Tham dự có ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Văn hóa, thể thao và Du lịch; Phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch hội Điện ảnh Việt Nam; Bà Lê Thị Ái Nam – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu; Ông Nguyễn Văn Hoà - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu; Ông Phan Thanh Duy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu; Hòa thượng Lý Sa Muoth – Chủ tịch danh dự Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu; Hòa thượng Hữu Hinh - Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu; Thượng tọa Tăng Sa Vong – Phó Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu; Thượng tọa Dương Quân – Phó Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu,… cùng đông đảo bà con dân tộc Khmer.
|
Bà Lê Thị Ái Nam – Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Bạc Liêu trao cờ lưu niệm cho đại diện các đội tham dự Liên hoan nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer. |
Liên hoan lần này diễn ra trong thời gian 02 ngày, có 16 đội tham gia với 02 loại hình hoà tấu ngũ âm và múa dân gian Khmer đến từ các chùa Khmer của huyện, thị xã, thành phố. Nội dung Ca ngợi Đảng, Bác Hồ; ca ngợi truyền thống đoàn kết gắn bó giữa cộng đồng của 03 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa trong đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về biển đảo quê hương, quá trình xây dựng và phát triển của địa phương. Liên hoan sẽ diễn ra đến ngày 23/11 - Ban tổ chức sẽ trao giải A, B và C cho các đơn vị.
|
Bà Trần Thị Lan Phương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Trưởng ban tổ chức Liên hoan phát biểu khai mạc. |
Phát biểu khai mạc, Bà Trần Thị Lan Phương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Trưởng ban tổ chức Liên hoan cho biết: “Liên hoan nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer lần này được tổ chức nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển; góp phần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Đồng thời, Liên hoan cũng là dịp phát huy những tài năng nghệ thuật, tạo điều kiện nâng cao chất lượng phong trào văn hóa - văn nghệ trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”.
|
|
|
Một số tiết mục biểu diễn nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer. |
“Người Khmer có một kho tàng nhạc cụ phong phú và đặc sắc. Nhạc cụ ngũ âm là dàn nhạc truyền thống tiêu biểu của người Khmer Nam bộ. Nó có âm lượng lớn và thường được dùng trong các nghi lễ quan trọng tại các chùa Khmer và trong các ngày lễ hội cổ truyền. Nhạc ngũ âm được thiết kế đẹp và tinh xảo, mỗi nhạc khí được định âm một cách chính xác, đảm bảo các yếu tố hoà âm cho cả dàn,… Hiện nay, nhạc ngũ âm đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong các phum, sóc của đồng bào Khmer” - Bà Trần Thị Lan Phương cho biết thêm.
Dàn nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer còn được gọi là dàn nhạc Pin Piết đã có từ rất xa xưa, được thiết kế rất tinh xảo bởi các nghệ nhân người Khmer. "Ngũ âm" là 5 loại chất liệu tạo thành âm thanh của dàn nhạc và trong biến chế chính thức, dàn nhạc có 7 nhạc cụ, khi diễn tấu tạo ra năm âm thanh (Ngũ âm). Cụ thể là đồng, sắt, gỗ, da và hơi, thể hiện bằng 7 loại nhạc khí khác nhau.