Theo Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), tại Điều 68 BLHS năm 2015 quy định về các trường hợp được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là “người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật này, thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù”.
Tuy nhiên, điều luật này không nêu khái niệm như thế nào là tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù mà chỉ nêu các trường hợp có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Đồng thời, tại khoản 2 điều luật cũng quy định rõ thời gian tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù không được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù, đây là quy định phù hợp cả về lý luận và thực tiễn.
“Dù chưa có định nghĩa cụ thể nhưng có thể hiểu: Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là việc người phạm tội đang chấp hành hình phạt tù tại các cơ sở giam giữ, nhưng vì một trong những lý do được liệt kê tại Điều 67 BLHS năm 2015 mà người phạm tội có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù trong một thời gian nhất định. Đây là chế định thể hiện chính sách nhân đạo và khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Phù hợp với xu thế xây dựng pháp luật của các quốc gia tiến bộ trên thế giới” - Luật sư Diện đưa ra quan điểm.
Luật sư Diện cũng cho biết, ngày 10/6/2024, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
Tại Điều 8 của Nghị quyết này có hướng dẫn cụ thể về tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù quy định tại Điều 68 của BLHS như điều kiện, thời gian được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
“Điều 8: Về tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù quy định tại Điều 68 của Bộ luật Hình sự
1. Người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự và có nơi cư trú rõ ràng thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
2. Thời gian tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự.
Đối với người đang chấp hành hình phạt tù bị bệnh nặng thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù một lần hoặc nhiều lần cho đến khi sức khỏe hồi phục.
Đối với người đang chấp hành hình phạt tù là lao động duy nhất trong gia đình hoặc do nhu cầu công vụ thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù một lần hoặc nhiều lần, nhưng tổng số thời gian được tạm đình chỉ tối đa là 01 năm”.
Luật sư Diện cho rằng: “Điều luật này đã làm rõ về điều kiện và thời gian được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Tuy nhiên, nghiên cứu quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng có thể thấy, quy định về tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù vẫn còn hạn chế, bất cập”.
Cụ thể, Điều 68 BLHS năm 2015 quy định, người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 thì có thể được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù. Điểm a khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015 quy định trường hợp: “Bị bệnh nặng” thì được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cho đến khi sức khỏe được hồi phục.
Tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP phần giải thích từ ngữ quy định: “Bị bệnh nặng” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 67 của BLHS là trường hợp người bị xử phạt tù đang bị bệnh hiểm nghèo hướng dẫn tại khoản 4 Điều này hoặc đang bị bệnh khác tới mức không thể chấp hành hình phạt và nếu phải chấp hành hình phạt sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ.
Tuy nhiên, điều khoản này cũng chỉ đưa ra giải thích, làm rõ nội hàm của cụm từ “bị bệnh nặng”, còn việc xác định thế nào là “sức khỏe được phục hồi” thì lại chưa được giải thích, hướng dẫn áp dụng cụ thể, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.
Trong khi đó, thời gian tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là hết sức quan trọng, khác với các trường hợp khác quy định thời gian tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cụ thể là 01 năm thì quy định mốc thời gian là cho đến khi sức khỏe của người chấp hành án phạt tù được phục hồi là quy định mang tính chung chung, định tính. Do vậy, việc đánh giá tình trạng sức khỏe được phục hồi để xác định người chấp hành án phạt tù tiếp tục chấp hành án phạt tù hay tiếp tục được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chủ thể có thẩm quyền, do vậy, việc áp dụng trên thực tế là thiếu thống nhất cũng như rất dễ làm phát sinh vấn đề tiêu cực, không công bằng.
Do đó, Luật sư Diện kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền gồm TANDTC, Bộ Công an, VKSNDTC, Bộ Y tế cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể việc xác định “sức khỏe được phục hồi” làm căn cứ áp dụng thống nhất đối với trường hợp tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù để bảo đảm việc áp dụng thống nhất, đồng bộ và công bằng trong thực tiễn.