Ngày 10/7, TAND TP Cần Thơ tiếp tục xét xử vụ băng nhóm “siêu trộm” từng liên tục “ghé thăm” các tiệm vàng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Sau khi phân tích tính nghiêm trọng của vụ án, Đại diện VKSND TP Cần Thơ đã dẫn các chứng cứ thể hiện các bị cáo câu kết, phối hợp chặt chẽ với nhau dùng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, dựa vào môi trường sông nước để gây án với tổng trị giá tài sản trộm cắp là trên 2 tỷ đồng (7 vụ).
Trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho các bị cáo đã đưa ra nhiều tình tiết để xin giảm án cho các bị cáo. Đồng thời, có nhiều vấn đề được quan tâm, tranh luận tại phiên tòa. Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Văn Mười đề nghị HĐXX xem xét việc gộp chung các vụ án để xét xử tại một nơi vì các bị cáo sẽ bị bất lợi khi bị xét xử các vụ ở nhiều địa phương khác nhau.
Kiểm sát viên (KSV) cho rằng, đến thời điểm hiện tại, chỉ có TAND huyện Trà Ôn và TAND TP Cần Thơ đưa vụ án này ra xét xử. Còn các địa phương khác vẫn chưa tiến hành.
Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Văn Dũng cũng đề nghị HĐXX xem xét vai trò của bị cáo này vì Dũng hoàn toàn không có ý định tham gia trộm cắp. Bị cáo đã nhiều lần từ chối nhưng do bị rủ rê mà phạm tội. Đồng thời bị cáo Dũng cũng thể hiện rất rõ sự ăn năn, hối cải.
Tuy nhiên, KSV cho rằng, Dũng là đồng phạm tích cực trong các vụ trộm. Bị cáo Đợi và Thắng thông qua bị cáo Dũng để lấy ghe đi trộm. Bị cáo Thắng cũng khai nhận không còn tiền, nếu không nhờ bị cáo Dũng giúp đỡ thì không thể thực hiện được vụ trộm.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận thấy lời khai của các bị cáo phù hợp với tài liệu thu thập được, các chứng cứ khách quan ở hiện trường, kết quả giám định, hình ảnh qua các camera tại hiện trường. Hơn nữa, các bị cáo cũng đã khai nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng truy tố. Ngoài ra bị cáo và người thân đã đồng ý sử dụng tiền và tài sản được xác định không liên quan khắc phục một phần hậu quả gây ra.
HĐXX cho rằng các bị cáo đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội, tạo tâm lý hoang mang trong dư luận và dân chúng, đặc biệt là các hộ kinh doanh ven các con sông. Theo thời gian, nhóm “siêu trộm” có khuynh hướng gia tăng về số vụ và mở rộng địa bàn hoạt động.
Đồng thời, các bị cáo còn chia thành từng nhóm nhỏ để hoạt động và tùy sở trường của từng bị cáo mà hình thành vai trò cụ thể và gây hại đặc biệt cho xã hội. Trong đó, bị cáo Lý Văn Đợi vừa là người tổ chức vừa thực hiện, có vai trò chủ mưu với số vụ thực hiện và số tiền chiếm đoạt cao nhất, đồng thời là người quan sát, chọn địa điểm thực hiện cùng đồng bọn, sau đó chủ động tiêu thụ tài sản và quyết định số tiền ăn chia.
Về vấn đề gộp chung xét xử ở một nơi, HĐXX nhận định việc cho rằng xét xử ở nhiều địa phương khác nhau mà không tập trung xét xử trong một vụ bất lợi cho bị cáo là suy đoán chủ quan. Từ những ý kiến trên, HĐXX tuyên phạt: Bị cáo Lý Văn Đợi 17 năm tù; bị cáo Nguyễn Văn Điệp 15 năm tù; bị cáo Lê Văn Dũng 14 năm tù; bị cáo Phùng Thanh Tâm 14 năm tù; bị cáo Lê Văn Mười 13 năm tù; bị cáo Nguyễn Minh Thắng 13 năm tù và bị cáo Nguyễn Văn Dân 3 năm tù.