Báo chí và phụ nữ, phụ nữ trên báo chí

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Do ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo nên phải đến đầu thế kỷ XX, khi phong trào nữ quyền du nhập cùng văn hoá phương Tây vào Việt Nam, tiếng nói của phụ nữ mới xuất hiện trên báo chí.
Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (1864-1921), chủ bút của tờ báo dành cho nữ giới đầu tiên tại Việt Nam - “Nữ giới chung”. (Nguồn: Báo PNVN)
Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (1864-1921), chủ bút của tờ báo dành cho nữ giới đầu tiên tại Việt Nam - “Nữ giới chung”. (Nguồn: Báo PNVN)

Từ “Nữ giới chung”...

Tờ tuần báo “Nữ giới chung” ra đời ngày 1/2/1918 do bà Sương Nguyệt Anh làm chủ bút thực sự là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của báo chí dành cho phụ nữ Việt Nam. Bà Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê sinh ngày 1/2/1864, tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, là con gái thứ tư của nhà thơ, nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài bút danh Sương Nguyệt Anh, bà còn ký nhiều bút danh khác như Xuân Khuê, Nguyệt Nga, Nguyệt Anh…

Năm 1888, khi Sương Nguyệt Anh 24 tuổi thì cha mất. Sau này, bà kết duyên với một Phó Tổng sở tại góa vợ tên Nguyễn Công Tính và sinh được một con gái. Năm con gái được 2 tuổi thì chồng bà mất. Từ đó bà ở vậy nuôi con và mở trường dạy chữ Nho cho học trò trong vùng để sinh sống. Và cũng từ đó, bà thêm trước bút hiệu Nguyệt Anh một chữ “sương”, thành “Sương Nguyệt Anh” với ý nghĩa là Nguyệt Anh goá chồng.

Những năm đầu thế kỷ XX, khi cụ Phan Bội Châu phát động phong trào Đông Du, bà nhiệt tình hưởng ứng, bán cả đất vườn lấy tiền gửi giúp du học sinh. Năm 1917 bà được một nhóm chí sĩ ái quốc mời làm chủ bút tờ báo “Nữ giới chung” (nghĩa là Tiếng chuông của nữ giới) - tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam.

“Nữ giới chung” có chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội. Tòa soạn báo đặt tại số nhà 155 đường Taberd, Sài Gòn (nay là đường Nguyễn Du, quận 1, TP Hồ Chí Minh).

Ngày 1/2/1918, tờ báo ra số đầu tiên. Báo phát hành định kỳ vào ngày thứ 6 hàng tuần với 18 trang nội dung và 8 trang quảng cáo. Báo có các chuyên mục là phần xã thuyết, văn nghệ, dạy gia chánh, học nghề cùng các trang cách ngôn, lời hay ý đẹp và mẹ con nói chuyện.

Tờ báo tập hợp được những cây bút có tư tưởng tiến bộ, lên tiếng đòi nam nữ bình quyền, thúc giục, vận động phụ nữ học hành, đấu tranh đòi được bình đẳng với nam giới...; lấy những gương sáng của phụ nữ các nước tiên tiến ở châu Âu, châu Mỹ để khuyến khích chị em.

Báo Nữ giới chung số 1, ra ngày 1/2/1918 ghi rõ Chủ bút Sương Nguyệt Anh (ảnh tư liệu)

Báo Nữ giới chung số 1, ra ngày 1/2/1918 ghi rõ Chủ bút Sương Nguyệt Anh (ảnh tư liệu)

Trong một bài bàn về nữ quyền, Sương Nguyệt Anh viết: “Chị em ơi!... Muốn có cái địa vị ngang hàng với nam giới thì (chẳng những) việc tề gia nội trợ phải thuộc lòng, tình thế trong ngoài cũng nên ghé mắt, tuy chưa được như người Âu Mỹ song cũng đừng phụ tiếng Lạc Hồng”.

Cũng trên tờ “Nữ giới chung” này, còn có những bài thơ đề cao tinh thần quật khởi của các nữ anh hùng dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu, hoặc đăng những bài thơ đề cao nữ quyền, trong đó có những câu nói rõ tiêu chí của tờ báo như: “Vang lừng nữ giới những hồi chuông/Thúc bạn quần thoa thoát cửa buồng”... (Số 8 ra ngày 22/3/1918).

“Nữ giới chung” là tờ báo đầu tiên ở nước ta chú trọng đến việc dạy nữ công, đức hạnh phụ nữ và phê phán luật lệ khắt khe đối với nữ giới thời đó, đồng thời chủ trương đấu tranh mạnh mẽ cho vấn đề bình đẳng nam nữ.

Suốt 20 số báo, Sương Nguyệt Anh dành trọn cả tài năng và tâm huyết của mình để góp phần làm chấn hưng tinh thần nữ giới nước nhà. Bà không những có vai trò to lớn trong việc làm thức tỉnh và cổ vũ các độc giả nữ trước thời thế mới mà còn làm đa dạng, phong phú, hoàn thiện thêm nền báo chí non trẻ của Việt Nam khi đó, đồng thời tạo tiền đề tốt cho hàng loạt báo chí về phụ nữ sau này xuất hiện như “Phụ nữ tân văn”, “Phụ nữ thời đàm”.

Dù ngòi bút của Sương Nguyệt Anh có khéo léo đến đâu, tầm ảnh hưởng của tờ báo này vẫn khiến mật thám Pháp e ngại. Tháng 7/1918, tờ “Nữ giới chung” đình bản. Đầu năm 1919, bà rời Sài Gòn về ở với người em trai út là ông Nguyễn Đình Chiêm ở Ba Tri. Lúc này sức đã yếu, lại bị bệnh rồi mù giống cha nhưng bà vẫn tiếp tục dạy học, làm thuốc chữa bệnh giúp đời và sáng tác thơ văn cho tới ngày tạ thế 4/1/1921, thọ 57 tuổi.

Đến ngày nay, mỗi khi nhắc đến Sương Nguyệt Anh, người ta vẫn thấy ở bà một tấm gương hoạt động cho giới nữ không ngừng nghỉ. Bằng tất cả tài năng, tâm huyết, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp chung, Sương Nguyệt Anh đã để lại trong tâm trí người Việt hình ảnh đẹp về một nữ chủ báo đầu tiên, một nhà báo, nhà thơ đa tài và một người tiên phong trong công cuộc đấu tranh vì quyền lợi, địa vị của phụ nữ nước nhà. Bà xứng đáng là nữ sĩ tiền phong trên đất Việt.

Dù vậy, tờ báo cho phụ nữ đầu tiên với tôn chỉ “cơ quan chăm nom về việc quảng khai nữ trí” ấy đã truyền cảm hứng và là tiền đề cho nhiều tờ báo phụ nữ ở cả Sài Gòn, Hà Nội, Huế ra đời sau này như “Phụ nữ Tân Văn” (1929 - 1935), “Phụ nữ thời đàm” (1930 - 1934), “Phụ nữ Tân tiến” (1932 - 1934), “Phụ nữ thời đàm tại Hà Nội” (1930 - 1934), “Đàn bà mới” (1930 - 1937), “Tân nữ lưu” (1935 - 1936), “Việt nữ” (1937 -1939), “Bạn gái” (1941)…

Dù những tờ báo phụ nữ tiên phong của Việt Nam đa phần đều tồn tại trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, chính chúng cùng những ngòi bút vừa sắc sảo, vừa khéo léo, vừa thấu hiểu đàn bà của Sương Nguyệt Anh, Nguyễn Thị Kiêm, Đào Thị Nguyệt Minh, Phạm Vân Anh, Vân Đài, Lê Thị Huỳnh Lan, Phan Thị Nga, Trần Thị Hường, Thu Vân, Mộng Tuyết, Huỳnh Thị Bảo Hòa… đã góp công lớn trong việc đấu tranh cho phụ nữ, giúp phụ nữ Việt Nam tiếp cận được với những văn minh mới, ý thức hơn về giá trị của bản thân.

Đến “Nhời đàn bà”

Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử báo chí đất nước nói riêng, những vấn đề của nữ giới và quyền sống của giới nữ được đề cập trên những trang báo. Qua những trang viết của mình, học giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Vĩnh đã nói thay cho tiếng lòng của những người phụ nữ thời đó, mong muốn được bình đẳng như những nam nhân trong xã hội.

Trong những số cuối cùng của “Đại Nam Đăng cổ tùng báo”, mục “Nhời đàn bà” đã đóng vai trò như một cẩm nang định hướng cho những người phụ nữ Việt về cách làm vợ, làm mẹ sao cho phải đạo. Khi những bài báo của mục “Nhời đàn bà” được tập hợp và xuất bản thành sách sau này, những độc giả - trong đó có các độc giả cao tuổi - đã đánh giá rất cao những trước tác này, trước nhất là chất ngôn từ xưa cũ nhưng mộc mạc và giản dị, kế đó là những thông điệp mà cho tới nay vẫn còn mang tính thời sự cũng như khẳng định những giá trị vĩnh hằng.

"Nhời đàn bà” của học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

"Nhời đàn bà” của học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, hiện đang phát triển công trình nghiên cứu mang tên “Dư luận nữ quyền ở Huế 1926 - 1929” cho rằng, trước thời hiện đại, nhiều quốc gia cũng xuất hiện tư tưởng “nam tôn nữ ti” cùng với Trung Quốc; chỉ đến khi có cách mạng Pháp, vấn đề nam nữ bình quyền mới được đưa ra bàn thảo.

Ở Việt Nam, một trong những vấn đề chính liên quan tới việc nam nữ bình quyền đó là việc nữ giới có quyền và cơ hội học tập ngang bằng với giới nam. Suốt các thời kỳ phong kiến, phụ nữ không được đi học, chỉ đến thời Pháp thuộc, phụ nữ nước ta mới có quyền và cơ hội học tập; dẫu vậy, việc ban cho người phụ nữ quyền và cơ hội học tập nói riêng và các quyền bình đẳng khác nói chung đã nảy sinh nhiều tranh cãi trong giới sĩ phu và trí thức lúc bấy giờ.

Cùng thời với Nguyễn Văn Vĩnh, những chí sĩ như Phan Bội Châu, Đạm Phương, Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng… cũng sử dụng báo chí như một công cụ đấu tranh cho nam nữ bình quyền, rọi đường cho việc Việt Nam hòa nhập với xã hội hiện đại.

Nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi thì cho rằng, những học giả như Nguyễn Văn Vĩnh hay Phạm Quỳnh cùng với những phong trào ái quốc như Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục đều nhận thức được việc tấn công vào những chiến lũy của sự cổ hủ để đưa sự bình quyền về cho dân tộc. Những gì mà các học giả và phong trào ái quốc đó thực hiện như một cuộc cách mạng về văn hóa, làm bước đệm để cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công.

Nhận định về những bài báo của chuyên mục “Nhời đàn bà”, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý cho rằng, những bài báo ấy không chỉ đòi hỏi quyền phụ nữ một cách đơn thuần mà thông qua lăng kính phụ nữ để giúp những độc giả nam giới thời đó có những cái nhìn khác đi đối với những người phụ nữ trong xã hội.