Hội nghị thu hút sự tham gia nhiệt tình của một số Đại biểu Quốc hội, các đơn vị trong và ngoài Bộ, đại diện một số ngành, địa phương nhằm bảo đảm quyền bào chữa với hình thức trợ giúp pháp lý miễn phí cho đối tượng yếu thế trong xã hội.
Bất cập trong một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự
Đại diện Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL), Phó Cục trưởng Cù Thu Anh cho biết: Qua hơn 8 năm thực hiện Luật TGPL, công tác tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi cho người thuộc diện được TGPL đã được các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện và đạt những kết quả nhất định, tạo thuận lợi cho người thực hiện TGPL trong quá trình tham gia tố tụng để bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân thuộc diện được TGPL.
Tuy nhiên, việc tham gia tố tụng hình sự của người thực hiện TGPL còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đáng chú ý là một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự đang tỏ ra bất cập như chưa quy định địa vị pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động tố tụng hình sự với tư cách là người bào chữa; chưa quy định cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu tổ chức TGPL cử người bào chữa cho bị can, bị cáo thuộc diện được TGPL…
Vì vậy, theo ông Thu Anh, cần ghi nhận quyền được TGPL trong tố tụng hình sự trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế về quyền con người trong Dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tới đây.
Cụ thể, ông Thu Anh kiến nghị bổ sung chức danh Trợ giúp viên pháp lý trong Bộ luật Tố tụng Hình sự; bổ sung quy định chỉ định người bào chữa cho người thuộc diện TGPL; tạo cơ chế bảo đảm quyền tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa, quyền được TGPL của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo…
Người được trợ giúp pháp lý là đối tượng bắt buộc có người bào chữa
Đồng tình với kiến nghị trên, chuyên gia cao cấp Dương Thị Thanh Mai cũng đề xuất tiếp tục hoàn thiện quy định về TGPL trong tố tụng hình sự theo hướng mở rộng đối tượng án chỉ định người bào chữa là người được TGPL.
Bà Mai phân tích, từ thực tiễn xét xử những năm gần đây có thể thấy diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng lên của một số tội phạm nghiêm trọng, có tính phổ biến với sự tham gia của đối tượng thuộc diện được TGPL (người dân tộc phạm các tội về ma túy). Do đó, nếu không mở rộng thì đối tượng này chưa được đưa vào diện án chỉ định người bào chữa. Ngoài ra, việc mở rộng đối tượng án chỉ định cũng góp phần tăng tỷ lệ án hình sự/bị cáo có người bào chữa theo tinh thần của Nghị quyết số 49 về Chiến lược cải cách tư pháp.
Đến từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha chia sẻ những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại trong hoạt động TGPL của Mặt trận và các tổ chức thành viên. Từ thực trạng ấy, ông Pha cũng mong muốn sớm sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật TGPL để có cơ chế khả thi cho Mặt trận và các tổ chức thành viên thực hiện quyền TGPL cho nhân dân.
Trung tướng Trần Văn Độ - Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang – thông tin, hàng năm có khoảng 20% các vụ án hình sự có luật sư tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc bảo vệ quyền lợi của đương sự; số lượng các vụ án có Trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân hoặc đại diện hợp pháp tham gia không nhiều.
Bởi thế, để bảo đảm quyền bào chữa, quyền bảo vệ quyền lợi của đương sự, ông Độ nhấn mạnh, cần bổ sung người thuộc diện được TGPL là đối tượng bắt buộc có người bào chữa, còn người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần là đối tượng bắt buộc phải có người bảo vệ quyền lợi. Không những thế, cũng nên quy định người bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội đặc biệt nghiêm trọng thì bắt buộc phải có người bào chữa…