Đôi bên nói quyền bốc thăm là của mình
Mới đây, bà Xuyến đã mua lại căn nhà của bà Hương với giá gần 1 tỉ đồng nằm chếch về phía Nam Sài Gòn, thuộc địa phận tỉnh Long An. Đến giữa cuối tháng 3/2019, bà Xuyến biết được thông tin, căn nhà mình mua lại của bà Hương nằm trong diện được rút thăm trúng thưởng của chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, khi bán nhà lại cho bà, bà Hương đã “ém” thông tin, không cho bà biết.
Tra hỏi, bà Xuyến được biết, nhà đất của bà có diện tích 27m2, xây một trệt một lầu, nằm trong một tiểu dự án quy mô khiêm tốn, chỉ có 20 căn. Các sản phẩm được mở bán tại TP HCM từ tháng 7/2018, khởi công xây dựng với tiến độ nhanh và ra sổ trước Tết Kỷ Hợi. Lúc đó, bà Hương mua của chủ đầu tư là 780 triệu đồng. Trong hợp đồng mua nhà mà bà Hương ký với chủ đầu tư có điều khoản cam kết khách hàng sẽ được tham gia rút thăm trúng thưởng xe SH 125I, Air Blade… Ước tính tổng giá trị giải thưởng lên đến hàng trăm triệu đồng.
Do nhà đã có giấy tờ, việc mua bán giữa bà Xuyến và bà Hương chỉ thực hiện ở đơn vị công chứng sang tên mà không liên hệ với chủ đầu tư nên bà Xuyến không hề hay biết có việc rút thăm. Khi thời hạn tổ chức rút thăm trúng thưởng đến gần, bà Xuyến đã tranh chấp với bà Hương.
Phần mình, bà Hương tuyên bố mình đủ tư cách tham dự rút thăm trúng thưởng vì được chủ đầu tư công nhận quyền này. Tuy nhiên, sau đó, bà Hương đề nghị nếu trúng thưởng, phần quà nên chia đôi mỗi bên một nửa.
Trong khi đó, bà Xuyến tuyên bố hiện là chủ nhân của căn nhà, đứng tên sổ hồng, nên bà mới là người có quyền rút thăm trúng thưởng hợp pháp. Toàn bộ giá trị phần rút thăm trúng thưởng (nếu trúng giải) phải thuộc về người chủ thật sự của căn nhà.
Phía chủ đầu tư chỉ biết khuyến nghị đôi bên tự thỏa thuận với nhau.
Chưa rõ quyền bốc thăm trúng thưởng thuộc về ai
Vậy vấn đề về quyền bốc thăm trúng thưởng này được giải quyết như thế nào dưới góc nhìn của các luật sư?
Luật sư Hà Ngọc Tuyền, Văn phòng Luật sư Hà Tuyền - Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, phiếu bốc thăm trúng thưởng là một hợp đồng dân sự giữa chủ đầu tư với khách hàng. Chủ đầu tư đưa ra chương trình khuyến mãi, khách hàng nào mua nền từ dự án sẽ được một phiếu bốc thăm trúng thưởng. Đây là lời đề nghị giao kết hợp đồng. Hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, cụ thể là từ thời điểm bên mua chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng bằng hành vi mua/ nhận chuyển nhượng một nền đất do chủ đầu tư khởi bán. Như vậy, phiếu bốc thăm trúng thưởng là một quyền tham gia dự thi có thưởng do chủ đầu tư tổ chức, được quy định trong Điều 97 Luật Thương mại 2005 và Điều 12 Nghị định 81/2018.
Với hợp đồng này, quyền dự thi có giải thể hiện bằng phiếu bốc thăm trúng thưởng là một hợp đồng độc lập với hợp đồng chuyển nhượng nền nhà, không gắn liền. Hợp đồng chuyển nhượng nhà chỉ là điều kiện để xác định thời điểm hợp đồng giao quyền dự thi có thưởng và quyền này đã thuộc về bên mua (bà Hương). Do hợp đồng này đã có hiệu lực nên làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên giao kết là bà Hương và chủ đầu tư. Bà Hương có quyền dự thi và chủ đầu tư có nghĩa vụ tổ chức dự thi, trao giải thưởng nếu trúng giải.
Về phần bà Xuyến, khi nhận chuyển nhượng lại nền nhà từ bà Hương, đây là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Hương và bà Xuyến, chỉ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa hai bà. Hợp đồng này độc lập với hợp đồng dự thi có thưởng mà khi hai bà ký kết hợp đồng không có thỏa thuận chuyển nhượng quyền dự thi. Do vậy, quyền này vẫn thuộc về bà Hương. Không có ràng buộc nào giữa bà Xuyến với chủ đầu tư. Bà Xuyến không mua nhà trực tiếp từ chủ đầu tư nên không phải người được hưởng quyền theo chương trình khuyến mại cam kết. Do vậy bà Hương vẫn có quyền bốc thăm trúng thưởng và bà Xuyến không đòi được quyền này.
Quan điểm này cũng được nhiều người ủng hộ vì cho rằng tranh chấp này nên được giải quyết căn cứ vào hợp đồng mua bán nhà các bên đã cam kết với nhau. Theo đó, các bên mua – bán có thỏa thuận gì trong hợp đồng thì tuân thủ các điều khoản đã đặt bút ký. Quyền bốc thăm trúng thưởng là một thoả thuận có điều kiện khi mua bán nhà. Nếu chủ đầu tư thoả thuận với bà Hương được quyền bốc thăm trúng thưởng thì khách hàng F1 là người có quyền hợp pháp tham dự rút thăm may mắn. Khi bà Xuyến mua lại căn nhà từ bà Hương, quyền rút thăm trúng thưởng có được chuyển giao lại cho khách cuối cùng hay không, phụ thuộc vào thỏa thuận mua bán riêng của hai nữ khách hàng này.
Trong khi đó, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, căn cứ vào tính trung thực trong pháp luật dân sự thì người bán trước cần phải trung thực với người mua sau. Do vậy, khi bà Hương bán nhà cho người sau thì phải chuyển giao tất cả quyền và nghĩa vụ cho người mua sau, bao gồm cả phiếu bốc thăm trúng thưởng.
Luật sư Từ Tiến Đạt, Đoàn Luật sư TP HCM cũng đồng tình quan điểm này và cho hay, trong hợp đồng có dấu hiệu của sự che đậy thông tin, lừa dối khách hàng. Không thể nói quyền bốc thăm trúng thưởng và quyền mua bán nhà là không có quan hệ với nhau. Vì mua nhà nên khách hàng mới có phần bốc thăm trúng thưởng của chủ đầu tư chứ không phải nó từ trên trời rơi xuống. Lý ra, khi thỏa thuận mua bán, chủ nhà phải cung cấp toàn bộ thông tin cho người mua và cùng nhau thỏa thuận các nội dung liên quan. Nếu người mua sau cuối thống nhất giao lại phần bốc thăm trúng thưởng cho chủ nhà thì chủ nhà được hưởng. Nhưng qua diễn biến vụ việc, rõ ràng, chủ nhà F2 đã không được cung cấp thông tin đầy đủ và thực tế họ có yêu cầu được hưởng quyền lợi này. Do vậy, người được quyền bốc thăm trúng thưởng phải là người mua nhà cuối cùng. Nếu không thống nhất được với nhau, người mua nhà cuối cùng có thể khởi kiện để đòi quyền lợi.
Vụ việc tưởng chừng đơn giản nhưng hóa ra lại có nhiều quan điểm. PLVN mong được tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia pháp luật để giải quyết một cách đúng qui định nhất.