Bất chấp hiểm nguy, chiến sĩ công an vượt lũ cứu người

(PLO) -Đợt mưa lớn kéo dài bất thường vừa qua tại các tỉnh miền Trung đã gây ra lũ lụt và thiệt hại nặng cho nhân dân. Trong những giờ phút người dân đối mặt với dòng lũ dữ, thậm chí cận kề cái chết, tình cảm của các chiến sĩ Công an Đà Nẵng, Quảng Nam đối với họ thật đáng trân quý.
Công an huyện Đại vượt lũ đưa sản phụ đi sinh.
Công an huyện Đại vượt lũ đưa sản phụ đi sinh.

Vượt lũ cứu người

Những trận mưa như trút nước và kéo dài nhiều ngày khiến nước từ thượng nguồn đổ xối xả về hạ du Quảng Nam - Đà Nẵng qua 2 con sông lớn là Thu Bồn và Vu Gia. Nhiều thôn của xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) bị nước lũ từ dòng Vu Gia dâng lên gây cô lập với các vùng xung quanh. Trong đó La Bông là thôn bị ngập nặng, mọi tuyến đường đều bị tê liệt. Nhiều nhà dân ngập sâu trong lũ, phải di chuyển bằng thuyền. 

Khoảng 8h ngày 16/12, anh Bùi Hồng, Công an xã Hòa Tiến nhận nhiệm vụ chèo xuồng đến khu vực cầu Suối Đá (thôn La Bông) làm nhiệm vụ. Đây là khu vực gần sông, dòng nước chảy xiết, nhiều người dân chủ quan thường chèo xuồng qua rất nguy hiểm đến tính mạng. Vừa đến nơi, anh Hồng nghe tiếng la thất thanh từ phía khu vực cầu. 

Nhìn về hướng ấy, anh Hồng hốt hoảng khi thấy một chiếc xuồng bị úp ngược. Ở đầu xuồng có 2 người đang bám vào, đó là ông Phạm Thơ (SN 1967) và cụ Nguyễn Bán (SN 1934, ngụ cùng xã Hòa Tiến). Do nước chảy mạnh khiến 2 người này trồi lên, sụp xuống vật lộn với dòng lũ. Lúc này, trời lại đang mưa lớn, 2 người bị lật xuồng như sắp bị dòng nước nhấn chìm.

Thấy tình thế vô cùng nguy cấp, anh Hồng lập tức chèo xuồng lao đến để cứu người. Khi xuồng anh Hồng gần đến thì dòng nước xiết hất tung cụ Bán ra xa, ông Thơ kịp bám vào một bụi tre gần đó. Cố lao theo dòng lũ, anh Hồng cứu được cụ Bán, sau đó quay ngược dòng cứu được ông Thơ.

Vẫn chưa thôi cảm giác sợ hãi lúc cận kề cái chết, ông Thơ kể, hôm ấy, hai người chèo xuồng đi tránh lũ thì gặp nạn. “May có anh Hồng bất chấp nguy hiểm bơi xuồng đến cứu kịp thời, nếu không chưa biết chúng tôi có còn sống hay không nữa”, ông Thơ chia sẻ. 

Nói về hành động của mình, anh Hồng khiêm tốn: “Tôi biết khu vực ấy rất nguy hiểm. Nhưng ở thời khắc ấy, tôi không kịp toan tính mà chỉ biết hành động thật nhanh, nỗ lực cứu người cho bằng được. Thật ra ai ở vào vị trí của tôi lúc ấy thì cũng hành động như thế thôi”.

Trước đó, vào rạng sáng ngày 16/12, gia đình cụ Lê Thị Thôi (SN 1921, ngụ thôn La Châu, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) cũng được một chiến sĩ công an cùng một người khác cứu trong lũ. 

Ông Đinh Ngọc Tân (SN 1944, con trai cụ Thôi) kể, nhà ông trước mặt là cánh đồng và khe nước, bên phải là sông Vu Gia nên chỉ cần lũ về là bị cô lập ngay. Lúc 4h sáng 16/12, thấy lũ càng lúc càng lên, ông gọi điện cầu cứu con cháu nhưng không liên lạc được. Rạng sáng hôm ấy, nước tràn vào nhà ông Tân.

“Thời điểm đó trong nhà chỉ có tôi và mẹ già. Trong nhà có gác xép nhưng tôi đã hơn 70 tuổi lại khập khễnh nên không sao đưa mẹ lên được gác được. Hai mẹ con đứng nhìn dòng lũ mà run cả người. Giữa lúc ấy thì tôi nghe tiếng kêu từ ngoài sân vọng vào: “Đi! Đi. Đi bà ơi”.”, ông Tân kể lại.

Nhìn ra sân, mẹ con ông Tân vô cùng vui mừng khi thấy anh Phan Công Tuấn (Công an viên) và anh Phùng Văn Tiễn (Thôn Đội trưởng thôn La Châu) đang cố cập mạn xuồng vào sân nhà. Cụ Thôi và ông Tân được đón lên xuồng đưa đến nơi tránh lũ an toàn. Để cứu được 2 người này, anh Tuấn và anh Viễn phải ngâm mình dưới nước luồn qua các lùm cây, men theo bờ bụi để đảm bảo an toàn.

Anh Phùng Văn Tiễn (phải) kể lại giây phút vượt lũ cứu người.
Anh Phùng Văn Tiễn (phải) kể lại giây phút vượt lũ cứu người.


 Đưa sản phụ đi sinh

Sáng ngày 16/12, thai phụ Vũ Thị Việt Trinh (SN 1993, ngụ xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) trở dạ. Chị Trinh được gia đình đưa đến Trạm y tế xã Duy Tân để sinh nở. Tuy nhiên, đây là ca sinh khó nên Trạm y tế yêu cầu gia đình chuyển gấp sang Bệnh viện khu vực Bắc Quảng Nam (đóng ở khu vực trung tâm huyện Đại Lộc, Quảng Nam) để được sự hỗ trợ tốt hơn. Giữa cảnh nước lũ trắng đồng, ai nấy đều rất lo lắng. Nhưng để ca sinh thành công thì không còn cách nào khác là phải vượt lũ trước khi sản phụ vượt cạn. 

Khi gia đình đưa chị Trinh đến trạm y tế xã Đại An (huyện Đại Lộc) thì gặp nước lũ dâng quá lớn, tuyến đường gần 3km nối xã Đại An với trung tâm huyện đã bị cô lập. Mặt khác, chiếc xuồng nhỏ đưa chị Trinh đi sinh không thể qua được khu vực nước chảy xiết. Giữa lúc khó khăn, gia đình chị Trinh đã gọi điện cầu cứu công an xã Đại An.

Trung tá Lê Nho Tâm - Trưởng Công an huyện Đại Lộc kể: “Lúc đó, khoảng 8h sáng, thời điểm nước lũ đang dâng cao, thì tôi nhận được tin báo khẩn từ Công an xã Đại An về một ca sinh khó, phải có sự can thiệp của bệnh viện cấp tỉnh. Công an xã đề nghị Công an huyện giúp đỡ. Thế là tôi huy động hơn chục cán bộ chiến sĩ đang trực, dùng ô-tô cơ động kéo ca-nô ra hướng xã Đại An…”.

Mặc cho mưa quất vào mặt, mặc cho nước lũ dâng cao, những chiến sĩ công an đã tức tốc đến trấn an chị Trinh và đưa sản phụ này đến bệnh viện an toàn. Mẹ ruột của chị Trinh kể, bà vẫn nhớ như in cái cảm giác sợ hãi, lo lắng tột cùng khi con gái mình đột ngột chuyển dạ giữa lúc nước lũ cuồn cuộn đổ về, tắc hết đường sá.

Giữa cái lạnh, cái rét mà ai nấy toát mồ hôi hột. Lúc sang được bên bờ Đại Lộc để chuẩn bị đi viện, bà mừng quá, ôm con gái thốt lên “ri là chắc rồi đây con ơi”. Cả mẹ lẫn con đều mừng khôn xiết, chỉ kịp cảm ơn các chú Công an một câu rồi vội đưa đến bệnh viện sinh nở, chẳng kịp hỏi tên ai cả. 

Nói về câu chuyện giúp dân giữa mưa lũ, Trung tá Lê Nho Tâm tâm sự: “Đó là việc mà chúng tôi cần làm thôi. Đưa cô ấy đến nơi an toàn xong, chúng tôi lo trở về cơ quan túc trực. Lúc đó, lũ lên nhanh lắm, vượt mức báo động 3. Và với chúng tôi, việc đưa sản phụ vượt lũ là một kỷ niệm khó quên. An toàn của người dân là hạnh phúc của chúng tôi”. 

Làm thiện nguyện trong ngày mưa gió

Trong những ngày mưa gió vừa qua, chúng tôi đã theo chân Hội phụ nữ Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Quảng Nam làm công tác thiện nguyện. 

Ngày 2/12, tại bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, gia đình em Hồ Văn Gương (SN 2001, thôn 5, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã xúc động khi nhận sự động viên, chia sẻ của các nữ cảnh sát. Được biết, em Gương bị bệnh lúc 5 tuổi, bản thân em rất ham học nhưng vì mang bệnh nên không thể đến trường. Nhà em lại đông người, kinh tế rất khó khăn nên không có điều kiện đưa em đi chữa bệnh. 

Chị Lê Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội chia sẻ, khi biết thông tin này, chị đã phát động các nữ cảnh sát trong Hội quyên góp tiền hỗ trợ cho em Gương. Ông Hồ Văn Dõi (cha em Gương) nói trong xúc động: “Gia đình tôi rất biết ơn các cô cảnh sát. Họ đến, ngay trong ngày mưa gió này, khiến chúng tôi thấy ấm áp”.

Hội Phụ nữ Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Quảng Nam thăm và tặng quà cho bệnh nhân nghèo.
 Hội Phụ nữ Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Quảng Nam thăm và tặng quà cho bệnh nhân nghèo. 

Chia tay em Gương, các nữ cảnh sát lại tiếp tục đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng để thăm bệnh nhân Nguyễn Thị Kim Thi (SN 1972, ngụ phường An Phú, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam). 

Ngày 24/11, trong lúc làm việc, do bất cẩn, chị Thi đã rơi vào máy nghiền phế liệu và bị nghiền nát 2 chân. Sau khi cắt cụt 2 chân, chị Thi bị nhiễm trùng và phải nhiều lần phẫu thuật, điều trị bằng nhiều loại thuốc không có trong danh mục BHYT. Hoàn cảnh của chị Thi đã khiến các nữ cảnh sát không cầm lòng và vượt gần 100 cây số trong thời tiết mưa gió để đến thăm. 

“Tôi nghĩ, họ rất cần sự giúp đỡ của chúng ta. Mỗi người một ít, góp gió thành bão, giúp họ vượt qua cơn hiểm nghèo”, chủ tịch Hội phụ nữ chia sẻ.

Trong những ngày mưa lũ, những câu chuyện trên đã làm ấm lòng người.

Đọc thêm