Bất cập trong điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

(PLO) - Kể từ ngày 15/7, mức giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được điều chỉnh theo Thông tư 15/2018/TT-BYT mà Bộ Y tế mới ban hành, tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho rằng, nhiều dịch vụ được điều chỉnh không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh (KCB) BHYT.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giảm mạnh giá nhiều dịch vụ y tế

Thông tư 15/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp, được ban hành thay thế Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC.

Theo đó, giá khám bệnh tại tất cả các cơ sở y tế công lập đều giảm mạnh từ 15-20%. Cụ thể, giá khám bệnh tại bệnh viện hạng 1 sẽ giảm từ 39.000 đồng hiện nay xuống 33.100 đồng, giá khám tại bệnh viện hạng 2 còn 29.600 thay vì 35.000 đồng, giá khám tại trạm y tế xã, bệnh viện hạng 4 cũng giảm từ 29.000 còn 23.300 đồng.

Cùng với đó, giá ngày giường điều trị cũng giảm từ 2 - 10% theo từng hạng bệnh viện. Giá ngày giường tại bệnh viện hạng 1 sẽ giảm từ 632.200 xuống còn 615.600 đồng. Giá ngày giường hồi sức cấp cứu, chống độc tại bệnh viện hạng 4 cũng giảm từ 226.000 xuống 221.200 đồng. Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp sẽ được áp dụng mức giá bằng 50% giá ngày giường theo từng loại chuyên khoa.

Riêng giá giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc... tại bệnh viện hạng đặc biệt sẽ tăng lên 687.100 đồng; nhưng cũng thấp hơn đề xuất ban đầu gần 64.000 đồng, giá hiện áp dụng là 677.100 đồng.

Bên cạnh đó, khoảng 40 dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ được điều chỉnh giảm giá, chủ yếu là các dịch vụ chẩn đoán như: Siêu âm, Xquang, MRI, CT scanner, PET-CT...

Trong đó, một số dịch vụ kỹ thuật giảm rất lớn như phẫu thuật cắt Amidan bằng dao điện giảm từ 3,6 triệu xuống còn 2 triệu đồng, phẫu thuật tạo thông động tĩnh mạch AVF giảm từ 7,2 triệu xuống còn 3,6 triệu đồng, xét nghiệm Mycobacterium tuberculosis định danh và kháng RMP Xpert giảm đến 6 lần, nội soi tai mũi họng giảm hơn 2 lần. Chi phí phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày cũng giảm mạnh từ hơn 4 triệu xuống còn 2,8 triệu đồng…

Cách tính giá thiếu thực tế? 

Thời điểm giảm giá theo Thông tư 15/2018/TT-BYT  là ngày 15/7/2018 không còn xa, nhưng BHXH Việt Nam cho rằng, Thông tư này còn nhiều điểm bất cập, ảnh hưởng đến chính sách BHYT.

Cụ thể, về định mức kinh tế kỹ thuật, làm căn cứ để xác định giá dịch vụ y tế (DVYT), BHXH Việt Nam nhận định, định mức kinh tế kỹ thuật chưa được khảo sát đầy đủ tại các cơ sở KCB,  không dựa trên quy trình chuyên môn kỹ thuật. Bên cạnh đó, nhiều giá DVYT được xây dựng cao, không phù hợp với khả năng cung cấp DVYT của hầu hết các cơ sở KCB đã dẫn đến tình trạng tại nhiều bệnh viện, chi phí vật tư y tế kết cấu trong giá DVYT lớn hơn nhiều lần so với thực tế sử dụng (găng tay, kim châm cứu, parafil, xà phòng rửa tay, dung dịch sát khuẩn...).

Đơn giá các vật tư có trong định mức kinh tế kỹ thuật lấy giá khảo sát từ các bệnh viện tuyến trung ương hoặc của 2-5 cơ sở KCB nhưng có giá chênh lệch lớn hoặc không có nguồn tham khảo...  để tính giá trung bình, làm căn cứ xây dựng giá ngày giường trong toàn quốc. 

Tuy nhiên, tại Thông tư số 15/2018/TT-BYT  quy định “Định mức kinh tế kỹ thuật là cơ sở để xây dựng giá dịch vụ KCB, không sử dụng làm căn cứ để thanh toán đối với từng dịch vụ KCB cụ thể”. 

Theo đó, BHXH Việt Nam cho rằng, quy định này là không phù hợp vì giá dịch vụ được xác định trên cơ sở định mức. Nếu thực hiện định mức không đúng, không đảm bảo thì mức giá dịch vụ thanh toán cũng sẽ không đúng theo quy định. Đồng thời, không đảm bảo nguyên tắc tài chính trong thanh quyết toán chi phí KCB BHYT do nếu không sử dụng mà thực hiện thanh toán thì đó là thanh toán khống. Mức giá không gắn được trách nhiệm chuyên môn của các cơ sở KCB, không đảm bảo công bằng và chưa tạo động lực thúc đẩy các cơ sở KCB nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Về thanh toán chi phí giường điều trị nội trú, thời gian qua, tình trạng kê thêm giường bệnh nội trú diễn ra tại hầu hết các cơ sở KCB, nhiều cơ sở y tế không đảm bảo được các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực y tế vẫn kê thêm quá nhiều giường bệnh để tăng cường đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú, không đảm chất lượng điều trị người bệnh. 

Việc này đã làm gia tăng nhanh chi phí giường bệnh (năm 2017 chi gần 18 nghìn tỷ đồng). Tại nhiều cơ sở KCB, chi phí tiền giường chiếm đến 40-50% tổng chi phí điều trị. Sự mất cân đối trong thanh toán chi phí ngày giường đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, đồng thời đã xảy ra tình trạng lạm dụng quỹ BHYT thông qua việc kê thêm nhiều giường bệnh để đưa nhiều bệnh nhân vào điều trị nội trú khi chưa cần thiết.

Theo đó, để khắc phục tình trạng này, BHXH Việt Nam cho biết cần phải xác định mức giá theo định mức nhân lực thực tế. Tuy nhiên, tại Thông tư số 15/2018/TT-BYT vẫn đưa ra một phương thức tính toán không phù hợp, đó là: Căn cứ theo giường điều trị thực kê của cơ sở năm 2015, mỗi năm cho phép tăng hợp lý là 10%. Trường hợp nếu vượt quá 30% số giường bệnh thực kê (sau khi tăng 10% hằng năm) mới tính là vượt định mức và tỷ lệ thanh toán chỉ giảm từ 3-5% so với mức giá quy định. 

Vì vậy, BHXH Việt Nam cho rằng, quy định này tại Thông tư 15/2018/TT-BYT đã không giải quyết căn cơ được tình trạng gia tăng chi phí điều trị nội trú bất hợp lý do không có các ràng buộc về nhân lực và chất lượng giường bệnh và tỷ lệ giảm giá khi vượt định mức giường bệnh không lớn.   

Đọc thêm