Bảo tồn văn hóa, di sản thời 4.0

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày nay, khoa học công nghệ đã trở thành một công cụ đắc lực trong câu chuyện bảo tồn văn hóa, di sản thiên nhiên. Hành trình bảo tồn di sản thiên nhiên trong thời đại 4.0 chỉ mới bắt đầu chưa lâu, nhưng đã có những bước tiến đáng kể.
Nghệ An là một trong những địa phương tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0 vào bảo vệ di sản. (Di tích Thành cổ Vinh đã được số hóa)
Nghệ An là một trong những địa phương tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0 vào bảo vệ di sản. (Di tích Thành cổ Vinh đã được số hóa)

Vai trò của công nghệ trong bảo tồn di sản và thách thức đặt ra

Khoa học công nghệ đã và đang giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống. Nó là phương tiện, là công cụ, vừa tạo ra cơ hội, vừa tạo ra thách thức cho quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống.

Trong đó, số hóa di sản đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, góp phần lưu trữ, giữ gìn được tính nguyên gốc của di sản nhằm giới thiệu, quảng bá với cộng đồng trong và ngoài nước một cách thuận lợi.

Đã có không ít sự việc di tích bị xâm hại, bị biến đổi nghiêm trọng so với nguyên gốc để trục lợi cho một số tổ chức, cá nhân. Chính vì thế, việc trang bị đầy đủ dữ liệu trên nền tảng số về di sản trong nhiều phương diện cụ thể như kiến trúc, vật liệu, màu sắc, nội dung... chính là giải pháp hữu hiệu giúp cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích đảm bảo được yếu tố nguyên gốc, tránh sự xâm hại, biến tướng di tích.

Có thể khái quát tầm quan trọng của công nghệ trong việc bảo tồn và phát triển di sản ở nhiều khía cạnh. Công nghệ 4.0 giúp cho việc quảng bá các di sản văn hóa trở nên rộng rãi hơn, sinh động hơn và thu hút được nhiều người quan tâm hơn. Thông qua hình ảnh, video clip được cập nhật trên nền tảng số, các hình ảnh di tích, các nền văn hóa, các lễ hội truyền thống... có thể được người dùng mạng theo dõi, tìm hiểu từ xa một cách sinh động, phong phú. Qua đó có thể khơi gọi niềm hứng thú, yêu thích đối với di sản và các nền văn hóa.

Công nghệ 4.0 còn giúp tạo điều kiện để biến các giá trị di sản văn hóa thành các loại hàng hóa và được đưa ra thị trường, góp phần phát triển “công nghiệp văn hóa” và “kinh tế di sản”.

Quan trọng hàng đầu là công nghệ tạo phương tiện xây dựng cơ sở dữ liệu làm nền tảng để bảo tồn di sản văn hóa. Tại các nước, tiến trình này đã được thực hiện từ rất nhiều năm nay và nhiều quốc gia phát triển, giờ đây tiến trình số hóa di sản đã lên đến con số 89-90%. Tại Việt Nam, chỉ những năm gần đây, vấn đề số hóa mới được đặt ra và tiến hành. Đặc biệt, tiến độ đã được đẩy nhanh khi trải qua thời kì bùng phát dịch bệnh, những người làm công tác bảo tồn, phát huy di sản càng thấy rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ.

Cả nước ta hiện nay có khoảng 3.500 di tích quốc gia, hơn 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. So với nhiều quốc gia, đây là con số rất lớn. Nó có thể là niềm tự hào, là một nội lực để chúng ta duy trì, phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa là tiền đề để phát triển du lịch, kinh tế văn hóa... Nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức, khó khăn, những tốn kém về thời gian, tiền bạc, công sức con người... trong công tác số hóa di sản.

Như khó khăn về việc cập nhật những ứng dụng, công nghệ mới nhất, khó khăn trong thu thập dữ liệu chính xác và đầy đủ với một di tích, hay cả yếu tố con người, làm sao để người làm công tác thu thập phải có trình độ chuyên môn để không xảy ra những sai sót không đáng có. Còn có sự chênh lệch về nội lực, về trình độ, kinh phí “số hóa” của mỗi địa phương...

Những thách thức ấy đòi hỏi chúng ta phải có những quy định, tiêu chí cụ thế, những giải pháp đồng bộ, và quan trọng là sự đầu tư tập trung, nhìn nhận được tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ vào bảo vệ các giá trị văn hóa.

Nhiều di tích TP HCM xuống cấp đặt ra yêu cầu cấp thiết về số hóa để gìn giữ. (Lò gốm Hưng Lợi ở quận 8, TP HCM đã xuống cấp nhưng chưa được trùng tu).

Nhiều di tích TP HCM xuống cấp đặt ra yêu cầu cấp thiết về số hóa để gìn giữ. (Lò gốm Hưng Lợi ở quận 8, TP HCM đã xuống cấp nhưng chưa được trùng tu).

Hành trình bảo tồn di sản trong thời 4.0

Từ hơn năm năm trở về trước, hành trình ứng dụng công nghệ để bảo về các giá trị văn hóa, di tích di sản đã được bắt đầu tại các địa phương trên cả nước.

Như Nghệ An, một trong những địa phương có nhiều nét đẹp văn hóa cổ truyền và nhiều di sản quan trọng, cũng là tỉnh tiên phong trong hành trình ứng dụng công nghệ. Nghệ An hiện có hơn 2.600 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 471 di tích đã được xếp hạng. Công tác số hóa toàn diện đã được Nghệ An triển khai từ năm 2017, trong đó chú trọng đến số hóa di tích, danh thắng và các tư liệu liên quan đến di tích đó là các tư liệu hán nôm như thần tích, thần phả, sắc phong, gia phả…

Từ năm 2017 đến nay, Sở đã tổ chức số hóa 16/21 địa phương với tổng số trên 70.500 trang tư liệu liên quan các di tích trên địa bàn. Dự kiến đến năm 2023, các di tích danh thắng đã được xếp hạng sẽ được số hóa và giới thiệu quảng bá trên không gian mạng, trong đó ưu tiên các di tích trọng điểm có giá trị và có tiềm năng phát triển du lịch. Đến năm 2025, toàn bộ di tích đã được kiểm kê trên địa bàn sẽ được số hóa và nhận diện để tạo một cơ sở dữ liệu phát triển bền vững.

Bắc Ninh, cái nôi của quan họ cũng là địa phương đi đầu trong cả nước về việc hoàn thiện số hóa tổng thể hệ thống di sản. Từ năm 2018 - 2020, tỉnh đã đầu tư gần 45 tỷ đồng để thực hiện đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa. Sau khi thực hiện đề án, các không gian, thuộc tính của 858 di tích được xếp hạng, nội thất 4 di tích quốc gia đặc biệt cùng các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh cũng được xây dựng thành ngân hàng dữ liệu dạng số tổng thể.

Không thể không nhắc đến hai địa phương hàng đầu cả nước là Hà Nội và TP HCM trong hành trình ứng dụng công nghệ để bảo tồn văn hóa và di sản.

Tại Hà Nội, các di tích, trên địa bàn Thủ đô từ nhiều năm nay đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ số vào việc lưu trữ dữ liệu, quảng bá, hoạt động du lịch. Tại nhiều di tích, các ứng dụng công nghệ hiện đại đã được áp dụng như: Hệ thống thuyết minh tự động gồm 12 ngôn ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế; Ứng dụng tương tác thông tin di sản đa phương tiện trên điện thoại thông minh (tương tác mã QR); Hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI...

Công trình “Số hóa các di tích” cũng đang được các cơ sở Đoàn trên địa bàn Thủ đô triển khai một cách tích cực, đem lại sự thuận tiện, hài lòng cho du khách trong và ngoài nước.

Riêng về TPHCM, mặc dù việc ứng dụng công nghệ đã được triển khai mạnh mẽ trong những năm qua, nhất là trong lĩnh vực bảo tàng, nhưng đây đó, vẫn còn nhiều sự việc, hiện tượng di tích bị “biến mất”, bị xuống cấp, biến tướng. Trong cuộc giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP HCM đối với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Sở Du lịch TP HCM, Viện Nghiên cứu, phát triển và Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM về công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc trên địa bàn, nhiều vấn đề bất cập đã được đặt ra, đồng thời. Sở Du lịch TP HCM đã có kiến nghị cần sớm triển khai giai đoạn 2 ứng dụng công nghệ 3D và số hóa giới thiệu các di sản văn hóa, đặc biệt là văn hóa phi vật thể, kết nối, khai thác các giá trị đặc sắc của di sản và cảnh quan kiến trúc trong du lịch.

Đầu tháng 12/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định phê duyệt chương trình “Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030”. Chương trình nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Chương trình đặt mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021-2030 là: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, 100% các di tích quốc gia đặc biệt, 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số (ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, ban quản lý di tích). Cùng với đó, 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.

Chương trình đã đặt ra những mục tiêu rất cụ thể trong một giai đoạn để những người, cơ quan làm công tác quản lý di sản hướng đến. Hành trình bảo tồn văn hóa, di sản của Việt Nam chỉ mới bắt đầu chưa lâu. Nhưng tin rằng, với sự quan tâm của Chính phủ, với nỗ lực và quyết tâm của những người làm công tác văn hóa, của toàn dân, những giá trị đẹp đẽ của văn hóa dân tộc sẽ được bảo vệ, phát triển, quảng bá rộng rãi.

Đọc thêm