Nghị định số 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/4/2020 quy định chi tiết Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2020 và thay thế cho Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011.
Nghị định quy định phạm nhân trước khi chấp hành xong án phạt tù, được các cơ sở giam giữ chuẩn bị THNCĐ như: Tư vấn tâm lý, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ kinh phí…; người được ra tù đã trở về với cộng đồng được giúp xóa bỏ định kiến, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, tạo việc làm,…
Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân
Trong khoảng thời gian 2 tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân. Tư vấn tâm lý nhằm cung cấp cho phạm nhân kiến thức, giúp họ định hướng và nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình THNCĐ bao gồm: Tư vấn tình cảm, hôn nhân, gia đình, sức khỏe; phòng, chống ma túy, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội; tư vấn xóa bỏ mặc cảm, tự ti; xây dựng ý chí, niềm tin, khả năng ứng phó, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình THNCĐ; tư vấn về lao động, việc làm, sử dụng các ngành nghề đã được học, bảo hiểm xã hội và các vấn đề khác có liên quan.
Việc định hướng nghề nghiệp, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cho phạm nhân thông qua việc kiểm tra, đánh giá năng lực, nhu cầu,… của từng phạm nhân để hướng dẫn họ lập kế hoạch THNCĐ cho bản thân; cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho phạm nhân. Ba tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, các cơ sở giam giữ phạm nhân lập kế hoạch, tổ chức đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân.
Phạm nhân hết hạn chấp hành án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện trước khi trở về nơi cư trú được cấp hỗ trợ khoản tiền từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam. Hai tháng trước khi phạm nhân hết hạn chấp hành án phạt tù, các cơ sở giam giữ phạm nhân thực hiện việc thông báo cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, UBND cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người chấp hành xong án phạt tù về cư trú, làm việc.
Xóa bỏ kỳ thị, phân biệt
Thông tin, truyền thông, giáo dục về THNCĐ nhằm định hướng, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù bao gồm: Chủ trương, chính sách, pháp luật về THNCĐ; quyền và nghĩa vụ của người chấp hành xong hình phạt tù; biện pháp, kinh nghiệm tốt, mô hình, điển hình tiên tiến trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ, đấu tranh xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù;…
Trợ giúp về tâm lý nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù xây dựng niềm tin, nghị lực, ý chí phấn đấu THNCĐ và phòng tránh các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật; được hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục pháp lý cần thiết khi là người tham gia tố tụng; làm thủ tục xóa án tích, cấp Phiếu lý lịch tư pháp…
Người chấp hành xong hình phạt tù được hỗ trợ một phần về miễn, giảm học phí, vay vốn đào tạo nghề nghiệp; dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm; trẻ em chấp hành xong hình phạt tù được thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật.
Ngoài các biện pháp hỗ trợ nêu trên, Nhà nước còn có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện; ưu tiên thuê nhà, cơ sở hạ tầng của Nhà nước, miễn, giảm thuế cho tổ chức, cá nhân tham gia giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong hình phạt tù ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.