Jim Corbin nhoài đầu ra khỏi chiếc xe công vụ trước một tiệm tạp hóa tại thành phố nhỏ Sylba ở Appalachian. Tháng 9 hàng năm, có khá đông người đến Sylva tìm Jim Corbin để ông ký giấy tờ cho phép họ bán một món từ lòng đất: sâm Mỹ.
Loài thảo mộc hoang dã này đã suy giảm trong nhiều năm qua, nhưng sức ép khai thác trộm vẫn không ngừng gia tăng từ nhu cầu của các thầy lang y học cổ truyền đến từ Trung Quốc đại lục. Hiện giá sâm Mỹ đã tăng vọt lên hơn 1.000 USD/cân Anh (0,45 kg).
Năm 1975, cây sâm Mỹ (Panax quinquefolius) đã được liệt kê trong bản Phụ lục II của CITES, nhưng đã sớm rơi vào guồng máy khai thác triệt để. Bất chấp gia tăng mức án phạt và giới hạn thời kỳ khai thác, lợi nhuận từ sâm Mỹ làm mờ mắt những kẻ tham lam.
Jim Corbin thừa nhận: “Tôi cá là rất ít số nhân sâm được khai thác tại Mỹ đi theo con đường hợp pháp”. Một hướng đi nhằm đảm bảo giữ vững nguồn gene sâm quý, theo bà Jeanine Davis - một nhà sinh học tại Đại học công Bắc Carolina - “kẻ thù lớn nhất của nhân sâm là con người”.
|
Các kiểm lâm viên Mỹ đang sử dụng bột chỉ dẫn nguồn gốc để định vị sâm, nó có thể phát ánh sáng đỏ trong bóng đêm để các kiểm lâm lần ra vị trí sâm được khai thác trái phép. |
Theo dấu nạn săn trộm sâm
Thế giới có tổng cộng 11 loài nhân sâm, được nhiều nền văn hóa sử dụng cho các mục đích khác nhau. Nhân sâm được ca ngợi là diệu dược để chữa lành mọi căn bệnh từ yếu sinh lí cho đến các chứng rối loạn cương dương.
Nhiều loài sâm gốc Á châu ngày nay đã tuyệt chủng hoặc đang đối mặt với nguy cơ bị đe dọa. Việc khám phá ra sâm Mỹ từ thập niên 1700 bởi các linh mục dòng Tên để ngày hôm nay, truyền thống khai thác sâm hoang dã vẫn được duy trì trên khắp vùng Appalachia.
Maggie Bowers là người chuyên lùng mua sâm nói rằng mình làm cái nghề này từ hồi còn trẻ. “Cha mẹ tôi chuyên săn sâm, tiền thu về để trang trải mọi chi phí”. Maggie được biết đến với biệt danh “Maggie Sâm”, đến với Jim Corbin để thúc đẩy việc kinh doanh. Lúc lớn lên, bà thấy nhiều thành viên trong gia đình ngâm sâm trong rượu, uống một thìa rượu sâm vào mỗi buổi sáng. “Nó chữa nhiều thứ bệnh lắm”.
Trước khi Jim Corbin ký vào giấy phép chấp thuận cho Maggie mua 36,2 kg sâm, ông đã kịp thời kiểm tra chất lượng mặt hàng sâm đó. Trong cốp chiếc Toyota của Maggie, lộ ra vài chiếc túi nhựa trong suốt chứa đầy cộm những cái rễ cây nhỏ màu kem, mỗi củ sâm có kích cỡ như một ngón tay.
Corbin rọi đèn pin lên mỗi cái túi, tìm kiếm sự phản xạ của một thứ bột huỳnh quang vốn được cánh kiểm lâm sử dụng tại Vườn quốc gia Rặng núi Đại khói sương (Great Smoky Mount) nhằm theo dõi dấu vết nhân sâm (nếu nó bị săn trộm).
|
Vườn quốc gia nơi có vương quốc nhân sâm Mỹ kỳ thú |
Bột huỳnh quang sẽ nói lên củ nhân sâm có được “luộc” từ đất của chính phủ không. Maggie Bowers nói: “Tôi tin mình làm việc đường hoàng, danh chính ngôn thuận, và tin chắc vào những người thợ đào sâm”.
Theo nhà sinh học thực vật James McGraw của Đại học Tây Virginia – từng nhiều năm nghiên cứu về sâm Mỹ - chỉ có khoảng 6% nhân sâm được khai thác ngay trong lãnh thổ Mỹ hội tụ đủ quy định về độ tuổi sâm, thời điểm và địa điểm thu hoạch.
Luật liên bang Mỹ cấm khai thác sâm tại vườn quốc gia và các cánh rừng nguyên sinh, nhưng một số quần thể sâm quý nhất có thể được tìm thấy trong khoảng diện tích 109.669ha của Vườn quốc gia cạnh Rừng quốc gia Pisgah.
Cách đây 20 năm, Jim Corbin đã cùng các kiểm lâm viên phát triển hệ thống theo dấu nhân sâm (GMS) nhằm cho phép nhanh chóng tìm ra số sâm khai thác là nguồn hợp pháp hay bất hợp pháp. Bí mật của lớp bột nhiều màu là nó phát sáng như “lửa hộp quẹt” dưới ánh sáng đen.
Tháng 8 hàng năm, trước khi bước vào vụ thu hoạch sâm, các kiểm lâm viên và tình nguyện viên sẽ tỏa đi vào vườn quốc gia, tìm ra những cây sâm, phủi sạch đất bám quanh rễ củ rồi thoa bột nhận dạng vào gốc sâm.
Bảo tồn thông qua trồng trọt
Nhưng vườn quốc gia quá rộng lớn, địa hình gồ ghề và hẻo lánh, không phải củ sâm nào cũng được bôi bột nhận dạng. Nhiều tay săn trộm thừa kinh nghiệm, lẩn như chạch trong rừng nhiều ngày trời. Ý tưởng “bảo tồn thông qua trồng trọt” là một trong số ít các ý tưởng có giá trị tiềm năng nhằm giúp tăng số lượng nhân sâm càng nhiều càng tốt.
|
Kiểm lâm viên bảo vệ nhân sâm quý giá tại Vườn quốc gia |
Chỉ cần vượt qua 2 làn xe chạy với hàng tá các hẻm là Sara Jackson đã đến “kho báu” của mình. Chỉ về phía nơi bà và bạn trai Martin đang gieo những cái hạt trong suốt nhiều năm qua, Sara nói: “Đây là giấc mộng ngông cuồng của người săn sâm. Họ sẽ thèm rỏ dãi khi nhìn thấy nó”.
Sara kiên nhẫn giải thích về những loài cây mà thế nào cũng có cây sâm mọc cạnh bên, đó là cây tầm ma và cây thường xuân: “Mấy người săn sâm rành mấy loài cây này lắm, thế nên mình phải có kế hoạch bảo vệ chúng thôi”.
Sara đi tới một cây dương xỉ lớn tán ôm lấy cây sâm 4 lá, ước lượng từ 8 đến 10 tuổi. Không giống như đám săn sâm chuyên dùng xẻng để đào củ sâm càng nhanh càng tốt, Sara Jackson lại dùng tay trần và một cái tuốc-nơ-vít nhỏ để nới lỏng đám rễ cây và lôi rễ ra khỏi đá.
Sara chậm rãi phủi sạch lớp đất bẩn bám quanh rễ sâm, làm lộ ra 3 cái thùy rất đặc biệt, mỗi thùy lại có một số sợi lông dài. Sara Jackson nói, trong y học cổ truyền Trung Quốc, hình dáng củ sâm tương ứng với nhu cầu sử dụng nó:
Củ sâm nhìn như một bà mẹ bế em bé được dùng cho chức năng sinh sản, trong khi nếu củ sâm có hình dáng người đàn ông đang chạy thì sẽ dùng để làm nước tăng lực. Gốc sâm càng hoàn hảo thì càng đắt tiền, bởi vậy Sara cố gắng tránh làm tổn hại củ sâm.
Trồng sâm từ hạt cực kỳ khó. Năm 1991, trên tờ tạp chí Sinh thái, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ có từ 1% đến 15% hạt sâm nảy mầm thành cây con, và từ 85 đến 31% số cây con này sống đến tuổi trưởng thành, chỉ có 4 cây sâm sống đến lúc thu hoạch củ.
|
Nghiên cứu sâm Mỹ ngoài thiên nhiên |
Sara thừa nhận: “Thật sự tôi chưa bao giờ bị “thó” sâm, nhưng vấn đề là thời gian”. Một vấn đề trăn trở khác là thị trường dường như không quan tâm nguồn gốc sâm là khai thác hợp pháp hay bất hợp pháp. Tuy vậy, ý thức của lớp người trẻ ở Trung Quốc đã không ngừng tăng lên, mang đến một sự hứa hẹn.
Sara Jackson đang muốn tạo ra một thị trường nhân sâm có đạo đức. Nhưng với cả hai ông Jim Corbin lẫn Joe Pond thì đều không giấu vẻ bi quan: “Tôi nghĩ rằng những cây sâm sẽ tồn tại, song củ nó ngày càng nhỏ, và sẽ sống đâu đó nơi hẻo lánh, rất khó đào”.../.