Bảo hiểm xã hội Hải Phòng: 63 dịch vụ công được áp dụng trên cổng dịch vụ công quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bảo hiểm xã hội TP Hải Phòng đã nhanh chóng triển khai thực hiện cấu hình quy trình, thời hạn giải quyết hồ sơ với từng dịch vụ công theo quy định và áp xuống Bảo hiểm xã hội các quận, huyện để thực hiện chính thức từ ngày 1/3/2022.
Cán bộ BHXH TP Hải Phòng hướng dẫn các cá nhân, tổ chức sử dụng DVC trực tuyến.
Cán bộ BHXH TP Hải Phòng hướng dẫn các cá nhân, tổ chức sử dụng DVC trực tuyến.

Thời gian qua, việc ứng dụng dịch vụ công (DVC) trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH). Sử dụng DVC trực tuyến giúp giảm thời gian, chi phí đi lại, chi phí văn phòng phẩm… cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính (TTHC); nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin (CNTT) của cán bộ, công chức, viên chức được phân công xử lý hồ sơ TTHC…

Ngày 16/9/2021, BHXH Việt Nam ban hành Quyết định số 896/QĐ-BHX về việc ban hành danh mục DVC trực tuyến đối với các TTHC thuộc thẩm quyền của BHXH Việt Nam bao gồm 63 DVC đã được cập nhật trên hệ thống để thực hiện 25 bộ TTHC trong các lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Rất nhanh chóng, BHXH TP Hải Phòng đã thực hiện cấu hình quy trình, thời hạn giải quyết hồ sơ đối với từng DVC theo quy định và đã áp xuống BHXH các quận, huyện để thực hiện chính thức kể từ ngày 1/3/2022.

Bà Nguyễn Thị Lộc, Quyền Giám đốc BHXH TP Hải Phòng cho hay: Hiện có tất cả 63 DVC được thực hiện trên Cổng DVC quốc gia, trong đó, 19 DVC áp dụng đối với các tổ chức, 31 DVC áp dụng với cá nhân người tham gia, 13 DVC áp dụng chung đối với cả cá nhân và tổ chức.

Chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối mạng Internet, các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện các DVC của ngành BHXH ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào. Việc thực hiện gửi hồ sơ qua DVC trực tuyến giúp tổ chức, cá nhân có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày.

Về tính tiện lợi của việc áp dụng DVC trực tuyến, bà Lộc cho biết: Trước đây rất nhiều TTHC giải quyết các chế độ BHXH vẫn phải đến trực tiếp cơ quan BHXH, chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ, thì nay, với phương thức DVC trực tuyến, mọi việc liên quan đến TTHC, các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện ở nhà hay ở cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, người dân cũng như các tổ chức có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ qua hệ thống tin nhắn tự động gửi về số điện thoại hoặc địa chỉ mail. Đặc biệt tổ chức, cá nhân có thể trực tiếp giao dịch với cơ quan BHXH thông qua các thủ tục trên cổng DVC của ngành BHXH.

Song song với việc thực hiện các DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia, người tham gia khi thực hiện giao dịch điện tử bằng cách đăng ký nhận mã xác thực và gửi hồ sơ điện tử đến Cổng DVC của BHXH Việt Nam hoặc qua DVC Quốc gia thì thành phần hồ sơ khi người tham gia thực hiện trên DVC trực tuyến phải đảm bảo quy định theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử: Thành phần hồ sơ có yêu cầu bản chính/bản sao hợp lệ, file đính kèm phải là văn bản điện tử được ký số theo quy định hoặc là bản sao điện tử đã chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền.

Bà Nguyễn Thị Lộc, Quyền Giám đốc BHXH TP Hải Phòng lưu ý: Đối với các trường hợp thành phần hồ sơ có yêu cầu bản chính/bản sao mà file đính kèm không đảm bảo là văn bản điện tử đã được ký số theo quy định hoặc là bản sao điện tử chưa được chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền thì người dân lựa chọn nộp kèm hồ sơ cho cơ quan BHXH theo một trong các hình thức sau: qua bưu chính; nộp trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của cơ quan BHXH nơi quản lý hoặc nơi cư trú hoặc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công các cấp và nhận kết quả đã giải quyết theo các hình thức đã đăng ký.

Đọc thêm