa như Khoa Sản, Khoa Ngoại, Khoa Nhi. Năm 1975 bác Tuyền vào Nam và làm công tác pháp y bắt đầu từ đây. Trước hết là ở Bệnh viện Bình Dân, sau đó về Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. 
Năm 1987 Bệnh viện Bình Dân thành lập Tổ Pháp y đầu tiên theo Quyết định của Sở Y tế (lúc bấy giờ chỉ có mình bác là Tổ trưởng mà không có tổ viên). Năm 1987 bác Tuyền về Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vừa phụ trách y vụ vừa phụ trách pháp y của thành phố. Năm 1990 thành lập Tổ chức Giám định pháp y, bác giữ vai trò là Giám định viên Trưởng. Cho tới năm 2007, thành phố mới thành lập Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế như bây giờ. 
Hỏi vì sao bác chọn ngành này, bác cười hiền lành: “Đâu có, là tôi bị phân về khoa này đó chứ. Nhưng làm một thời gian rồi, tôi lại tìm thấy niềm vui. Đó là khi tìm được những kết quả cho những vụ án bằng kiến thức của mình, đem lại công bằng cho xã hội”.
Hỏi có kỷ niệm nào đáng nhớ trong cuộc đời làm bác sĩ pháp y không, bác kể: “Về khám người sống, đáng nhớ nhất là một vụ hiếp dâm ở TP.HCM. Trong đó, nạn nhân là một cháu bé khoảng 9 tuổi. Sau khi gia đình tố người ở trọ hiếp dâm đứa con gái nhỏ, họ đưa đến tổ chức giám định pháp y cho chúng tôi. Sau khi khám xong, tôi kết luận rằng cháu bé không hề bị xâm hại, không có tổn thương ở vùng kín và tôi ký kết quả trả lời thì gia đình lại không đồng ý. Họ đưa cháu bé đến một tiến sĩ kế hoạch hóa gia đình khám lại. Vị này cho rằng cháu bé đã bị xâm hại, nghĩa là đã rách màng trinh. 
Từ đó dẫn đến một mâu thuẫn lớn giữa tôi và chính quyền địa phương, đến mức họ viết thông báo dày 22 trang gửi đến các phường, nói tôi là bác sĩ vô nhân đạo, không có đạo đức làm thầy. Vụ việc gây xôn xao dư luận cả thành phố, từ Hội Phụ nữ rồi Mặt trận Tổ quốc cũng vào cuộc. Thời điểm đó, có vị chức trách còn hùng hồn tuyên bố “phải làm cho rõ vụ này, nếu không sẽ “cởi áo” về trả Đảng”. 
Thời gian đó quả là khó khăn đối với tôi, một mặt vì đi tới đâu người ta cũng hỏi, mặt khác vì gia đình tôi từ lâu đã không muốn tôi làm nghề này vì nếu tôi sai sẽ rất nguy hiểm. Tôi gặp khá nhiều phiền phức. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi không sai và nếu có sai đi nữa thì cũng không sai vì tiền bạc mà chỉ sai sót về kiến thức. Suy nghĩ này giúp tôi vững tâm công tác. 
Để giải quyết vấn đề trên, Sở Y tế đã thành lập Hội đồng khoa học bao gồm các thành viên toàn bộ là người của Trung ương để giám định lại. Sau khi khám lại, kết quả giám định lại cho thấy tôi đã đúng. Cuối cùng, mới biết nguyên nhân sâu xa là bà chủ nhà muốn đuổi người ở trọ đi nên mới bày ra chuyện tố oan. 
Vụ thứ hai là vụ án Cây mít ở Thủ Đức. Khi người ta phát hiện nạn nhân là một phụ nữ chết dưới nước, vụ án được pháp y của một đơn vị khác xác định là bà này chết do trái mít đập trúng vào cổ rồi bị đẩy xuống ao chết. Sau khi nghiên cứu hồ sơ và qua thực nghiệm tại hiện trường, tôi cho rằng bà ta chết do tai nạn sinh hoạt. Đó là vì kiểm tra trên thân cây, thấy có một nhánh cây bị gãy, do lúc leo lên cây, tay ôm trái mít, tay vịn cành leo xuống, chẳng may bà té xuống ao bất tỉnh, khi tỉnh dậy hít phải bùn ở đáy mương nên chết. 
Khi tôi đưa ra kết luận này, ai cũng phản đối. Thậm chí, nhiều tờ báo lớn lúc bấy giờ còn cho rằng tôi đã… nhận vàng của hung thủ. Để tìm ra đáp án, đã có 3 đơn vị pháp y vào cuộc, trong đó có tôi và Tổ chức Giám định pháp y của Trung ương và địa phương. Tuy mỗi người có một lập luận khác nhau nhưng rốt cục, kết luận của tôi là đúng. Lúc đó, có nhà báo hỏi tôi rằng, họ viết vậy sao tôi không phản ứng? Tôi chỉ trả lời, nếu tôi sai, pháp luật sẽ xử lý”.
Vui vì còn được cống hiến
“Làm nghề này không phải bênh vực cho một ai hết mà là bênh vực cho lẽ phải - bác Tuyền chia sẻ: Ví dụ bị một vết sẹo cần phải giám định để biết tỷ lệ thương tật là bao nhiêu để định tội cho đúng. Hay như các trường hợp tai nạn giao thông, đâu phải lúc nào lỗi cũng do tài xế. Có khi nạn nhân bị một bệnh gì đó và ngã vào xe người ta. Nhờ giám định, cơ quan chức năng có thể xác định lỗi thuộc về bên nào. Cho nên, đây là một nghề rất khoa học, vừa giúp ích cho xã hội, vừa đem lại công bằng cho mọi người”.
Kể về những buồn, vui của đời mình, bác thẳng thắn nhìn nhận trong suốt quá trình công tác cũng khó tránh được sai sót, nhưng điều quan trọng là “mình không làm trái lương tâm”.
Với khoảng thời gian phục vụ ngành Y suốt hơn 40 năm, đặc biệt là công tác pháp y, bác từng được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, UBND TP.HCM vì có nhiều đóng góp cho công tác pháp y của thành phố, của ngành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, bác còn vinh dự được đón nhận danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú.
Bác Tuyền chính thức nghỉ việc từ đầu năm 2015, ở tuổi 78. Lẽ ra ở tuổi đời “thất thập cổ lai hy”, bác đã có thể an nhàn bên gia đình, con cháu nhưng bác vẫn nhớ nghề. Thi thoảng, Trung tâm có vụ án nào hóc búa lại mời bác lên cộng tác. Không nề hà việc khó, đi lại vất vả, bác quan niệm “khi còn cống hiến được gì, mình vẫn cố gắng và đó là niềm vui”.

Đọc thêm