Báo quốc tế dự báo du lịch Việt Nam phục hồi nhanh

(PLVN) - Được đánh giá là một trong những thị trường có sự phục hồi mạnh mẽ nhất sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực. Dự kiến, với mức tăng trường tốt trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát như hiện nay, du lịch Việt sẽ sớm phục hồi và nhanh chóng gia nhập vào “đường đua toàn cầu” vào năm 2021. 
Việt Nam là địa điểm mới thu hút du khách.
Việt Nam là địa điểm mới thu hút du khách.

Thị trường sáng giá

Với những kết quả chống dịch đáng ngưỡng mộ, hiện Việt Nam là một trong những nước được các chuyên gia trên thế giới đánh giá cao về mức độ an toàn để du lịch và có lợi thế cạnh tranh dẫn trước nhiều nước trong khu vực. Mới đây, trang báo về du lịch của Mỹ Skift đưa ra bài viết phân tích những lợi thế của du lịch Việt Nam trong cuộc đua phục hồi du lịch, trong đó, xét cả về thị trường nội địa và quốc tế, Việt Nam đều chiếm ưu thế. 

Thứ nhất về thị trường nội địa, các chương trình kích cầu hướng đến phục hồi du lịch được phát động triển khai từ thời điểm đầu năm đến nay giúp ngành du lịch Việt không bị “đóng băng” hoàn toàn. Cho đến hiện tại, các chương trình này vẫn được tiếp tục thực hiện và nâng quy mô lên toàn quốc.

Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Việt Nam – điểm đến an toàn và thân thiện” được thực hiện đồng bộ, bước đầu thu hút được sự hưởng ứng tham gia của các bên làm du lịch và cho thấy hiệu quả khi mở cửa trở lại. 

Một vấn đề quan trọng lúc này đó là tạo niềm tin đối với người dân khi họ lựa chọn đi du lịch trong thời điểm dịch Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt. Theo ý kiến từ ông Michael Piro, người sở hữu một số quán bar và nhà hàng ở TP HCM cho hay, khi họ mở cửa lại gần đây, doanh số còn tốt hơn trước khi có dịch bệnh.

“Mặc dù còn sớm, tôi biết người dân đang háo hức ra khỏi nhà. Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong việc khơi dậy niềm tin, khi mọi người thấy tình hình được kiểm soát, họ sẽ muốn ra khỏi nhà”. Điều này đến từ mô hình phòng chống dịch thành công tại nước ta với kết quả đáng ngưỡng mộ. 

Bởi vậy, trong các chương trình kích cầu du lịch, trước sự kêu gọi của Chính phủ, người dân rất hưởng ứng và cảm thấy yên tâm khi du lịch, nhờ đó thị trường nội địa vẫn sẽ là phần quan trọng khi thực hiện tái hoạt động du lịch sau dịch bệnh. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, nhờ đó thị trường du lịch nội địa có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. 

Về thị trường quốc tế, dù nhiều chuyên gia vẫn lo ngại về vấn đề mô hình du lịch biệt lập tại Việt Nam không thực sự vững chắc nhưng nếu thực hiện thành công thì việc này sẽ giúp du lịch Việt Nam vượt lên Thái Lan. Hiện Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là hai thị trường quan trọng, việc duy trì các hành lang du lịch với hai quốc gia này sẽ tạo nhiều điều kiện hơn cho sự phát triển.

Mặt khác, nhiều công ty sản xuất đã chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ du lịch cũng có triển vọng tăng cao trong thời gian tới. Nếu du lịch phát triển, FDI sẽ đổ về và dòng tiền du lịch sẽ chảy trở lại.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng mở cửa đón khách quốc tế, khi các biện pháp đảm bảo an toàn được thực hiện quyết liệt, nghiêm túc. Như vậy, đến hiện tại, cả thị trường du lịch nội địa và quốc tế của Việt Nam đều có những định hướng rõ ràng, sẵn để phục hồi trong thời gian tới và sớm vươn lên thành thị trường sáng giá trong khu vực và quốc tế. 

Nâng cao vị thế

Việt Nam vẫn là cái tên được nhắc đến nhiều nhất khi đánh giá thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Việt Nam đang tiến triển theo đúng kịch bản dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch dấu hiệu phục hồi vào quý IV/2020 và chủ yếu là năm 2021. Du lịch nội địa sẽ hồi phục nhanh hơn, chủ yếu với mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thăm thân…

Khi so sánh với Thái Lan, trang Skift cũng đánh giá Việt Nam dường như có ưu thế hơn. Việt Nam đang ở vị trí mới so với Thái Lan trong việc thu hút du khách Trung Quốc và Hàn Quốc thời hậu Covid-19. Việt Nam chỉ mất 7 năm để tăng từ 6 triệu lượt du khách lên 15 triệu, trong khi Thái Lan mất 15 năm. Trên thực tế, Thái Lan cũng là cái tên quen thuộc với khách du lịch, vì vậy, trong thời điểm mới, họ cần tìm kiếm những địa điểm mới mẻ hơn.

Với lợi thế là nước an toàn sau dịch bệnh và những tiềm năng sẵn có cho phát triển du lịch, Việt Nam hoàn toàn là điểm đến mới mà du lịch quốc tế đang hướng đến. Việc đưa vào khai thác có hiệu quả hơn yếu tố địa chất, cảnh quan tự nhiên, sẵn sàng đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng cho du lịch cho thấy Việt Nam đang quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Trước đây, tuy có nhiều lợi thế cho việc phát triển nhưng du lịch Việt vẫn là cái tên đứng sau Thái Lan hay Singapore bởi dịch vụ du lịch còn ít, chất lượng và chi phí không thể cạnh tranh. Tuy nhiên, những năm gần đây, cộng đồng du lịch trong nước và quốc tế nhắc đến nhiều hơn những cái tên như Tràng An, Cát Bà, Sơn Đoòng… Điều này cho thấy sức hút về du lịch Việt đang trở nên mạnh mẽ hơn và đã xây dựng được tiền đề sẵn có để phát triển. 

Với việc nắm bắt được thuận lợi trong cái khó của “bão dịch”, du lịch Việt đã cho thấy sự đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ vượt khó và cùng nhau vươn lên khi cơ hội trở lại. Trang Skift cũng trích dẫn nhận định của ông Piro về sự hấp dẫn của du lịch Việt: “Sau khi bị nhốt quá lâu trong nhà, mọi người sẽ tìm kiếm những chuyến đi và trải nghiệm nhiều hơn. Với bờ biển dài 3.000km và nhiều địa hình khác nhau, du khách có thể ở trong hang động, thăm thác nước, núi non, cánh đồng lúa, bãi biển, sông Mekong trong vòng một tuần…”.

Ba kịch bản của Tổ chức Du lịch Thế giới 

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) dự đoán 3 kịch bản của du lịch toàn cầu năm 2020, với mức độ sụt giảm khách du lịch quốc tế là 58%, 70% và 78%, phụ thuộc vào thời gian nới lỏng các lệnh cấm di chuyển và xuất nhập cảnh lần lượt tương ứng vào đầu tháng 7, đầu tháng 9 hay đầu tháng 12.

Sự tụt giảm này tương đương với thiệt hại khoảng từ 900 đến 1.200 tỉ đô la Mỹ, từ 100 - 120 triệu việc làm trực tiếp trong ngành du lịch sẽ bị mất. Nghiêm trọng hơn, việc hàng triệu sinh kế bị ảnh hưởng sẽ đe dọa kéo lùi lại những thành quả đã đạt được từ Chương trình Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp quốc.

UNWTO kỳ vọng du lịch thế giới sẽ có những dấu hiệu phục hồi vào quý IV/2020 và chủ yếu là năm 2021. Khu vực châu Phi và Trung Đông sẽ hồi phục nhanh hơn, sau đó đến châu Mỹ, cuối cùng là châu Âu, châu Á. Nguyên nhân là trong quý I/2020, du khách quốc tế sụt giảm mạnh, ngành du lịch ở châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất, sau đó là các nước châu Âu.

Đọc thêm