Gìn giữ và phát huy Hội hát chèo tàu Tổng Gối

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hội hát chèo tàu Tổng Gối mới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, giữa guồng quay hiện đại hóa, Hội chèo tàu Tổng Gối đang đối mặt với không ít thách thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị.
Hát chèo tàu Tổng Gối. (Ảnh: Đ.Phượng)
Hát chèo tàu Tổng Gối. (Ảnh: Đ.Phượng)

Diễn xướng trên chiếc tàu gỗ

Hội chèo tàu Tổng Gối là lễ hội truyền thống lâu đời, diễn ra vào đầu xuân âm lịch, tại làng Gối xưa (nay thuộc xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Điểm nhấn đặc biệt của Hội là nghi lễ chèo tàu trên cạn - một hình thức diễn xướng dân gian vừa mang tính nghi lễ, vừa mang tính sân khấu.

Theo tích xưa kể lại, tướng Văn Dĩ Thành là một người con thuộc dòng dõi quan lại triều Trần, sinh ra ở vùng Tổng Gối xưa. Là một người học rộng tài cao, thông thạo kinh sử, ông đã có công chiêu mộ binh lính, huấn luyện quân nhân chống lại giặc Minh. Ông nổi tiếng với 6 lời thề ước và chỉ huy đội đánh đâu thắng đấy. Dưới sự lãnh đạo tài tình của ông, quân giặc đã chịu nhiều tổn thất nặng nề. Sau khi ông hy sinh trên đất Tổng Gối, để ca ngợi ân đức của tướng Văn Dĩ Thành, người dân Tổng Gối đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo chèo tàu. Vào dịp Rằm tháng Giêng, người dân ở Tổng Gối lại tổ chức Lễ hội truyền thống hát chèo tàu.

Trong nghi thức chèo tàu, người dân hóa thân vào vai các thủy thủ, thuyền trưởng để tái hiện chuyến hải trình vượt sóng gió, thể hiện ước vọng cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an. Những động tác chèo, hò, hát, phối hợp nhịp nhàng theo tiếng trống, tiếng chiêng… tạo nên một không gian văn hóa sống động, thiêng liêng và giàu tính biểu tượng.

Nghệ nhân Ưu tú Ngô Thị Thu - Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát chèo tàu Tổng Gối chia sẻ, đặc sắc nhất trong Lễ hội là màn hát chèo tàu với các làn điệu đối đáp giữa hai tàu - là những chiếc thuyền rồng bằng gỗ, không để hạ thủy mà chèo tượng trưng trên cạn. Mỗi tàu 13 người gồm bà chúa tàu, 2 cái tàu và 10 con tàu. Khi biểu diễn, bà chúa tàu đánh thanh la, 2 cái tàu lĩnh xướng và các con tàu hát họa theo. Phía sau là đôi voi với hai quản tượng có nhiệm vụ thổi tù và làm hiệu. Nội dung của các bài hát trong diễn xướng chèo tàu là những bài hát riêng và những bài hát đối đáp của “tàu” và “tượng”, đều nhằm ca ngợi công đức của Thành hoàng Tổng Gối Văn Dĩ Thành. Hát chèo tàu gồm 20 làn điệu, được chia thành các hình thức, như: Hát trình, hát thuyền và hát bỏ bộ.

Cần quảng bá trên các nền tảng số

Tuy có giá trị văn hóa độc đáo, nhưng Hội chèo tàu đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong công cuộc bảo tồn. Theo các nghệ nhân dân gian, vì Lễ hội chèo tàu đòi hỏi không gian lớn, thời gian kéo dài cho nên xưa kia cứ 25 năm Hội hát chèo tàu mới được tổ chức một lần vào những lúc mưa thuận gió hòa, đời sống người dân khấm khá. Những năm gần đây, thể theo nguyện vọng của Nhân dân, lễ hội hàng năm giao cho một thôn chủ trì chính và 5 năm sẽ là lễ hội hàng tổng.

Sự mai một thế hệ nghệ nhân khi những người có kinh nghiệm, hiểu biết về các nghi lễ, lời ca, điệu múa đang ngày một già hoặc mất đi. Với người trẻ bắt đầu học hát chèo tàu là rất khó, bởi những lời hát cổ nhấn nhá đặc trưng. Xã Tân Hội đang nỗ lực bảo tồn loại hình chèo tàu này qua hình thành câu lạc bộ, tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy. Hiện, các nghệ nhân đã sưu tầm được 300 bài, nhưng trình diễn thường có 8 bài. Tuy nhiên, Hội chèo tàu Tổng Gối vẫn chưa được khai thác hiệu quả trong phát triển du lịch văn hóa.

Để di sản được phát huy, không bị rơi vào quên lãng, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tổ chức các lớp học, câu lạc bộ dân gian tại trường học, nhà văn hóa để dạy cho thế hệ trẻ lời ca, điệu múa, nghi lễ Hội chèo tàu. Các nghệ nhân cao tuổi cần được mời giảng dạy, biểu diễn mẫu để truyền nghề cho lớp trẻ; Nên đưa các nội dung về Hội chèo tàu vào chương trình giáo dục địa phương trong môn lịch sử - văn hóa, đồng thời khuyến khích học sinh tham gia biểu diễn, thực hành để gắn bó hơn với di sản;...

Trong thời đại số, Hội chèo tàu cần được giới thiệu rộng rãi hơn trên các nền tảng số: YouTube, Facebook, TikTok, website của địa phương, các trang du lịch...

Hội chèo tàu không chỉ là hoạt động dân gian mà hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Việc phối hợp giữa chính quyền địa phương và các công ty lữ hành sẽ giúp đưa Hội chèo tàu đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước cũng như cộng đồng quốc tế trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Đọc thêm