Chưa mặn mà với BHXH tự nguyện
Số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, lực lượng lao động phi chính thức chiếm trên 60% lực lượng lao động, bao gồm lao động làm việc trong nông nghiệp, nông thôn, lao động tự do, lao động trong kinh tế hộ gia đình, sản xuất kinh doanh cá thể. Là lực lượng góp phần quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia, sản xuất các sản phẩm hàng hóa phục vụ dân sinh và cho xuất khẩu, tạo nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp khoảng 30% vào GDP của quốc gia.
Lao động phi chính thức là khu vực kinh tế mở ra sớm nhất, mạnh nhất và với tốc độ nhanh nhất khi Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới giữa thập niên 80 của thế kỷ trước và là khu vực kinh tế đóng vai trò quan trọng đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua thời kỳ khó khăn đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Khu vực này còn thu hút nhiều lao động bị dôi dư, khi các doanh nghiệp Nhà nước tổ chức sắp xếp lại, đồng thời nó lấp được khoảng trống thiếu hụt về việc làm và thu nhập đối với một bộ phận lớn lao động khi nền kinh tế chuyển đổi.
Với đặc thù là quy mô nhỏ, hoạt động linh hoạt, đòi hỏi ít vốn và các nguồn lực khác nên khu vực kinh tế phi chính thức đã đóng vai trò quan trọng trong những nỗ lực xóa đói, giảm nghèo ở nước ta. Đặc biệt, gần đây, khi nền kinh tế Việt Nam chịu tác động chung của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính của thế giới, thì khu vực kinh tế phi chính thức đó chứng tỏ sự năng động của mình, thu hút hàng vạn lao động bị mất việc làm từ khu vực chính thức và nhờ vậy mà nó không tạo nên cú sốc quá lớn về việc làm và thu nhập đối với xã hội.
Tuy nhiên, lao động phi chính thức của chúng ta cũng còn có những nhược điểm: việc làm bấp bênh, thiếu ổn định; không có hợp đồng lao động, thu nhập thấp (trung bình chỉ đạt 2,2-2,5 triệu/tháng), thời gian làm việc dài (bình quân 47,3 giờ/tuần, cao hơn so với mức bình quân là 43,8 giờ/tuần), doanh nghiệp trong khu vực này thường có quy mô rất nhỏ hoặc siêu nhỏ (từ 10 lao động trở xuống); không đăng ký kinh doanh, không đóng BHXH, BHYT, không chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác cho người lao động… Những người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức thường quay vòng, luẩn quẩn trong đói nghèo; hạn chế về năng lực, kiến thức và vật chất khiến cơ hội hòa nhập xã hội để phát triển không có nhiều. Việc tăng cường các giải pháp an sinh xã hội cho nhóm lao động này do vậy càng trở nên một nhu cầu bức thiết.
Nhận thức được vai trò quan trọng của khu vực kinh tế phi chính thức trong việc tạo việc làm, thu nhập và giảm nghèo, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế phi chính thức cũng như bảo vệ quyền lợi cho lực lượng lao động làm việc tại khu vực này. Trong đó, Chính sách BHXH tự nguyện được mở ra là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng hướng tới nhóm đối tượng này.
Tuy nhiên, theo số liệu của BHXH Việt Nam, sau hơn 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, đến nay cả nước mới có khoảng gần 300 ngàn lao động tham gia, chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng số lao động của khu vực phi chính thức và chiếm khoảng 0,4% tổng lực lượng lao động, là một kết quả còn quá hạn chế. Đáng chú ý là số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ tập trung ở những đối tượng đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc nay chuyển sang đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Trong khi đó, với khoảng 18 triệu việc làm năm 2017 (chưa tính lao động khu vực nông nghiệp), quy mô lao động phi chính thức ở Việt Nam còn rất lớn và chưa có xu hướng giảm. Người lao động trong khu vực phi chính thức lại thường không có hợp đồng lao động, không có BHXH, không tham gia công đoàn, không có liên hệ nhiều với các khu vực khác của nền kinh tế và do đó không được sự bảo vệ của pháp luật lao động và an sinh xã hội. Do đó, việc số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế báo trước một tương lai bất ổn về an sinh xã hội khi lực lượng lao động này già yếu, không có lương hưu và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Vì vậy, thực hiện BHXH cho mọi người lao động nói chung và bản thân người lao động phi chính thức nói riêng được xem là mục tiêu vừa là giải pháp tích cực góp phần thực hiện công bằng xã hội trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo cho mọi người dân đều được tham gia và hưởng các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật.
Tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ
Bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - cho biết, để khuyến khích lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, ngày 20/11/2014 Quốc hội đã thông qua Luật BHXH số 58/2014/QH13 để thay thế Luật BHXH năm 2006. Theo đó, mở ra nhiều cơ chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động tham gia BHXH, có thể kể đến như: đối tượng tham gia BHXH tự nguyện không khống chế trần tuổi. Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên đều được tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; Phương thức đóng cũng được bổ sung linh hoạt, ngoài đóng hàng tháng, 3 tháng – 6 tháng một lần, người tham gia còn có thể đóng 12 tháng/lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm (60 tháng)/lần; Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo qui định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để được hưởng lương hưu. Hạ mức thu nhập người tham gia lựa chọn làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng để phù hợp hơn với mức thu nhập bình quân của lao động khu vực phi chính thức.
Đặc biệt, để tạo “cú hích” cho BHXH tự nguyện, từ 1/01/2018, ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, mức hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Tuy nhiên, để góp phần thực hiện mục tiêu thu hút 50% lực lượng lao động tham gia BHXH vào năm 2020, đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân theo tinh thần của Điều 34 Hiến pháp năm 2013 thì việc phát triển chính sách BHXH là rất cần thiết trong thời gian tới và cần tập trung vào các giải pháp đồng bộ.
Một là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, truyền thông sâu rộng về chính sách BHXH tự nguyện đến nhân dân; tăng cường sự tham gia của các cấp các ngành, đoàn thể, đặc biệt là vai trò các hội, đoàn thể như: Hội nông dân, Liên minh hợp tác xã, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ.. để người dân biết được tính ưu việt, nhân văn của chính sách này, nắm được quy trình thủ tục tham gia và hưởng chế độ. Cần phải đẩy mạnh hơn nữa vai trò chủ động của ngành BHXH trong việc đẩy mạnh các hình thức truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tập huấn, hội thảo, đối thoại và phối hợp với các ngành có liên quan. Cần thiết xây dựng đề án tăng cường hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện thông qua việc tuyên truyền, thúc đẩy truyền thông chính sách.
Thứ hai, đơn giản các thủ tục hành chính trong các cơ quan cung cấp dịch vụ công, đặc biệt đối với ngành BHXH cần tiếp tục đảm bảo duy trì tốt việc giao dịch “một cửa”, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giao dịch hành chính, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện của người lao động nói riêng và người dân nói chung.
Thứ ba, các ngành có liên quan như: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, BHXH… cần nghiên cứu xây dựng đề án hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, trong đó cần tập trung vào các nội dung về tuyên truyền, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện, hỗ trợ đối tượng tham gia về phí đóng góp định kỳ. Xem xét, nghiên cứu việc tăng mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, tối thiểu bằng 50% mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi với ý nghĩa: hỗ trợ trước thay vì hỗ trợ sau.
Thứ tư, tăng cường hơn nữa việc nghiên cứu nhu cầu, đánh giá khả năng tham gia của người lao động nói riêng và người dân nói chung để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách có liên quan ngày một phù hợp hơn và hấp dẫn người dân trong việc tham gia BHXH tự nguyện.