Làm gì để kích cầu du lịch hiệu quả?

(PLVN) - Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động nhằm mục đích kích cầu ngành du lịch sau dịch Covid-19, trong đó trọng tâm hướng về khách nội địa. Các chương trình ưu đãi 50% chi phí tại các cơ sở, dịch vụ du lịch cũng như cam kết giảm giá – không giảm chất lượng tạo cơ hội cho người dân săn các tour giá rẻ chất lượng cao. 
Người Việt đi du lich Việt.
Người Việt đi du lich Việt.

Bài toán liên kết

Trên thực tế, từ thời điểm đầu năm đến nay, nhiều chính sách, chương trình giảm giá cũng được đưa ra như: Bamboo Airway đã triển khai chính sách giá vé 69 nghìn cho ngày thứ tư hàng tuần, giá 99 nghìn cho những ngày cuối tuần; Vietnam Airlines đã dành biểu giá khuyến mại cho các đơn vị trong Liên minh Kích cầu…

Hàng loạt chương trình ưu đãi, giảm giá vé liên tục được đưa ra, tuy nhiên các chương trình này chưa có tính đồng bộ, các dịch vụ du lịch chưa có sự liên kết với nhau, nhiều cơ sở gần như vẫn giữ nguyên mức giá cũ. 

Bởi vậy, chương trình kích cầu du lịch lần này sẽ tạo sự liên kết mạnh mẽ hơn giữa các doanh nghiệp (DN) và cơ sở du lịch, các hoạt động ưu đãi, giảm giá cũng được thực hiện có sự thống nhất giữa các bên. Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc DN lữ hành Ha Noi Redtour cho rằng vấn đề đoàn kết DN là điều quan trọng: “Một công ty lữ hành hay một nhóm công ty lữ hành không thể tạo ra sản phẩm du lịch tốt bởi du lịch là sản phẩm liên ngành liên vùng, tổng hợp của các dịch vụ khác nhau. Và thậm chí nếu cần thiết nữa cần sự hỗ trợ của Nhà nước để tạo sự đồng bộ”.

Không chỉ liên kết giữa các khu vực hay DN với nhau mà còn điều này còn thể hiện ở sự liên kết trong việc giảm giá tất cả các dịch vụ. Hiện nay, với giá vé của các tour kích cầu trong chương trình, hai phương án song song được thực hiện là: Thứ nhất là giá rẻ hơn tour du lịch thông thường từ 20-30% nhưng chất lượng dịch vụ không giảm; thứ hai là giữ nguyên giá nhưng tăng dịch vụ cao cấp cho khách. Trên thực tế, đã có nhiều DN đã bắt đầu tham gia chương trình, ra các tour liên kết giảm giá thu hút khách nội địa. 

Chẳng hạn, với các hành trình từ Hà Nội đến nhiều địa phương, giá phòng khách sạn cao cấp đã giảm từ 30-50% so với giá thường; hay các combo cao cấp nghỉ dưỡng 3-4 ngày tại các khách sạn, resort 5 sao giảm từ 20-50%. Điển hình, tại khu lưu trú 5 sao La Siesta Hoi An Resort & Spa (Hội An – Quảng Nam) giá phòng hạ về mức 750.000 đồng/người cho tour 2 ngày 1 đêm và bao gồm chi phí ăn sáng, ăn tối và xe đưa đón ra bãi biển.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng chuẩn bị khởi động lại “Liên minh kích cầu du lịch” với sự tham gia của 40 tỉnh, thành cùng nhiều doanh nghiệp hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy và dịch vụ tại điểm đến. Hiện các cam kết này được tiếp tục, mức giảm giá các doanh nghiệp đưa ra khá sâu, giảm từ 30-40% giá tour và giảm đến 50% giá dịch vụ.

Nhiều người lo ngại về chất lượng dịch vụ khi giảm giá tour.
 Nhiều người lo ngại về chất lượng dịch vụ khi giảm giá tour.

 “Người Việt đi du lịch Việt” như một khẩu hiệu theo suốt ngành du lịch trong hết năm nay, góp phần thay đổi tâm lý e ngại của nhiều người, tránh được sự bị động cho các doanh nghiệp khi vội vàng tung chương trình kích cầu như trước đó. Đặc biệt sau khi chứng kiến sự tăng trưởng không ngờ của lượng khách trong nước tại các điểm du lịch trong dịp 30/4 – 1/5 thì chương trình “Người Việt đi du lịch Việt” càng có cơ hội thu hút nhiều hơn khách đăng ký.

Cần đảm bảo chất lượng, an toàn

Thời gian tới, dự kiến lượng khách đổ về vùng du lịch, biển cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn phân vân về chất lượng của mùa du lịch biển sắp tới, nhất là khi giá đã giảm ở mức “kịch sàn” theo như chương trình kích cầu. Như những năm trước đây, cảnh tượng người dân chen lấn nhau tại các bãi tắm trong mùa hè hay việc mắc bẫy tin theo các tour “0 đồng” khiến nhiều người vẫn còn tâm lý e ngại.

Theo nhiều phản ánh của đơn vị báo chí và người dân, dù dịch bệnh ở nước ta chỉ vừa kiểm soát được nhưng nhiều cơ sở du lịch biển đã cho thấy tâm lý chủ quan khi đón khách, không đảm bảo chất lượng dịch vụ. 

Tại nhiều vùng biển, các biển cảnh báo an toàn vẫn không được lắp đặt, đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng tiêu cực như sự bất chấp cảnh báo của người dân, hiện tượng chen lấn, tập trung đông người gây mất an toàn. Đặc biệt, các hiện tượng thường thấy trong mùa du lịch biển của những năm trước như “chặt chém” giá cả, hiện tượng ô nhiễm môi trường hay các tai nạn chết đuối, mất tích đã xảy ra. Điều này khiến nhiều người lo ngại về việc liệu kích cầu du lịch có khiến các hoạt động du lịch trở nên lơ là, mất cảnh giác hơn. 

Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng dịch vụ khi phục vụ các tour nhiều người như du lịch dành cho công nhân hay vấn đề tour du lich lễ hội trở nên hời hợt khi thiếu kinh phí hoạt động cũng cần được xem xét.

Bởi vậy, khi xác định mùa du lịch biển sẽ lên ngôi và sẽ là mục tiêu mà chương trình kích cầu hướng về nhằm hút hơn lượng khách nội địa, các cấp, ngành cần có sự vào cuộc quyết liệt, thực hiện cam kết chất lượng dịch vụ cũng như cam kết an toàn; tăng cường giám sát và xử phạt nghiêm các trường hợp không thực hiện theo quy định; đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho du khách… 

Hình thành các tam giác du lịch

Sau khi chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” được phát động, trên các vùng miền nước ta, các doanh nghiệp đã đề xuất liên kết với nhau hình thành nên các tam giác du lịch. Chủ tịch Viettravel Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất nên hình thành các khu vực: Miền Bắc là tam giác Hà Nội - Ninh Bình - Quảng Ninh; miền Trung là Huế - Quảng Nam - Đà Nẵng – Đắk Lắk - Phú Yên - Quy Nhơn; miền Nam là TP HCM với Đồng bằng sông Cửu Long.

Tiêu biểu, tỉnh Bình Định đã bắt đầu thực hiện mở cửa trở lại chuỗi liên kết du lịch giữa các tỉnh lân cận nhất là Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Ngãi tạo thành tour du lịch liên kết từ miền núi đến miền biển.

Đọc thêm