Bảo tồn, phát huy giá trị mộc bản triều Nguyễn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận năm 2009. Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đang nỗ lực thực hiện bảo tồn mộc bản triều Nguyễn, phát huy được các giá trị tư liệu lịch sử - văn hóa quý giá.
Các đại biểu tham quan kho lưu trữ 34.555 tấm mộc bản triều Nguyễn. (Ảnh Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước)
Các đại biểu tham quan kho lưu trữ 34.555 tấm mộc bản triều Nguyễn. (Ảnh Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước)

Số hóa 3D toàn bộ bản gốc

Mộc bản triều Nguyễn là khối di sản quý, có giá trị trên nhiều phương diện như lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, giáo dục, văn hóa thời kỳ cận đại, ghi chép về việc giao thương kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Trong hồ sơ di sản, mộc bản triều Nguyễn được đánh giá như sau: “34.555 bản khắc mộc bản đã giúp lưu lại những tác phẩm chính văn, chính sử do triều Nguyễn biên soạn, các sách kinh điển và sách lịch sử. Ngoài giá trị về mặt sử liệu, còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác. Nó đánh dấu sự phát triển của nghề khắc ván in ở Việt Nam. Chính vì những tính chất quan trọng và giá trị cao mà trong thời kỳ phong kiến và các nhà nước trong lịch sử của Việt Nam đã rất chú tâm để bảo quản những tài liệu này”.

Hiện nay, toàn bộ khối tài liệu đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Từ năm 2004, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã cho phép biên soạn và xuất bản sách mộc bản triều Nguyễn giới thiệu toàn bộ nội dung khối tài liệu quý hiếm trên với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước để bảo tồn và phát huy giá trị.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Bảo quản và phát huy giá trị tài liệu mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới”. Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm bảo quản an toàn tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, hạn chế sự hư hỏng của tài liệu nhằm gìn giữ tài liệu lâu dài; phát huy giá trị khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn thông qua việc đổi mới và mở rộng các hình thức quảng bá, tuyên truyền nhằm giới thiệu cho công chúng trong và ngoài nước tiếp cận, hiểu được giá trị nội dung, ý nghĩa của tài liệu mộc bản triều Nguyễn; phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam về vai trò của công tác lưu trữ, giá trị của tài liệu lưu trữ thông qua khối Di sản tư liệu thế giới quý hiếm này.

Khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn đã được xây dựng nhà kho chuyên dụng hiện đại để bảo quản, đã phân loại, chỉnh lý khoa học, đồng thời được in rập ra giấy dó và số hóa, có phần mềm quản lý và phục vụ khai thác sử dụng. Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tiến hành số hóa 3D toàn bộ bản gốc mộc bản triều Nguyễn. Đây là việc cần thiết bởi từ cơ sở dữ liệu ấy, có thể tổ chức những phòng trưng bày trực tuyến, làm tư liệu cho phim. Số hóa 3D giúp trung tâm quản lý, theo dõi mức độ biến dạng của tài liệu thuận tiện hơn và dễ dàng đưa giá trị mộc bản vào trường học.

Dự án bảo tồn khẩn cấp

Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ vừa tổ chức lễ công bố hoàn thành Dự án “Bảo tồn khẩn cấp mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới” tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia Việt Nam IV vào ngày 25/5/2023.

Dự án “Bảo tồn khẩn cấp mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới” do Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ quán Hoa Kỳ tài trợ với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng nhằm bảo tồn 500 tấm mộc bản triều Nguyễn bị xuống cấp đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. Từ khi khoản tài trợ được thông qua (tháng 7/2020), nhóm kỹ thuật đã tiến hành khảo sát, xác định, đánh giá mức độ hư hỏng của 500 tấm mộc bản triều Nguyễn từ tháng 8 đến tháng 10/2020. Từ tháng 1/2021, nhóm kỹ thuật đã tiến hành xử lý bảo tồn 500 tấm mộc bản triều Nguyễn bị xuống cấp.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nhấn mạnh: “Thành công lớn nhất của dự án vừa bảo tồn, trùng tu 500 tấm Mộc bản triều Nguyễn đã xuống cấp, vừa góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý di sản và người dân trong việc bảo tồn di sản. Đồng thời, giúp rèn luyện kỹ năng bảo quản mộc bản cho các cán bộ phụ trách bảo quản mộc bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. Cùng với đó, việc triển khai dự án đã tạo ấn tượng tốt đẹp về giá trị của mộc bản đối với xã hội Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế”.

Không dừng ở việc lưu trữ, bảo quản, các cơ quan lưu trữ còn là nơi phổ biến những di sản tư liệu quý. Từ khi mộc bản triều Nguyễn được vinh danh là di sản tư liệu, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với các tỉnh, thành, sở, ban, ngành đã tổ chức nhiều hoạt động triển lãm, trưng bày, hội thảo di sản, phim, video, hình ảnh để quảng bá cho di sản như: Triển lãm: “Hoàng thành Thăng Long qua mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới”. “Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong mộc bản triều Nguyễn”; Trưng bày di sản tư liệu thế giới và tài liệu lưu trữ quốc gia “Tổ chức bộ máy nhà nước qua các thời kỳ”; Triển lãm “Khoa bảng Việt Nam thời phong kiến qua di sản tư liệu thế giới”…

Đọc thêm