Cùng Đoàn Giám sát còn có Ông Lê Minh Đức- Phó Ban pháp chế HĐND thành phố, cùng các thành viên trong đoàn là Đại diện các sở, ngành của thành phố: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Sở Tư pháp. Về phía Cục THADS thành phố có: Cục trưởng Vũ Quốc Doanh, các Phó Cục trưởng, Lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục.
Theo đó, Cục THADS TP.HCM cho biết kết quả THADS từ ngày 1.10.2019 đến ngày 30.9.2020, về việc, tổng số phải thi hành là 101.102 việc (trong đó: số có điều kiện thi hành là 72.017 việc, chiếm 71,23% trong tổng số phải thi hành án; số chưa có điều kiện là 29.085 việc, chiếm 28,77% trong tổng số phải thi hành án). Trong số có điều kiện thi hành, số thi hành xong là 58.562 việc, giảm 5.913 việc (tăng 5,24%) so với năm2019; đạt tỷ lệ 81,32% (tăng 5,59%) so với năm 2019. Vượt 1,32% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao là 80%/năm.
Tổng số việc chưa có điều kiện thi hành án chuyển sang sổ theo dõi riêng là 3.469 việc. Số việc chuyển kỳ sau 42.540 việc, giảm 4.515 việc (giảm 9,6 %) so với năm 2019.
Về tiền, tổng số phải thi hành là 106.969 tỷ 997 triệu 843 nghìn đồng (trong đó: số có điều kiện thi hành là 55.895 tỷ 177 triệu 524 nghìn đồng, chiếm 52,25% trong tổng số phải thi hành án; số chưa có điều kiện là 51.074 tỷ 820 triệu 320 nghìn đồng, chiếm 47,75% trong tổng số phải thi hành án).
Trong số có điều kiện thi hành, số thi hành xong là 23.819 tỷ 717 triệu 218 nghìn đồng, giảm 1.732 tỷ 930 triệu 9 nghìn đồng (tăng 5,77%) so với năm 2019; đạt tỷ lệ 42,61% (tăng 7,51 %) so với năm 2019, vượt 4,61% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao là 38%/năm.
Tổng số tiền chưa có điều kiện thi hành án chuyển sang sổ theo dõi riêng là 107 tỷ 464 triệu 188 nghìn đồng.
Số tiền chuyển kỳ sau 83.150 tỷ 280 triệu 625 nghìn đồng, tăng 4.683 tỷ 884 triệu 82 nghìn đồng (tăng 5,97 %) so với năm 2019.
Các đại án phải thu về tiền đặc biệt lớn
Thời gian gần đây, Cục Thi hành án dân sự thành phố thụ lý các vụ đại án hình sự kinh tế, tham nhũng có giá trị phải thu đặc biệt lớn, tài sản phải thi hành án ở nhiều địa phương khác nhau. Theo quy định thì phải thực hiện ủy thác cho cơ quan thi hành án nơi đương sự có tài sản, điều kiện thi hành án; trong khi thực tế yêu cầu phải xử lý xong tài sản của đương sự tại thành phố Hồ Chí Minh xong mới xác định được các khoản nghĩa vụ còn lại để thực hiện ủy thác. Điều này, một mặt đã tạo ra khó khăn cho các Chấp hành viên trong quá trình xác minh, áp dụng biện pháp bảo đảm, một mặt làm kéo dài thời gian tổ chức thi hành án do phải xử lý xong tài sản tại Thành phố Hồ Chí Minh rồi mới thực hiện việc ủy thác đi địa phương khác.
Để đảm bảo thủ tục thi hành án, việc tống đạt cho đương sự là các bị cáo đang chấp hành hình phạt tại trại giam Bộ Công an đòi hỏi chấp hành viên phải đi lại nhiều lần mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu chung. Trong một số trường hợp, đương sự đang chấp hành hình phạt trong một vụ án nhưng là bị cáo trong một vụ án khác, thì việc tiếp xúc thực hiện tống đạt rất khó khăn do phải theo đúng trình tự thủ tục quy định của Bộ công an.
Từ năm 2019, Tổng cục THADS không cấp kinh phí thực hiện tống đạt văn bản qua Thừa phát lại. Trong khi đó, khối lượng việc thi hành án tiếp tục tăng, đòi hỏi Chấp hành viên, Thư ký Thi hành án phải trực tiếp thực hiện tống đạt cho đương sự, điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chỉ tiêu được giao.
Một số vụ việc đại án phải xét xử nhiều giai đoạn có liên quan với nhau như (vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn,...), khi Tòa án xét xử xong thì mới chuyển giao toàn bộ bản chính giấy tờ nhà đất, do đó đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án, thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Rà soát, tập trung xử lý dứt điểm các vụ khiếu nại phức tạp
Theo Cục THADS TP.HCM, quá trình công tác dù có nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, Cục THADS TP.HCM đã đề ra các giải pháp khắc phục.
Cụ thể, theo ông Vũ Quốc Doanh (Cục trưởng Cục THADS TP.HCM), cần tăng cường chỉ đạo các Chi cục, chấp hành viên tập trung nguồn lực, nhân lực xử lý các vụ việc thi hành án có tài sản, giá trị phải thi hành lớn; tập trung xử lý tài sản đảm bảo trong các vụ việc tín dụng, ngân hàng, khẩn trương giao tài sản cho người mua trúng đấu giá; tập trung xử lý thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án hình sự kinh tế, tham nhũng.
Rà soát, tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài. Tăng cường tổ chức đối thoại, tiếp công dân, giải quyết dứt điểm tại cơ sở, không để khiếu nại, tố cáo vượt cấp, không để phát sinh thêm các điểm nóng trong THADS.
Thực hiện đúng quy trình tổ chức thi hành án, công khai, minh bạch thủ tục hành chính THADS, hạn chế thấp nhất các sai sót. Chỉ đạo các đơn vị chú trọng công tác xác minh, phân loại án, đảm bảo chính xác về số liệu và thực tế hồ sơ thi hành án; chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động giải quyết án có trọng tâm, trọng điểm theo từng đơn vị hoặc theo tính chất loại vụ việc thi hành án; tập trung chỉ đạo các vụ việc phức tạp, kéo dài.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong toàn Hệ thống, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thường xuyên bám sát địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách theo phương châm “hướng về cơ sở”. Trưởng phòng chuyên môn, Chi cục trưởng Chi cục THADS phát huy vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng trong việc kiểm soát và đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các đơn vị; kiên quyết xử lý nghiêm những Chấp hành viên để hồ sơ tồn đọng nhiều mà không có lý do, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực hay suy thoái về đạo đức, lối sống.
Tập trung quyết liệt thi hành án đối với các vụ việc tham nhũng - kinh tế, nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng.
Tập trung và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi án hành chính, bảo đảm theo dõi 100% bản án, quyết định của Tòa án có nội dung theo dõi do Tòa án nhân dân chuyển giao; nắm chắc nguyên nhân chưa thi hành xong của các bản án, quyết định; kịp thời có văn bản báo cáo, kiến nghị người có thẩm quyền có giải pháp để thi hành dứt điểm vụ việc hoặc xử lý trách nhiệm người phải thi hành án chậm thi hành án hành chính theo quy định tại Nghị định số 71/2016/NĐ-CP.
Tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình lựa chọn thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án, đảm bảo khách quan, công khai minh bạch.