Bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc bảo tồn, phát triển các môn thể thao truyền thống không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần, mà còn phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc.
Người dân hào hứng tham gia trò chơi đi cà kheo tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Dao. (Ảnh: Minh Thương)
Người dân hào hứng tham gia trò chơi đi cà kheo tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Dao. (Ảnh: Minh Thương)

Những môn thể thao, trò chơi đặc sắc vùng cao

Theo Luật Thể dục, Thể thao hiện hành, Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy các môn thể thao dân tộc theo quy định của Luật Di sản văn hoá và Luật này; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia khai thác và phát triển các môn thể thao dân tộc, chú trọng các loại hình thể thao của các dân tộc thiểu số. Cơ quan quản lý nhà nước về thể dục, thể thao có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn tập luyện, biểu diễn và thi đấu các môn thể thao dân tộc; phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan phổ biến các môn thể thao dân tộc ra nước ngoài.

Trong nhiều cuộc đua tranh ở bản làng hay tại ngày hội thể thao lớn trong vùng đều có đông đảo nam nữ tham gia. Ví dụ trò chơi “tó mắc lẹ”, đẩy gậy, nhảy dây, ném còn của người Thái. Trong cuộc sống, người dân làm cây nỏ để rèn luyện sức khoẻ, bắn chim, săn thú. Nỏ cũng trở thành vũ khí lợi hại để bảo vệ bản làng khi có giặc thù. Trong mỗi cuộc chơi của thanh niên bản, môn bắn nỏ có nhiều cách chơi phong phú như bắn trúng đích xa, gần. Người bắn giỏi phải tập luyện thường xuyên, tập cho đôi tay khoẻ, đôi mắt tinh nhanh.

Cuộc đua ngựa của người Mông, người Tày, người Nùng cũng không thể thiếu tại vùng cao... Trò đua ngựa ở miền núi thể hiện tinh thần phóng khoáng, dũng cảm, sự tự tin mãnh liệt. Cuộc đua ngựa được cả làng háo hức mong chờ.

Đồng bào La Chí những trò chơi dân gian độc đáo đặc trưng riêng của dân tộc vùng cao đó là trò chơi đu quay. Trò chơi này không chỉ đáp ứng như cầu vui chơi giải trí mà chính là cách thức thực hành, biểu hiện các tín ngưỡng dân gian của dân tộc La Chí.

“Lảy cỏ” - một trò chơi truyền thống của đồng bào Tày, Nùng nhằm tạo không khí sôi động, phấn khởi. Trò chơi “Lảy cỏ” gần giống như trò oẳn tù tì, nhưng phức tạp hơn vì phải kết hợp giữa miệng nói, tay xòe và suy nghĩ.

Đánh yến vùng cao hình thức không khác với môn thể thao đánh cầu lông ở vùng xuôi là mấy. Cũng là thao tác tung con yến (hay còn gọi là quả yến) lên không trung (giống như quả cầu lông), dùng bàn yến đánh qua lại giữa hai người chơi với sự vận động của con người, mục đích đỡ được con yến vào đúng bàn đánh, không để yến rơi xuống đất.

Phong phú nhiều lễ hội, giải đua

Trong xu thế hội nhập, lo ngại các môn thể thao dân tộc đang có nguy cơ mai một, những năm qua, các tỉnh, thành đã tổ chức ngày hội thể thao, giải đua thu hút nhiều vận động viên người dân tộc tham gia. Với chủ đề “Văn hóa vùng Đông Bắc - Bản sắc, hội nhập và vươn xa”, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 2 - 4/11 tại tỉnh Lạng Sơn.

Đây là một sự kiện văn hóa quy mô lớn, với sự tham gia của 8 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Ngày hội nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Đông Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; giới thiệu những tiềm năng về văn hóa, thể thao, du lịch, phát huy giá trị di sản văn hóa của vùng, góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Đặc biệt, lễ hội sẽ sôi động với những cuộc thi kéo co, đẩy gậy, tung còn, đi cà kheo - những trò chơi dân gian lâu đời đã trở thành biểu tượng văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc.

Trên thực tế, hằng năm, các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số đều tổ chức những hoạt động thiết thực, như: Đại hội Thể dục Thể thao, Ngày hội Văn hóa… một số trò chơi dân gian và môn thể thao dân tộc chỉ được tổ chức trong những dịp lễ hội đặc biệt này. Vì vậy, các trò chơi, môn thể thao truyền thống ít có cơ hội thực hành trong cuộc sống đương đại và đang có nguy cơ mai một, trước xu thế hội nhập và trào lưu văn hóa mới hiện nay.

Các trò chơi, thể thao dân gian không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, dễ tập, dễ chơi, các môn thể dục, thể thao không nặng về ganh đua, tranh giành quyết liệt mà mang ý nghĩa giải trí, tăng cường tinh thần đoàn kết nhiều hơn. Những trò chơi dân gian hoàn toàn có thể trở thành một phần trong chuỗi hoạt động du lịch cộng đồng. Tham gia trải nghiệm các trò chơi dân gian tại điểm du lịch cộng đồng vừa là hoạt động vui chơi ngoài trời bổ ích, lý thú, vừa là hình thức giúp du khách có cơ hội tìm hiểu về truyền thống văn hóa của vùng miền, có giá trị quảng bá văn hóa, du lịch.

Nếu được khai thác hiệu quả, đây có thể trở thành một điểm nhấn nổi bật thu hút du khách khi được kết nối các yếu tố khác về văn nghệ, ẩm thực, văn hóa… nhất là khi du lịch cộng đồng đang phát triển mạnh mẽ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số như hiện nay.

Đọc thêm