Thời gian gần đây, tâm điểm của cả nước đang hướng tới đội tuyển Việt Nam. Đã khá lâu kể từ lần gần đây nhất Việt Nam tham gia AFF Cup, đặc biệt lần này khi mà đội tuyển Việt Nam đang bước những bước gần hơn với chiếc cúp.
Lợi dụng lúc này, phe vé chợ đen hoạt động nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nhiều người dân khi không mua được vé đã phải chấp nhận mua vé chợ đen với mức giá cao gấp 3-4 lần, thậm chí cả chục lần so với giá gốc. Thậm chí, có người chào bán cặp vé cho trận chung kết lượt về diễn ra ngày 15/12/2018 với mức 6.000.000 đồng/ vé, một cặp vị chi là 12.000.000 đồng, trong khi giá vé gốc là 500.000 đồng.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn- Hãng luật TGS, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, pháp luật hiện hành chưa có chế tài cụ thể xử lý hành vi bán vé chợ đen. Bởi vé xem bóng đá được coi là “hàng hóa” hợp pháp, được phép mua bán, giao dịch. Việc người mua chấp nhận mua lại vé với mức giá cao gấp nhiều lần là do sự thỏa thuận giữa hai bên, thuận mua vừa bán và pháp luật không cấm.
Tuy nhiên, hoạt động mua bán vé chợ đen vẫn có thể phát sinh những hành vi gây mất trật tự, an ninh, được quy định cụ thể tại Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi gây mất trật tự ở nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao;
- Phạt tiền từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng đối với hành vi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng;
- Phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng; tập trung đông người trái pháp luật tại nơi công cộng hoặc các địa điểm, khu vực cấm.
Trong trường hợp hành vi gây rối để lại hậu quả hay có tính chất nghiêm trọng, còn có thể bị xử lý hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng, sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 7 năm.
Hơn thế nữa, nhiều trường hợp người mua phải chịu bỏ ra một khoản tiền lớn để mua vé, nhưng nhận được lại là vé giả, tiền mất tật mang.
Trường hợp này thỏa mãn cấu thành tội phạm quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, các đối tượng phe vé có thể bị khởi tố với Tội làm, buôn bán tem giả, vé giả, có thể bị phạt tiền 30.000.000 đồng – 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn- Hãng luật TGS, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết thêm: “Hành vi mua bán vé chợ đen diễn ra rất phức tạp và khó kiểm soát. Đặc biệt đây không phải mặt hàng cấm kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện theo pháp luật nước ta. Tuy nhiên chúng ta không thể để mặc hành vi phe vé chợ đen diễn ra rộng rãi như hiện nay được. Để ngăn chặn tình trạng đầu cơ vé bóng đá để bán giá chợ đen trục lợi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm ban hành các văn bản quy định với chế tài phù hợp, đủ tính răn đe nhằm quản lý pháp luật, quản lý trật tự xã hội một cách chặt chẽ hơn.
Việc phe vé lộng hành như hiện tại một phần bởi người dân không có cơ hội mua vé gốc. Đơn cử việc trang web bán vé xem bóng đá của AFF Cup sập ngay khi mở cổng chào bán, hoặc vé bán trực tiếp không đáp ứng đủ nhu cầu của người mua. Lúc này một phần nguyên nhân rõ ràng là từ phía nhà phân phối. Họ phải có cách thức phân phối vé sao cho hợp lý, đáp ứng được nhu cầu của người hâm mộ.”
Lợi dụng lòng yêu nước nói chung và lòng yêu bóng đá nói riêng để đầu cơ, trục lợi là không thể chấp nhận được. Nhưng nhìn đi cũng phải nhìn lại, dù rằng tình yêu và lòng hâm mộ đối với bóng đá là điều đáng trân trọng, song người hâm mộ không nên cho phép các đối tượng “phe vé” lợi dụng điều tốt đẹp đó. Để hạn chế hiện tượng “phe vé” diễn ra tràn lan, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình, người hâm mộ không tiếp tay cho hành vi “phe vé”.